Theo thông tin từ tỉnh Kiên Giang, qua 10 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn các xã trên địa bàn tỉnh đều có sự chuyển biến đáng kể. Hiện toàn tỉnh có 64/117 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 54,7%. Các xã đều đạt từ 9 tiêu chí trở lên, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Trong đó, có huyện Tân Hiệp đạt chuẩn NTM.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh Kiên Giang đã huy động hơn 29.000 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp là hơn 1.000 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp hơn 1.900 tỷ đồng, còn lại là vốn vay tín dụng và các nguồn khác.

{keywords}
Nhiều mô hình sản xuất VietGap, GlobalGAP... xuất hiện ở Kiên Giang đã giúp thu nhập của người nông thông được nâng cao

Nhờ có nguồn vốn trên, các cấp, các ngành ưu tiên xây dựng nông thôn, giảm nghèo, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất, văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng được quan tâm chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… cho nhiều nông dân. Nhiều cánh đồng lớn, vùng nuôi tôm tập trung quy mô lớn theo phương pháp thâm canh và từng bước bền vững về môi trường sinh thái; phát triển hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp, nuôi cá lồng bè... Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt 46,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,57 lần so với năm 2015 (29,5 triệu đồng). Trong đó, địa phương có thu nhập bình quân khu vực nông thôn cao nhất là huyện Kiên Lương, đạt 57 triệu đồng/người/năm. Còn huyện miền núi Giang Thành vốn có nhiều khó khăn, nay thu nhập bình quân của người dân nông thôn cũng đã đạt gần 44 triệu đồng/người/năm.

Bài: Hoàng Tư Giang - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Văn Hùng - nhóm PV