Theo Ban Chủ nhiệm chương trình Khoa học công nghệ phục vụ nông thôn mới, tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.554 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương tỷ lệ 51,16%, bình quân cả nước mỗi xã đạt 15,32 tiêu chí nông thôn mới /xã. Với kết quả đó, có thể thấy rằng quá nửa khu vực nông thôn Việt Nam đã là nông thôn mới.
Nửa khu vực nông thôn Việt Nam đã là nông thôn mới. Ảnh minh họa |
Đánh giá của Ban Chủ nhiệm chương trình Khoa học công nghệ phục vụ nông thôn mới cho thấy, xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm động lực mới cho tái cơ cấu ngành và tăng trưởng nông nghiệp; giúp ngành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, nhất là trong 2 năm liên tiếp 2017, 2018 – các năm đầy thử thách về thiên tai, thị trường.
Điều đó bước đầu khẳng định nông nghiệp đang đi đúng hướng, từng bước xoay trục phát triển các mặt hàng chủ lực có lợi thế. Với hướng đi đó, năm 2017 nông nghiệp đã xác lập nhiều kỷ lục mới. Tốc độ tăng trưởng đạt 2,94%, vượt mục tiêu 2,84%. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỷ USD, vượt mục tiêu 32-33 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, sản xuất tiếp tục được tổ chức lại và tăng dần quy mô. Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã từng bước nâng cao.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được đẩy mạnh, ngày càng đa dạng, đặc biệt là liên kết góp vốn đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm. Các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được 3.854 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng.
Cùng với đó, xây dựng nông thôn mới còn tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất. Trong đó, việc áp dụng Quy trình VietGAP ngày càng được mở rộng cả về số lượng đơn vị và diện tích sản xuất.
Bài: Lê Thị Na - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thị Huyền Sâm - nhóm PV