Mục tiêu của Quảng Ninh là đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 30 hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Mục tiêu của Quảng Ninh là đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 30 hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. |
Theo mục tiêu trên, mỗi địa phương trong tỉnh có ít nhất 3 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và trên 30% hợp tác xã ứng dụng các công nghệ 4.0, công nghệ sinh học; xây dựng ít nhất 8 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; các hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả trên 90%.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đồng ý cho thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 6 hợp tác xã nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh.
Thực tế, hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Ninh còn hạn chế về ứng dụng công nghệ, hạn chế trong việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có rất ít hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Ninh chủ động thực hiện ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên dẫn đến việc tiêu thụ có lúc còn bấp bênh, giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu là các hợp tác xã năng lực yếu, chưa mạnh dạn liên kết, chưa có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán hợp đồng, thiếu phương tiện vận chuyển thích hợp để thu mua sản phẩm tại đồng ruộng và không có kho để dự trữ, bảo quản…
Tuy nhiên, Chi cục Phát triển Nông thôn Quảng Ninh khuyến cáo các hợp tác xã nông nghiệp không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần xác định trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu không có sự liên kết sẽ không có chỗ đứng, không có sự đầu tư về công nghệ sẽ không có khả năng cạnh tranh.
Bài: Lê Hồng Hạnh - nhóm PV
Ảnh: Trương Thanh Tùng - nhóm PV