Là một huyện với nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, huyện Cư M’gar đã tận dụng tốt những lợi thế và đặc thù của vùng đất Tây Nguyên để tạo tiền đề và thế mạnh trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

W-CuM’gar.png
Một góc huyện Cư M’gar 

Xác định việc xây dựng huyện NTM là góp phần tích cực vào tiến trình thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Chính vì vậy, huyện Cư M’gar đã chủ động rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu để đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể, hiệu quả trên địa bàn từng xã nhằm phát huy lợi thế và khắc phục những tồn tại.

Đơn cử, thời gian qua, huyện đã chú trọng chuyển đổi vật nuôi, cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc trồng xen canh, đa dạng hóa các loại cây trồng trong vườn cà phê đã và đang được bà con nông dân trên địa bàn huyện áp dụng. Cách làm này không những đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, mà còn góp phần hạn chế những rủi ro trong sản xuất và sự biến động của thị trường.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Čư M'gar cho biết: Hiện nay toàn huyện có khoảng 32.832 ha cà phê có các loại cây trồng xen (chiếm tỷ lệ hơn 86,8% diện tích cà phê trên địa bàn). Các loại cây trồng xen được bà con nông dân đưa vào trồng nhiều là hồ tiêu, điều, mắc ca và các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mít, ổi, chôm chôm, nhãn, bưởi… Thực tế trồng xen không chỉ có tác dụng che bóng, chắn gió cho cây trồng chính là cà phê mà còn cải thiện, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Nếu như trồng thuần, mỗi ha cà phê bình quân cho thu nhập khoảng 190 triệu đồng/năm, thì thu nhập mỗi ha cà phê có trồng xen hồ tiêu bình quân đạt khoảng 250 triệu đồng/năm. Đặc biệt đối với diện tích cà phê có trồng xen sầu riêng cho thu nhập bình quân khoảng 350 triệu đồng/ha, thậm chí đạt cả tỷ đồng. 

Việc chủ động trồng xen canh thêm nhiều loại cây trồng trong vườn cà phê đã mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Tuy nhiên để hiệu quả, bà con nông dân cần chủ động tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc từng loại cây trồng, để các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng lẫn nhau, không cạnh tranh nhau mà cùng hỗ trợ, tương hỗ qua lại. Những vườn cà phê được trồng xen nhiều loại cây trồng với mật độ dày sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc, bón phân, tưới nước…

Bên cạnh đó khi tự phát trồng ồ ạt một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê không theo kế hoạch, quy hoạch, thiếu sự liên kết sẽ tiềm ẩn nguy cơ cung vượt cầu, thiếu tính bền vững. Vì vậy để phát triển mô hình xen canh bền vững, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện cần tăng cường công tác quản lý, định hướng cho người dân trồng xen các loại cây phù hợp. Đồng thời chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao KHKT-công nghệ về quy trình trồng xen, hướng đến xây dựng vườn cây hợp lý để mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, thân thiện với môi trường.

Nhờ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có sự góp sức tích cực từ các mô hình chuyển đổi hướng canh tác nông nghiệp, diện mạo huyện Cư M’gar đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực. Đời sống kinh tế và tinh thần của người được nâng cao từng ngày. Kinh tế - xã hội toàn huyện đang từng bước thay đổi theo hướng phát triển bền vững, trở thành điểm tựa để Cư M’gar về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.