Căn nhà 3 tầng nằm sâu trong một con ngõ phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) là tổ ấm của cựu vô địch Đại hội Thể thao châu Á (Ganefo 1966) - kình ngư Vũ Thị Sen.
"Lăng Bác vừa mở cửa sau khi hết giãn cách, nên từ Tết đến nay, tôi mới đến viếng Người được", bà Sen, năm nay đã 72 tuổi mở đầu câu chuyện.
Cựu kình ngư Vũ Thị Sen quê ở Bình Hải, Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Trong những năm tháng cả nước kháng chiến chống Mỹ, quê hương bà là nơi "toàn xã biết bơi", 2.000 người biết bơi và nhiều cuộc thi bơi có thể thu hút tới 700 người tham dự. Những năm 1959-1960, ở Nghĩa Phú nổi lên phong trào thể dục thể thao nức tiếng miền Bắc, các địa phương khác thi nhau đến tham quan, học hỏi.
Gia đình bà Vũ Thị Sen có truyền thống thể thao, chồng bà là cựu kỷ lục gia 10 môn phối hợp và HLV nổi tiếng môn điền kinh Đoàn Kim Phách, em gái bà là Vũ Thị Men cũng từng là kình ngư hàng đầu quốc gia |
Trên con sông Đáy chảy qua huyện Nghĩa Hưng với hàng chục nhánh nhỏ chằng chịt, người dân quê phải biết bơi để sống cùng sông nước. Anh trai bà Sen dù biết bơi nhưng cũng từng có lần "thập tử nhất sinh" vì suýt đuối nước.
"Ngày đó, một tuần liền đội bơi tỉnh Nam Định về biểu diễn cho xã xem để chuẩn bị cho giải toàn miền Bắc, họ ăn nghỉ ở các làng. Người dân chủ yếu bơi sùng sục, tự phát, không bài bản nên rất mất sức. Trong lúc đội tỉnh luyện tập, anh trai tôi học được kỹ thuật bơi ếch. Bình thường đi chăn trâu cắt cỏ, gần sông nước nhiều nên khi mấy anh em tôi học bơi, bố mẹ rất ủng hộ", bà Sen kể về cơ duyên đến với nghiệp bơi lội.
Bà Sen trong thời kỳ đỉnh cao. Ảnh tư liệu |
Từ đó, bơi ếch trở thành sở trường của bà, thành tích ngày càng được nâng lên, bà không có đối thủ trong các cuộc thi của tỉnh Nam Định.
Năm 1961, xã Trần Phú (Hà Nội) cũng có phong trào thể thao mạnh kết nghĩa với xã Nghĩa Phú quê bà, và nhận "đỡ đầu" cho 2 vận động viên Nghĩa Phú lên thủ đô để tập huấn với đội bơi Hà Nội trong 3 tháng hè.
Năm 1962, tại Thanh Hóa, lần đầu tiên cô bé 14 tuổi Vũ Thị Sen thi bơi toàn miền Bắc và đã giành ngay giải nhất. Hè năm đó, bà Sen được Trung ương gọi lên bồi dưỡng để thi đấu trong nước, cuối năm 1964 bà được vào trường huấn luyện thể dục thể thao TƯ (Trung tâm huấn luyện TDTT Nhổn).
Năm 1966, tại đại hội thể thao châu Á - Ganefo 66 được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), Vũ Thị Sen trở thành kình ngư Việt Nam đầu tiên mang vinh quang về cho Tổ quốc ở một giải đấu tầm châu lục. Dự thi ở cự ly 100 và 200m ếch, bà đoạt được 1 HCV và 1 HCB, lập kỷ lục châu Á.
Quên cả kẹo khi được gặp Bác
Bà Sen vinh dự được gặp Bác Hồ 2 lần vào năm 1965 và 1966.
Tháng 11/1965, đoàn VĐV bơi lội, bóng bàn Trung Quốc sang thăm và thi đấu hữu nghị tại Việt Nam. Cùng với đoàn bạn, bà Sen và một số VĐV tiêu biểu của Việt Nam được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch.
"Tôi ngại ngùng không dám đến gần Bác, được Bác cho 2 cái kẹo còn để quên trên bàn không kịp lấy", bà vui vẻ kể. Lần đó, bà chỉ đứng xa nhìn Bác mà không có cơ hội trò chuyện.
Các tuyển thủ: Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hữu Chỉ, Vũ Thị Sen chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Lần thứ 2 là khoảnh khắc lịch sử khiến bà cả đời không quên. Bà kể, ngày 19/12/1966 khi đoàn VĐV đang ở nơi sơ tán ở Hà Tây thì được lệnh về thủ đô báo cáo thành tích tại Ganefo, sáng sớm 1 chiếc xe com-măng-ca đến đón đoàn.
Trên đường về Hà Nội, đoàn đã phải 2 lần xuống hầm trú ẩn vì máy bay Mỹ bắn phá, đi mãi đến chiều xe mới về đến Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT).
Khoảng 16h chiều, khi đến Phủ Chủ tịch, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn. "Khi chúng tôi đang nghe Thủ tướng nói chuyện thì bỗng có tiếng reo: Ôi, Bác! Bác Hồ! Tất cả chúng tôi đều rất sững sờ, bất ngờ, xúc động, có chị còn bật khóc", bà Sen xúc động.
Bức ảnh chụp cùng Bác được bà bày trang trọng ở phòng khách |
Bà Sen và 4 tuyển thủ xuất sắc nhất giải được ngồi gần Bác. Nhìn qua một lượt, Bác hỏi: “Thế cháu nào cũng có huy chương à?”. Nhìn sang bà Sen và vận động viên khác, Bác hỏi tiếp: “Còn hai cháu này được những 2 huy chương kia à?”. Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ôi đón tiếp các cháu thắng lợi trở về không có bánh kẹo gì à?”, rồi nhỏ nhẹ: “Các cháu thông cảm, đất nước ta còn nghèo”.
Thay mặt anh chị em VĐV, Vũ Thị Sen đứng lên báo cáo với Bác: “Cháu là Vũ Thị Sen. Quê cháu ở Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Xã cháu có 3/4 là đồng bào công giáo. Nhờ ơn Đảng, Bác mà cháu mới được ăn học, tập luyện TDTT.
Cháu xin hứa với Bác sẽ cố gắng hơn nữa để đạt thành tích cao hơn nữa, góp phần nhỏ bé của mình vào … vào … ”. Vì xúc động, bà Sen ấp úng thì được Bác tiếp lời: “Vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”. Mọi người vỗ tay cười vui.
"Thành tích của các cháu hôm nay rất tốt, song thắng không kiêu, bại không nản, các cháu phải cố gắng hơn nữa để đem thành tích về cho Tổ quốc", Bác kết luận.
Sau đó, Bác trao tặng huy hiệu Hồ Chí Minh cho 4 VĐV xuất sắc, rồi chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các VĐV.
Gặp Bác, được nghe Bác dặn dò về lý tưởng, vai trò, trách nhiệm của 1 VĐV đã trở thành động lực để sau này, dù trên cương vị nào, bà Vũ Thị Sen cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 2002, bà Sen nghỉ hưu nhưng vẫn nặng tình với nghiệp bơi lội. Hàng ngày, bà vẫn duy trì thói quen rèn tập thể thao. Theo sát từng bước đi của bơi lội Việt Nam, bà Sen được mời làm trọng tài, cố vấn cho nhiều giải bơi, thậm chí còn "lấn sân" sang cả môn đua thuyền.
Ngoài ra, bà còn tích cực hướng dẫn một số lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. "Tôi cố gắng ghi nhớ, học tập theo những gì Bác nói làm sao để 'vừa hồng, vừa chuyên', động viên con cháu làm nhiều việc tốt" bà Sen vui vẻ nói.
Cuộc sống của con gái ông Hoàng Quốc Việt được Bác Hồ đặt tên
Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, từng được Bác Hồ đặt tên trong ngày đầy tháng. Bà là một trong những đứa trẻ có tuổi thơ gắn bó với Bác nhiều nhất trên chiến khu Việt Bắc.
Thành Nam