Kết quả kiểm nghiệm hàng loạt mẫu nước mía được cho là ‘siêu sạch’ mới nhất tại TP.HCM cho thấy, vi khuẩn, nấm men, nấm mốc đều vượt hàng ngàn lần.
Khi trà chanh, trà đá bị mang tiếng là dễ nhiễm khuẩn, thì người dân ở TP.HCM lại tìm đến với nước mía, như là một loại nước uống an toàn, giá rẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, qua ghi nhận của Chất lượng Việt Nam thì lại không phải như thế.
Đoạn đường An Dương Vương, trước cổng trường ĐH Sư Phạm và ĐH Sài Gòn thuộc địa bàn Q.5, TP.HCM được mệnh danh là phố giải khát nước mía ở Sài Gòn. Chỉ với một đoạn đường khoảng dưới 500m, đã có khoảng chục hàng nước mía với lời khẳng định là ‘siêu sạch’.
Đây luôn là điểm hẹn được giới sinh viên, học sinh của các trường học xung quanh đó chọn lựa khi muốn gặp gỡ, hẹn hò bạn bè.
Ngọc Vân – sinh viên năm 2 khoa Toán của ĐH Sư Phạm TP.HCM cho biết, vì uống trà sữa có thông tin là không an toàn, không sạch, nên Vân và bạn bè mỗi tối đi học về đều qua đây uống nước mía ‘siêu sạch’ cho đã khát.
Dù mang tiếng là ‘siêu sạch’, nhưng nhìn vào quy trình chế biến những ly nước mía tại đây, những người chứng kiến đều có chung một nhận định rằng, khó có thể nói là vệ sinh được, hay không muốn nói là quá bẩn.
Những bã mía đã bào vứt chỏng chơ trên vỉa hè tạo điều kiện ruồi nhặng bu quanh. |
Những chiếc xe chế biến ra những ly nước mía vô cùng bẩn, không có che chắn, bã mía vương vãi khắc nơi, gần đó là những đống mía đã bào vứt vương vãi trên vỉa hè, ruồi nhặng đậu, bu quanh như là làm tổ.
Người xay mía, sau khi đã cho cây mía vào máy ép, nhúng tay vào chậu nước đục ngầu rửa qua loa tay, chùi vội vào chiếc quần hay áo mặc trên người, rồi lại dùng tay bốc đá, cho vào ly, rồi đổ nước mía ra ly và mang ra cho khách.
Giá một ly nước mía mang danh là ‘siêu sạch’ như vậy, ở TP.HCM thường có giá từ 4.000 – 6.000 đồng.
Ly sau khi khách uống, được chủ mang vào một chậu nước đen ngòm, tráng sơ qua, và những chậu nước này thông thường được chủ các hàng nước mía dùng từ sáng cho đến tối.
Anh Nguyễn Văn An – một thợ sửa máy ép nước mía trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM tiết lộ một sự thật động trời: Nước mía siêu sạch thực chất là siêu bẩn, vì các máy ép nước mía này có cấu tạo làm cho người bán không thể chà rửa được các bộ phận bên trong, mà chỉ có thể xịt nước sơ sơ ở bên ngoài.
Chính vì vậy, một chiếc máy ép nước mía sẽ được sử dụng qua nhiều ngày, nhiều tháng và thậm chí nhiều năm, mà chẳng được người bán vệ sinh kỹ càng. Rất nhiều lần, người bán đem máy ép mía đến đây sửa chữa, thợ còn phát hiện ra cả giòi bò lúc nhúc ở bên trong, do bã mía đọng lại lâu ngày phát sinh ra.
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi Cục phó Chi Cục ATVSTP TP.HCM cho biết, mía cây là loại thức uống dễ phát sinh vi khuẩn nhất, nếu người bán để ngoài trời nắng, hay để ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, ẩm thấp.
Ngoài ra, cũng cần phải kể đến trường hợp người bán sử dụng một số vật dụng chế biến cáu bẩn, nhiễm vi sinh, cũng có thể làm cho loại nước giải khát này nhiễm khuẩn, gây hại cho sức khỏe của người dùng.
Các phân tích mới nhất của các cơ quan có chuyên môn của TP.HCM, được lấy từ 5 mẫu nước mía tại 5 quận nội thành ở TP, kết quả cho thấy, dù không có vi khuẩn E.Coli, nhưng chứa rất nhiều vi khuẩn Coliforms, vi sinh vật hiếu khí, nấm men, nấm mốc.
Theo lãnh đạo Chi Cục ATVSTP TP.HCM, kết quả cho thấy đều đã vượt hàng ngàn mức cho phép mà Bộ Y tế qui định với loại nước không có cồn.