LTS: Phụ nữ lái xe thường bị cánh đàn ông nghi ngại với nhiều định kiến như "bán xăng cho phụ nữ là tội ác", là phụ nữ thì tất yếu "không biết lái". Dưới đây là câu chuyện của chị Phạm Thị Thuỳ Dương, một nữ luật sư ở Hà Nội đã có kinh nghiệm lái ô tô 7 năm gửi tới VietNamNet nhân ngày 8/3.
Trước khi nói đến việc mua xe một cách thần tốc và đầy ngẫu hứng, tôi phải mạn phép nói về ấn tượng cực kỳ ... sâu sắc của bản thân đối với xe ô tô.
Cả một thời thơ ấu và đến tận khi đi làm, tôi luôn thắc mắc là làm thế nào mà người ta chỉ dùng tay xoay xoay, vặn vặn cái "bánh xe" (vô lăng) nho nhỏ trước mặt mà lại có thể điều khiển chuyển động của cả một chiếc ô tô to đùng.
Thế rồi những thắc mắc đó đi vào cả những giấc mơ từ khi còn là học sinh, đến nỗi rất nhiều lần, tôi mơ ... lái xe ô tô, mà tệ là mỗi giấc mơ đều không đưa ra được lời giải đáp nào cho câu hỏi "lái xe ô tô như nào".
Tuy nhiên, chúng đều có một điểm chung là: cảm xúc khi cầm vô-lăng thật là kinh hoàng, lúc thì lao dốc không phanh, lúc thì rơi thẳng xuống xuống ao, lúc thì đâm vào cây, vào tường và có lúc thì “hôn nhau” với xe tải, container…
Thế nên, mặc dù rất thắc mắc về ô tô nhưng chưa bao giờ, tôi có ý định sẽ sắm cho mình 1 chiếc ô tô. Ngay cả khi đã đi làm một thời gian và đủ tiền mua xe, tôi vẫn rất thờ ơ với việc sở hữu xe cho riêng mình.
Luật sư Phạm Thị Thuỳ Dương (Hà Nội) đam mê thích thú đối với ô tô từ thuở nhỏ |
Thựcra, chỉ bởi tôi là người vốn rất thực tế. Nôm na, tôi tính toán “dư lày” (như thế này): mua xe mất tiền tỉ, hàng tháng lại mất tiền triệu để gửi xe (chưa kể còn có tìm được chỗ gửi gần nhà hay không), rồi đi làm thì lại phải đi rất sớm và về rất muộn (cho đỡ tắc đường), rồi lại chi phí xăng, gửi xe, rửa xe, bảo dưỡng, bảo trì... Tóm lại cả núi tiền!
Trong khi đó, muốn dùng xe ô tô đi đâu chơi xa hoặc nhiều người thì tôi chỉ cần hú một tiếng, các nhà xe có mà xếp hàng, chi phí cạnh tranh, dịch vụ chu đáo, không phải tự lái mà các bác tài lại khéo nói, đẹp giai nữa chứ!
Thế mà đùng một cái, chỉ trong một cuộc chuyện phiếm với bạn, nghe tin hãng xe M đang có chương trình ưu đãi, cơn bốc đồng nổi lên, tôi quyết mua xe luôn trong khi chưa có bất kỳ một sự tính toán, lựa chọn (về màu sắc, cấp độ...), chưa có bất kỳ một sự chuẩn bị "hậu kỳ" nào. Tôi không nhớ rõ lắm về khoảng thời gian chính xác nhưng có lẽ là tầm cuối năm 2015-2016.
Sau khoảng 3 tháng mua xe, tôi mới tìm thầy dạy lái. Mà éo le ở chỗ, tôi mua xe số tự động nhưng lại chỉ được học số sàn, vì thời đó chưa có thi bằng lái xe số tự động.
Buổi đầu tiên, thầy có "trình bày" nọ kia về nguyên lý động cơ, về nguyên tắc này nọ, tôi bảo: "Thôi thầy cho chị lên xe lái luôn đi, nghe không thì chị không nhớ được đâu".
Học thầy được khoảng 6 buổi (mỗi buổi cách nhau 1-2 tuần), nghe thầy nói bâng quơ sắp có kỳ thi lấy bằng bên Long Biên (Hà Nội), tôi bảo thầy: "Đăng ký cho chị thi luôn!". Thầy choáng: "Chị đã học hành gì ra hồn đâu?".
Tôi chỉ nhẹ nhàng: "Chị bận lắm, cứ thi đi, trượt thì thi tiếp chứ đợi học xong xuôi thì đến bao giờ, thầy cứ đăng ký luôn khỏi ... lỡ".
Đăng ký xong, tôi sang Long Biên học thêm 4 buổi ở sân địa hình để thi. Cái sân địa hình không làm khó được tôi, nhưng cái xe ở sân địa hình thì thật là ... khó tả. Nó không chỉ cũ mà còn cổ kính, không chỉ ít vệ sinh mà còn là tập hợp các loại mùi. Các bộ phận chạm vào (chân ga, chân phanh, vô-lăng...) đều mòn nhẵn, trơn lì cả, chạm đến đâu cứ ... tuồn tuột đến đấy, khiến cho tôi cứ rón rén không dám lái phiêu vì chỉ sợ tự nhiên thấy xe ... cất cánh.
Thế mà người hướng dẫn tại sân địa hình, nghe tôi nói mới học trc đó 6 buổi thì choáng váng vì không hiểu sao lần nào tôi lùi chuồng cũng như ... đặt, đều một phát ăn ngay! Rồi thì tôi cũng lò dò lần lượt hoàn thành các bài test trong 4 buổi tập với sân địa hình.
Học xong 4 buổi ở Long Biên, mọi thứ đều có vẻ nuột nà mà chân ga, chân phanh vẫn có vẻ chưa êm, cứ mỗi lần nhấn ga hoặc phanh là tôi phải nhấc bổng gót giày để ghì xuống tạo lực (tôi tập lái toàn đi giày thể thao) và cứ đến đoạn phải tăng tốc thì toàn bị trừ 5 điểm vì tốc tăng không nổi.
Đến hôm đi thi, rút kinh nghiệm sâu sắc, tôi lặng lẽ xách theo đôi bốt ... 9cm (để có chỗ tì lực khi tăng tốc), cả đội tham gia thi cùng buổi đều choáng váng khi thấy tôi ngật ngưỡng trên đôi cà khoeo 9cm đi vào nhận xe thi.
Và cuối cùng, em đã vượt qua kỳ thi mỹ mãn với ... 95 điểm (bị trừ 05 điểm vì vượt quá tốc độ tại phần tăng tốc).
Thế rồi có bằng, tôi cũng biết thế nào là lái ô tô!
Từ khi leo lên được ghế lái đến giờ, tôi chủ yếu chỉ sử dụng vô lăng, chân ga, chân phanh, đài FM, các chức năng khác của xe gần như không xài tới. Tôi còn không biết dùng cả bluetooth trên xe.
Chị Phạm Thuỳ Dương thường tự lái xe khám phá các cung đường đẹp ở Việt Nam |
Được cái "trộm vía", từ khi lái xe, tôi hoàn toàn chủ động trên mọi cung đường, cuộc sống của tôi như mở rộng hơn rất nhiều. Tôi có thể tự chiều bản thân cho phép mình đến những nơi ngoại ô bất cứ khi nào để hít hà hương đồng gió nội, để giải phóng mệt mỏi, căng thẳng, tù túng ngay khi cần.
Cũng có thể ngay lập tức lên đường vào Hà Tĩnh, Nghệ An để gặp một trường hợp đang cần giúp đỡ, rồi lại quay trở lại Hà Nội mà không phải phụ thuộc hay tính toán gì nhiều.
Chưa kể, công việc của tôi từ khi tự lái xe cũng trở nên chủ động và linh hoạt hơn nhiều lắm. Và chiếc xe cũng giúp tôi có cơ hội thử thách và rèn luyện bản lĩnh tay lái trên những cung đường khó như Mù Cang Chải, Mộc Châu, Sơn La, hay những lúc toát mồ hôi đua với xe của các nam nhân khác để chèn ép lại khi bị họ chèn đè vô lý trên đường.
Rồi những khi được đồng nghiệp và bạn đường thể hiện thái độ "thán phục" về những pha lùi chuồng trứ danh (đều tăm tắp với khoảng cách tính bằng mm) cũng khiến tôi muốn ảo tưởng sức mạnh mà đón nhận cụm từ "năng khiếu" mà mọi người dành cho mình.
Dù đôi khi vẫn chạnh lòng khi đọc những bài viết, những câu chuyện tếu táo về phụ nữ lái xe, tôi tin chắc rằng những cánh mày râu đã từng đi xe cùng tôi, đã từng chứng kiến tôi điều khiển con voi sắt của mình, đã từng được tôi chèn đè, đã từng biết đến những cuộc độc hành của tôi... với tất cả sự an toàn, chính xác, gọn gàng, khéo léo đầy nam tính, sẽ thay đổi suy nghĩ về khả năng lái xe của phụ nữ (ngoại trừ khả năng sử dụng các tính năng nội thất của xe).
Thế nên các nàng ạ, không cần phải quá quan tâm người khác đang nhìn gì, nói gì, đánh giá gì về mình, khi các nàng được làm điều mình muốn, thực hiện điều mình thích, tìm kiếm điều mình thấy phù hợp, sống như mình chính là, ... thì tự nhiên các nàng sẽ trở thành những phụ nữ hạnh phúc, tự tin và tràn đầy năng lượng.
Khi đó chẳng phải các nàng đã tự mình thắp sáng ngọn nến của bản thân bằng chính năng lượng tự thân hay sao. Còn gì có thể tuyệt vời hơn thế không!
Không chỉ 8-3, hãy luôn toả sáng theo cách của mình, bạn nhé!
Luật sư Phạm Thị Thuỳ Dương
Bạn nghĩ gì về những định kiến khi phụ nữ lái xe? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn.
Những màn đãng trí khó đỡ của chị em khi lái ô tô
Không riêng phụ nữ mà cả đàn ông khi lái ô tô dễ mắc phải một số lỗi sơ đẳng nhưng cánh chị em thường bị “gắn tên” cố định bởi dư luận cho rằng đây là sự đãng trí điển hình.