Nhiều năm nay, núi chất rác thải nilon cao từ 3 - 5m lừng lững cạnh bờ sông và trong khuôn viên Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

{keywords}
Rác thải kéo dài

Đây là khu đô thị sinh thái lớn nhất, có giá bán cao bậc nhất tỉnh Hải Dương hiện nay.

Ghi nhận của PV cho thấy, rác nilon, vải, nhựa được xếp thành lớp, đóng tảng chất chồng lên nhau như núi nhân tạo. Số rác thải này không được che chắn, khi mưa, nước ô nhiễm chảy xuống sông Thái Bình. Nắng lên, mùi hôi bốc lên khiến người dân khốn khổ. 

{keywords}
Rác đổ ra cả lối đi, bốc mùi khó chịu

Giữa năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương từng ghi nhận, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương (Công ty Huy Hoàng) đang tập kết khoảng 5 nghìn tấn rác nilon, trong đó 3 nghìn tấn trong hành lang đê Thái Bình, số còn lại trong khuôn viên.

Đây là lượng rác thải hình thành trong quá trình xử lý môi trường tại bãi rác Soi Nam để xây dựng khu đô thị.
 

{keywords}
Công ty Huy Hoàng muốn đưa núi rác cũ kỹ này về huyện Chí Linh hoặc Thanh Hà

Ngày 12/5/2021, Công ty Huy Hoàng có công văn giải trình với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cam kết chậm nhất giữa tháng 7/2021 sẽ chuyển toàn bộ rác đang tập kết đi xử lý.

Ngày 5/11/2021, Sở TN&MT có công văn đôn đốc Công ty Huy Hoàng xử lý rác kể trên.

{keywords}
{keywords}
Khối rác này nằm tại đây đã nhiều năm

"Trong thời gian chưa vận chuyển hết các kiện nilon đi xử lý, công ty phải có biện pháp che phủ, hạn chế tối đa các tạp chất bị rửa trôi, thẩm thấu ra môi trường xung quanh.

Thu gom toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các bãi chứa rác và nước thải sinh hoạt vào hệ thống xử lý tập trung, đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn", Sở TN&MT yêu cầu. 

{keywords}
 

{keywords}

Ngổn ngang trong khuôn viên, một đường chuyền sản xuất bỏ hoang

Ngày 8/11/2021, Công ty Huy Hoàng tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở TN&MT báo cáo tiến độ xử lý rác tại bãi rác Soi Nam.

Trong văn bản, công ty nêu rõ, hiện đang còn tồn khoảng 5 nghìn tấn nilon đã được rửa sạch, ép kiện.

Trước đây đơn vị có lắp 1 dây chuyền tái chế hạt nhựa tại chỗ. Tuy nhiên, sau khi hoạt động khoảng 6 tháng thì cư dân được bàn giao nhà và vào sinh sống trong khu đô thị. Cư dân sống sát với xưởng, hoạt động tái chế buộc phải dừng lại vì gây ra ô nhiễm.

{keywords}
Rác thải nilon khó phân huỷ được vãi khắp nơi

Công ty Huy Hoàng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho thuê khoảng 10 nghìn m2 trong khu xử lý rác thải xã Việt Hồng (Thanh Hà) hoặc bãi rác ở TP Chí Linh để tập kết tạm thời khối lượng nilon trong thời gian chờ vận chuyển, xử lý.

{keywords}
Rác chất đống cao ngút cạnh bờ sông

{keywords}

Rác thải không có bạt phủ

Trước đề nghị này, Sở TN&MT đã bác bỏ và yêu cầu công ty thực hiện nghiêm các nội dung cam kết, xử lý dứt điểm vi phạm.
 
Đến nay, sau 5 tháng kể từ khi Sở có chỉ đạo kiên quyết, núi chất thải nilon vẫn chất đống lộ thiên, chưa có dấu hiệu xê dịch.

Chiều 4/3, trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo TP Hải Dương cho biết, khu vực này trước đây là bãi chôn rác thải sinh hoạt của thành phố. Khi nhà nước giao đất để thực hiện khu đô thị sinh thái, theo quy hoạch có phần đất của bãi rác Soi Nam. Từ đó hoạt động chôn rác dừng lại, giao hiện trạng cho nhà đầu tư. 

Khi được giao đất, phía nhà đầu tư khu đô thị đã cam kết sẽ đào lên để thu lại các chất thải rắn, khó phân huỷ rồi đem xử lý. Kinh phí sẽ được tỉnh cân đối chi trả hợp lý dựa trên các quy tắc đã được lập.

Phía nhà đầu tư đã đưa lên khỏi mặt đất 500 nghìn tấn rác thải, trong đó có khoảng 5 nghìn tấn là nilon. Rác nilon đã được đánh gọn thành hàng nhưng chưa được di chuyển.

TP Hải Dương đang phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh đốc thúc doanh nghiệp sớm di dời lượng rác này trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Hằng

4 vạn tấn lưu huỳnh sừng sững tại cảng Hải Phòng

4 vạn tấn lưu huỳnh sừng sững tại cảng Hải Phòng

4 vạn tấn lưu huỳnh, chất rất dễ cháy được chất thành 2 ngọn núi lộ thiên tại cảng Hải Phòng thách thức mưa, bão.