Thượng nghĩ sĩ Mỹ Tammy Duckworth mới đây có cuộc trao đổi với chủ đề vai trò của giáo dục trong việc phát triển lực lượng lao động đa dạng, hòa nhập và đổi mới.
Sự kiện có sự tham gia của báo giới, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, tuyển dụng, nhiều học sinh, sinh viên cùng những gương mặt trong Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Đây là chương trình của chính phủ Mỹ nhằm đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á, đồng thời nuôi dưỡng cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết những vấn đề chung.
Thượng nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth, cựu Trung tá quân đội Mỹ, là người phụ nữ khuyết tật đầu tiên được bầu vào quốc hội nước này. Bà cũng là người Mỹ gốc Thái Lan đầu tiên hoạt động trong Quốc hội Mỹ
Mất cả hai chân và chỉ sử dụng được một phần cánh tay phải khi bị thương nặng tại Iraq, bà đã trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật để phục hồi sức khỏe. Dù vậy, bà vẫn không ngừng vươn lên, vượt qua số phận, luôn nỗ lực phục vụ cộng đồng, làm việc và cống hiến vì quyền lợi của người khuyết tật, của phụ nữ, cũng như luôn quan tâm, đóng góp cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, môi trường và giáo dục.
Ý tưởng “vườn ươm” cho lực lượng lao động trẻ
Trong buổi trò chuyện về vai trò của giáo dục đối với việc phát triển một lực lượng lao động đa dạng, hòa nhập và đổi mới, bà Duckworth đã có những chia sẻ về góc nhìn đối với lực lượng lao động tại Việt Nam, với số người trẻ chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Bà nhận định: “Lực lượng lao động trẻ là một lợi thế lớn, khi có khả năng phát triển mạnh, giúp tăng cường tính cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Lực lượng lao động trẻ giúp đóng góp một cách hiệu quả cho nền kinh tế trong một thời gian dài hơn. Đặc biệt, những người trẻ thường năng động hơn, mang nhiều ý tưởng khởi nghiệp cũng như các giải pháp đầy sáng tạo.”
Sở hữu một lực lượng lao động trẻ, theo bà, Việt Nam cần tạo điều kiện và đem đến sự giúp đỡ để đưa các ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, giúp người trẻ đạt được những mục tiêu đề ra.
Nữ Thượng nghị sĩ cũng cho rằng, thiếu kinh nghiệm ở lớp trẻ có thể là sự cản trở, và cần được cân bằng qua sự đồng hành, lãnh đạo và hướng dẫn của những người đi trước vốn có nhiều kinh nghiệm. Bà Duckworth cũng đưa ra ví dụ về các “vườn ươm” doanh nghiệp tại bang Illinois, Mỹ, nơi bà đang sinh sống và làm việc: “Chúng tôi có nhiều vườn ươm cho các doanh nghiệp, nơi người trẻ có thể đưa ra các ý tưởng về sản xuất, kinh doanh. Cũng tại đây, những người có kinh nghiệm, những doanh nhân về hưu tham gia hướng dẫn người trẻ này trong quá trình khởi nghiệp.”
Theo nữ chính trị gia, điều quan trọng là cần bảo đảm bảo được sự cân bằng giữa các thế hệ.
Trong bối cảnh Mỹ và Việt Nam nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth nhấn mạnh sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Bà nhận định, các chương trình trao đổi là vô cùng quan trọng. Thanh thiếu niên ở Việt Nam không nhất thiết phải đến Mỹ học trong 4 năm và ngược lại. Do đó, tăng cường các chương trình giao lưu ngắn hạn giữa hai nước, với thời gian từ 6 tháng trở lên, góp phần không nhỏ để mở rộng tầm hiểu biết ở người trẻ ở Mỹ và Việt Nam trên nhiều khía cạnh.
Tạo điều kiện cho người khuyết tật, phụ nữ chính là cách để phát triển lực lượng lao động đa dạng, hòa nhập, đổi mới
Bà Tammy Duckworth cũng đặc biệt quan tâm đến những người lao động khuyết tật. Tại văn phòng của bà, luôn có chỗ cho những người trẻ khiếm khuyết đến xin việc, làm thực tập sinh hoặc tìm kiếm những sự hỗ trợ nhất định. Bà cho biết, tại Mỹ, người khuyết tật là lực lượng lao động trung thành, có xu hướng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Vì vậy, cần có những chính sách để tuyển dụng người khuyết tật, trao cơ hội cho họ và đưa những người này thành một phần trong lực lượng lao động.
Thượng nghị sĩ Duckworth là một trong số 25 phụ nữ đang phục vụ trong Thượng viện Mỹ. Trong nhiều năm qua, bà luôn phấn đấu vì vấn đề bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ nói chung cũng như những người làm mẹ nói riêng.
Nữ chính trị gia khuyết tật truyền cảm hứng cho phụ nữ Mỹ, khi là nữ thượng nghĩ sĩ đầu tiên đưa con của mình đến Thượng viện (sau khi có quy định cho phép các bà mẹ mới sinh mang con dưới 1 tuổi đến Thượng viện và cho con bú trong khi bỏ phiếu).
Theo bà Duckworth, nuôi con không chỉ là câu chuyện của phụ nữ, mà còn ảnh hưởng đến hai giới trong vai trò người cha và người mẹ. Bà nhấn mạnh, phụ nữ cần được tạo điều kiện tối đa để có thể vừa phát huy vai trò của mình tại nơi làm việc, với sự hỗ trợ của các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc trẻ em. Nữ Thượng nghị sĩ khẳng định, tạo điều kiện và giúp đỡ phụ nữ thể hiện năng lực lãnh đạo cũng là một trong những cách giúp phát triển một lực lượng lao động đa dạng, hòa nhập và đổi mới.