Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Năm 2019, Tuyên Quang dành 5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi nông hộ, trong đó có đàn gia súc.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm xây dựng và triển khai mô hình nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bước đầu, mô hình này đã thu được những kết quả đáng mừng.
HTX Tiến Thành là đơn vị đi đầu trong mô hình liên kết này khi ký hợp đồng thực hiện liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt vỗ béo với 11 HTX, 9 tổ hợp tác, với gần 200 hộ xã viên từ tháng 9/2017 - 31/8/2019, cung ứng cho các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại chăn nuôi trong chuỗi liên kết 2.345 con trâu, bò.
Đến ngày 31/8/2019, HTX đã thu mua hơn 1000 nghìn con trâu, bò với giá dao động từ 65.000 đến 74.000 đồng/kg. Số trâu, bò thịt còn lại hiện đang nuôi vỗ béo tại các thành viên các HTX, tổ hợp tác trong tỉnh.
HTX Tiến Thành cam kết chính sách cung ứng con giống trâu, bò, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung chăn nuôi đầu vào và tiêu thụ toàn bộ số lượng trâu, bò theo đăng ký kế hoạch của người tham gia sau khi kết thúc thời gian chăn nuôi vỗ béo.
Các HTX, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi chủ động cải tạo, đầu tư xây dựng mới chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và HTX Tiến Thành.
Được biết, trước khi tổ chức thực hiện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng cơ quan chuyên môn địa phương xuống kiểm tra chuồng trại, con giống, thực ăn tinh, thô tại các hộ tham gia mô hình.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Tiến Thành chia sẻ, nguồn trâu, bò giống nhập và mua từ các địa phương trong nước.
Con giống được kiểm tra từ chiều cao, cân nặng, cho đến các chỉ số phải đáp ứng thì HTX mới nhập vào cho các thành viên nuôi. Tất cả các nguyên liệu, xử lý về kháng sinh, dịch bệnh phải đảm bảo đúng quy trình.
Trước khi đưa ra thị trường phải nói không với thuốc kháng sinh và tất cả các chất cấm trong chăn nuôi.
Dự kiến năm 2019, HTX cung cấp cho các thành viên 1.500 - 2.000 con trâu, bò để vỗ béo. Sau khi đủ điều kiện, trâu, bò được HTX thu mua lại, đưa đi xuất khẩu (60%) và tiêu thụ trong nước (40%).
Anh Nguyễn Văn Hỹ - thôn Liên Nghĩa, xã Quang Vinh (Chiêm Hóa) là một trong những hộ nuôi trâu, bò theo mô hình liên kết, cho biết, gia đình anh nuôi trâu vỗ béo 2 năm nay.
Ban đầu chỉ có 2 con, về sau thấy thu nhập ổn định lại ít dịch bệnh, gia đình quyết định tăng đàn lên 8 con.
Nuôi theo mô hình liên kết, anh hoàn toàn không phải lo đầu vào, đầu ra mà có HTX Tiến Thành lo toàn bộ hai khâu này. Việc của anh là chăn nuôi cho tốt, đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Theo lời anh Hỹ, mỗi lứa trâu nuôi 3 tháng, sau 3 tháng, trừ chi phí, thu lãi 5- 7 triệu đồng/con. Dự kiến 8 con trâu tới đây bán sẽ cho lãi 40 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh và một số hộ từ nghèo và cận nghèo đã thoát nghèo, kinh tế dư dả.
Anh Triệu Văn Đang, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn) chia sẻ, để nuôi vỗ béo hiệu quả, cần chọn những con trâu, bò gầy nhưng có khung xương to, vóc dáng lớn. Như vậy, sau quá trình nuôi vỗ béo con vật mới có khối lượng lớn và cho lợi nhuận cao.
Quá trình chăn nuôi cần thực hiện vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ, tẩy ký sinh trùng cho trâu bò trước khi đưa vào nuôi vỗ béo.
Thức ăn cho trâu, bò nuôi vỗ béo là cỏ VA06, cám sinh học, bã bia, bã đậu... Khẩu phần ăn này giúp gia súc nhanh béo, khỏe, tăng vòng quay trong chăn nuôi vỗ béo.
Trong khi đó ông Lê Văn Tứ, Giám đốc HTX Tiến Quang đầu tư quy mô lớn hơn. Anh cho biết, HTX thành lập cuối năm 2017, quy mô nuôi 30 con trâu, bò, nay tăng lên 350 con. Nhờ nuôi theo chuỗi liên kết, nhiều hộ có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.
Riêng gia đình anh ban đầu nuôi 12 con trâu, bò, giờ tăng lên 50 con. Sau khi trừ đi các khoản phí, anh thu về 80 triệu đồng/ lứa.
Ông Chu Văn Thiệp, Giám đốc HTX Tiến Đạt, xã Minh Hương (Hàm Yên) thông tin, sau khi ký cam kết tham gia liên kết chăn nuôi trâu, bò, lợn an toàn sinh học theo chuỗi giá trị, HTX đã nhập 40 con trâu, bò nuôi vỗ béo theo quy trình đã cam kết.
Sau 3 tháng nuôi, đàn trâu, bò tăng bình quân khoảng 70 kg, trừ hết chi phí, thu lãi 4,8 triệu đồng/con. HTX Tiến Đạt đang chuẩn bị thức ăn để tiếp tục nhập 40 con trâu, bò nuôi vỗ béo.
“So với cách chăn nuôi truyền thống, mô hình liên kết chăn nuôi an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bởi một năm có thể nuôi được 3 lứa và đầu ra của sản phẩm luôn được ổn định’, ông Thiệp nói.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo đối với các HTX, tổ hợp tác theo hướng ký hợp đồng với HTX Tiến Thành.
Khó khăn về nguồn vốn
Mặc dù mô hình liên kết chăn nuôi vỗ béo trâu, bò thị đang trên đà phát triển nhưng các HTX phải đối mặt với vấn đề lớn là nguồn vốn.
Ông Hoàng Văn Oanh cho biết, mỗi con trâu, bò mua về để nuôi vỗ béo có giá 16 - 30 triệu đồng. Trong khi việc đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn khá tốn kém. Dự tính, chuồng nuôi nhốt khoảng 10 con cần 30 - 40 triệu đồng. Đa số các thành viên đều đi vay vốn ngân hàng, trong khi đất đai thế chấp có giá trị thấp.
Ông Lê Văn Tứ nêu ý kiến: “Gia đình tôi xây dựng chuồng trại khoảng 500 triệu đồng nhưng phải đi vay ngoài 300 triệu đồng. Về lâu dài rất mong các cơ quan chuyên môn có biện pháp tháo gỡ, nhằm giúp ngườ dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hơn”.
Bài: Trần Thị Thục Anh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV