13 năm công tác tại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thuộc Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), bà Phan Lan Hương, chuyên viên tư vấn, thừa nhận đây là công việc rất áp lực.

Tổng đài liên tục nhận các cuộc gọi 24/24 với 3 ca sáng - chiều - đêm. Khoảng 16 nhân viên được bố trí trực liên tục 8 tiếng/ngày.

‘Có thời gian cao điểm, trong một ca trực, một điện thoại viên nhận tới 500 cuộc gọi, còn trung bình khoảng 100 cuộc gọi/ca. Vừa kết thúc cuộc gọi này, chúng tôi lại phải nhận ngay cuộc gọi khác, xử lý rất nhiều công việc cùng một lúc. Có những ngày buông điện thoại xuống, tôi như bị vắt kiệt sức’, bà Hương nói.

{keywords}
Bà Phạm Lan Hương

Quy trình tiếp nhận một cuộc gọi bắt đầu bằng việc điện thoại viên ghi nhận thông tin của người gọi. Sau đó, tùy theo tính chất vụ việc, họ liên hệ, làm việc với chính quyền địa phương.

‘Nhân viên Tổng đài sẽ yêu cầu xã/phường đánh giá mức độ tổn thương và thời gian bị tổn thương của các em. Nếu nạn nhân bị tổn thương nặng trong thời gian dài (ví dụ bố mẹ đánh đập, xâm hại) thì yêu cầu phải cách ly nạn nhân, chuyển đến nơi an toàn hơn.

Sau đó, nhân viên tổng đài sẽ hỗ trợ, tư vấn về mặt pháp lý cho gia đình. Với nạn nhân bị tổn thương về tâm lý sẽ có dịch vụ hỗ trợ về mặt tâm lý’, bà Hương cho biết thêm.

Theo bà Hương, trẻ em tham gia mạng internet ngoài việc các em được cung cấp thông tin, mở rộng quan hệ… không tránh khỏi những nguy cơ.

Đó là việc trẻ bị xâm hại tình dục, bị bạo hành, tấn công… từ những mối quan hệ trên mạng. Khoảng 3 năm gần đây, khi mạng internet phát triển, số vụ việc trẻ em bị tấn công, ảnh hưởng tăng mạnh hơn.

Bà Hương vẫn nhớ một cuộc gọi giữa đêm với tiếng nức nở của người ở phía bên kia đầu dây cách đây không lâu. Đó là một cậu bé 15 tuổi. Em gọi điện đến trong tình trạng gia đình vô cùng rối ren.

‘Em hoảng loạn nói với tôi, em gái em hôm nay bị chảy máu. Bố mẹ đã đưa em gái đến bệnh viện và nói là khi trở về sẽ ‘xử lý’ em’, chuyên viên này nhớ lại.

Sau khi được bà Hương trấn an tâm lý, người gọi điện mới chia sẻ, em đã tham gia một trò chơi lạ lùng trên mạng.

Trong trò chơi này, người quản trị viên đưa ra các thử thách và yêu cầu người chơi thực hiện. Nếu người chơi không thực hiện sẽ phải nhận những hình phạt theo các mức độ.

Cậu bé 15 tuổi đã tham gia đến thử thách ‘xâm hại tình dục một bạn gái’ và cậu chọn em mình - một cô bé 8 tuổi, để thực hiện.

{keywords}
Bà Hương trong hoạt động truyền thông phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh ở Hà Nội.

‘Trò chơi này tương tự ‘Thử thách Cá voi xanh’ (Blue Whale Challenge) - một trò chơi gây hậu quả nghiêm trọng đã bị cấm trên toàn thế giới.

Khi người chơi tham gia, người quản trị liên tục thôi thúc ‘phải làm đi, làm đi’ để thực hiện các thử thách.

Cậu bé ấy khóc rất nhiều trong nỗi lo lắng, hối hận về việc đã làm. ‘Con chia sẻ với cô thôi chứ cô đừng chơi’, cậu ấy còn cảnh báo tôi’, bà Hương chia sẻ.

Theo lời em kể, bố mẹ phát hiện ra vụ việc đã gào thét, lập tức đưa em gái đi bệnh viện.

Khi nhận được cuộc gọi này, chuyên viên của Tổng đài 111 đã hướng dẫn, chia sẻ với cậu bé 15 tuổi về việc cậu ấy sẽ phải đương đầu với điều gì sắp tới. Và khi đương đầu việc đó thì em phải làm gì.

Chuyên viên tư vấn cũng phân tích về việc cậu bé này đã sai ở đâu và xử lý, rút kinh nghiệm về cái sai của mình như thế nào.

Sau đó, bà Hương không còn nhận được cuộc gọi nào của cậu bé trên nữa. ‘Em ấy chia sẻ rằng, vào lúc rối ren, hoang mang nhất, em cần một người để chia sẻ nên đã gọi điện đến tổng đài’, bà nói.

Chia sẻ về tình huống này, chuyên viên tư vấn Tổng đài 111 cho rằng, các phụ huynh nên giám sát, cài phần mềm chống các trò chơi độc hại khi con tham gia mạng internet.

Trường hợp con đã tham gia trò chơi và gây hậu quả, phụ huynh yêu cầu con ngay lập tức phải dừng trò chơi. Sau đó, bố mẹ nên theo dõi sát các diễn biến tâm lý của con. Trong trường hợp con có các biểu hiện như hoang mang, lo lắng, sợ hãi... phải đưa con đến các chuyên gia, bệnh viện để thăm khám.

Cũng theo bà Hương, là lĩnh vực có thông tin luôn thay đổi và cập nhật những điều mới mẻ, mạng xã hội nói riêng và internet nói chung thu hút lượng người sử dụng khổng lồ. Tuy nhiên thế giới internet luôn có tính hai mặt xấu và tốt, đặc biệt, với đối tượng trẻ em.

Nếu không có biện pháp giám sát, can thiệp, các em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thậm chí là tính mạng.

Bà Hương cho rằng, khi cho trẻ tham gia vào các mạng xã hội và các tiện ích trên internet, cha mẹ phải cùng con thảo luận để đưa ra những điều khoản.

Đó là các cam kết về thời gian sử dụng internet và sử dụng ở mục đích gì, như thế nào?

Ngoài ra, các em phải được cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục và các nguy cơ trên mạng internet… để đối phó với các vấn đề này.

Người mẹ Đắk Lắk đóng giả con gái nhắn tin với gã lừa đảo

Người mẹ Đắk Lắk đóng giả con gái nhắn tin với gã lừa đảo

Học giọng văn, cách nhắn tin, sử dụng ngôn ngữ của con gái, chị Mai lấy nick con nhắn tin với kẻ dụ dỗ con gái bỏ nhà ra Hà Nội 'làm việc nhẹ lương cao'.  

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo