Tại một trung tâm tị nạn bão trên Đảo Samar ở Philippines, những đứa trẻ bị tổn thương bắt đầu quen dần với cuộc sống mới.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}
Những đứa trẻ chơi đùa trên đu quay tại khu vực Basey, phía bắc Tacloban. (Ảnh: Damir Sagolj/Reuters)
Khi cha mẹ chúng vẫn đang suy ngẫm về tương lai, bọn trẻ lại phát minh ra phiên bản mới của trò bóng ném bằng cách tung những chiếc dép về phía nhau. Và khi các nhân viên cứu trợ nước ngoài tới, bọn trẻ đã dành thời gian để quanh quẩn bênh cạnh: nịnh hót, trêu đùa và hỏi họ những câu hỏi bằng vốn tiếng Anh bập bẹ.

Mặc những tín hiệu phục hồi từ phía bọn trẻ, các nhân viên xã hội và phụ huynh đều nói rằng chúng đang chịu những tổn thương mới - thực tế là Philippines sẽ cần vượt qua những khó khăn thông qua nỗ lực cứu trợ không hoàn thiện, vốn không cung cấp các nhu yếu phẩm như thức ăn, thuốc men kịp thời.

Sau khi các nhu cầu cơ bản của người dân được đáp ứng, quốc gia này vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức bao gồm xây dựng lại trường học và giúp đỡ trẻ em, một vài trong số đó là trẻ mồ côi, phục hồi tâm lý.

"Bạn thấy đấy, bọn trẻ đang chơi và cười đùa," Manneth Catina, 25 tuổi, một nhân viên xã hội tại thành phố Tacloban, tỉnh Leyte nói. "Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, sâu thẳm bên trong chúng vẫn sợ hãi."

Ước tính trong số 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi cơn bão có 5 triệu trẻ em.

Nhiều đứa trẻ đã mất đi người thân và bạn bè. Một số có ký ức đáng sợ về trận cuồng phong và những cột nước lớn như sóng thần cuốn trôi nhà cửa và lôi người ra biển.

Tại Tacloban, Gloria Macabasag kể về việc gửi 3 đứa con của mình tại một trại trú ẩn cho em dâu chăm sóc trong khi cô và chồng cố gắng bảo vệ ngôi nhà của họ trong suốt trận bão. Mặc dù căn nhà đã bị phá hủy nhưng họ vẫn may mắn sống sót. Ngay sau khi nước rút, họ đã chạy tới trại trú ẩn tại trường Rizal.

"Bọn trẻ đang khóc và tìm kiếm chúng tôi," Macabasag nói. "Có vẻ như chúng đã bị tổn thương."

Trường học đã bị ngập nước. Để sống sót, những người tị nạn ở bên dưới phải trèo lên tầng 2 của tòa nhà nhưng gió quá mạnh nên họ phải di chuyển rất khó khăn. Macabasag nói rằng đứa con thứ hai (5 tuổi) và con út (3 tuổi) suýt bị chết đuối nhưng đã được những người lớn kéo lên.

Các nhân viên xã hội nói với Macabasag khuyến khích bọn trẻ tiếp tục chơi đùa và vẽ hoặc viết lại cảm giác của chúng về cơn bão. Khi hỏi cậu con trai Jose Luiz 5 tuổi về chuyện gì đã xảy ra, cậu bé chỉ khóc, Macabasag nói.

Một thách thức nữa mà Philippines sẽ phải đối mặt khi cố gắng mở cửa các trường học là phần lớn trong số đó đang được sử dụng làm trại tị nạn.

Trường Rizal, nơi Macabasag và gia đình đang trú ẩn, hiện là nhà của hơn 1.300 người. Các con của cô ngủ trên bàn trong cùng lớp học mà chúng trú bão.

Cô đang hy vọng bọn trẻ sẽ đi học trở lại khi các trường học mở cửa. Trong khi đó, các nhân viên cứu trợ nói rằng điều quan trọng là những đứa trẻ được trở lại trường học trước khi chúng trở nên quen với sự nhàn rỗi.

"Chúng tôi biết rằng nghỉ ở nhà càng lâu, chúng càng bị tụt hậu," Lynette Lim, quản lý truyền thông của tổ chức Cứu lấy trẻ em châu Á cho biết.

Lim cũng lo lắng về tình trạng suy dinh dưỡng của những đứa trẻ, vốn ở mức cao tại Philippines. Cho dù những món hàng cứu trợ cuối cùng cũng tới được tay các cộng đồng bị ảnh hưởng, nhưng trong đó vẫn không bao gồm đồ dùng cần thiết cho trẻ em, như sữa bột.

Thứ Sáu tuần trước, Tổ chức Cứu lấy Trẻ em đã mang 100 tấn hàng cứu trợ tới Cebu.

Cùng với Quỹ nhi đồng LHQ, Cứu lấy Trẻ em cũng thành lập một khu vực thân thiện với trẻ em tại trường Rizal, nơi bọn trẻ có đồ chơi để chơi và các dự án nghệ thuật. Hiện có 3 trung tâm như vậy trong khu vực và dự kiến sẽ có nhiều hơn nữa.

Hôm qua (19/11), Macabasag nói về Jose Luiz, đứa bé không thể nói về thảm họa, đã khám phá khu vui chơi,  mặc dù vẫn chưa chính thức mở cửa.

"Nó nghĩ đó là trường," cô nói. "Đó là một sự giúp đỡ lớn cho những đứa trẻ".

Sầm Hoa (Theo Nytimes)