Đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, ngay sau khi trở thành tỉnh NTM, Nam Định đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM đã đạt được theo hướng bền vững, với đích đến là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Ngày 18-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 06-NQ/TU). Mục tiêu then chốt của nghị quyết này chính là là xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với đô thị; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa; đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Một sản phẩm OCOP của Nam Định

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, song sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 106 xã, thị trấn (chiếm 52% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trong năm 2022, công tác xây dựng NTM tiếp tục được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân quan tâm triển khai thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; đến thời điểm này của năm, tỉnh Nam Định đã quyết định công nhận thêm được 76 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Lũy kế đến nay tỉnh Nam Định có 182/204 (89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí và căn cứ chứng minh mức đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. UBND tỉnh Nam Định đã ban hành và triển khai thực hiện các tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); ước cả năm 2022 tỉnh Nam Định có thêm 60 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên; lũy kế đến nay, tỉnh Nam Định đã có 251 sản phẩm OCOP.

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận là huyện NTM kiểu mẫu; phấn đấu có từ 300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. 

Triển khai nhiều giải pháp tạo được sự lan toả sâu rộng

Ngay từ rất sớm, tỉnh Nam Định đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng về chất lượng. 

Với tinh thần đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo được sự lan toả sâu rộng. Các phong trào thi đua, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cá nhân tham gia, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ như: Ngày phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ Nam Định khởi nghiệp - Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP”; Ngày hội “Thanh niên Nam Định với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Tổ chức Đoàn đã quan tâm hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó trọng tâm là phát huy thế mạnh nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm OCOP…

Để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, Nam Định tổ chức các lớp tập huấn cho học viên là thành viên của các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Học viên được giảng viên là chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP của Trung ương truyền đạt các nội dung: kỹ năng, năng lực về quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu, marketing, quảng bá, phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP,….

Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 9 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện và thành phố Nam Định. Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh tại các hội chợ, sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xây dựng và đưa vào vận hành website Chương trình OCOP của tỉnh “OCOPnamdinh.vn”; triển khai thí điểm chiến dịch truyền thông, xúc tiến thương mại điện tử các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và các du khách đến Nam Định. Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên các trang thương mại điện tử (trên 100 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tạo gian hàng trên sàn thương mại Posmart.vn và voso.vn) và các mạng xã hội. Các sản phẩm OCOP của tỉnh được ưu tiên trưng bày, bán tại hệ thống cửa hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn, thời gian qua, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Một trong những giải pháp quan trọng đang được tỉnh chú trọng thực hiện đó là thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP.

Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn; … Bên cạnh đó Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, shopee,…

Đến nay đã có trên 150 sản phẩm của tỉnh được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, nhằm tăng cường hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển dịch vụ công nghệ Lâm Hải tổ chức ngày hội Livestream với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP”.

Thông qua việc áp dụng công nghệ, các hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.

Giao Linh và nhóm PV, BTV