"Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đến nay vẫn chia rẽ sâu sắc chính người dân Mỹ. Nước Mỹ chưa bao giờ hết hội chứng Việt Nam", nhà ngoại giao Vũ Xuân Hồng chia sẻ.

LTS: Sau hòa bình lập lại, bị cấm vận, cô lập kinh tế, Việt Nam rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bình thường hóa quan hệ với Mỹ là vấn đề sống còn. Trong khi đối ngoại nhà nước chưa thể móc nối được thì đối ngoại nhân dân (ĐNND) đã vào cuộc.

Vừa làm tiên phong, vừa dọn đường, vừa thăm dò, vừa bày tỏ thiện chí, những người Mỹ đầu tiên đến VN không mang theo súng chính là những cựu binh Mỹ, những nghị sĩ tiếng tăm như John Kerry, John McCain. Hàng chục cuộc giao lưu nhân dân Việt Mỹ đã diễn ra, báo chí Mỹ, những người Mỹ yêu VN đã lên tiếng mở đường cho chính khách hai bên đàm phán bình thường hóa.

Đối ngoại nhân dân đã thành công trong việc thúc đẩy, kết nối các chính phủ đang đối đầu cùng hợp tác và hội nhập (ASEAN, hợp tác Việt- Hàn, Việt- Nhật...)

Năm 2014 sẽ đánh dấu 20 năm Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, 60 năm công tác đối ngoại nhân dân. Tuần Việt Nam trò chuyện cùng ông Vũ Xuân Hồng Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Bill Clinton được người dân Hà Nội chào đón trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006. Ảnh Getty Image

Cần sự hiểu biết và ủng hộ từ bên ngoài

Ông có thể đưa ra một khái niệm ngắn gọn về đối ngoại nhân dân (ĐNND) và vai trò của nó trong việc thúc đẩy phát triển xã hội?

-Ngoại giao cận đại ở Việt Nam được cấu thành từ 3 lực lượng: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, hợp thành nền ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Gốc rễ là mối quan hệ của Đảng ta với các đảng chính trị trên thế giới, cánh tả cánh hữu.. và các đảng cầm quyền. Ngoại giao nhà nước là quan hệ giữa nhà nước ta với các nước khác.

Đối ngoại nhân dân ở nước nào cũng hình thành, tạm gọi là các nền 'ngoại giao mềm' để tạo ảnh hưởng hơn với bên ngoài. Như Việt Nam ta là nước nhỏ, nghèo, hay bị 'bắt nạt', chúng ta có một nhu cầu nội tại với sự hiểu biết và đoàn kết từ thế giới bên ngoài để được ủng hộ.

Đặc thù của ĐNND là quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân của Việt Nam với các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Có sứ mệnh tạo dựng cơ sở quần chúng. Điều đặc biệt quan trọng là làm bạn bè thế giới hiểu mình hơn, cùng mưu câu hòa bình, phát triển, công bằng và tiến bộ.

Vừa qua chúng ta kỷ niệm 45 năm sự kiện thảm sát Mỹ Lai, nhiều nhân chứng quay lại với sự hối lỗi chân thành. Trước đó nhiều nhân vật cũng đã quay lại Việt Nam như ông  John Kerry, John McCain, tạo ra cầu nối quan hệ. Đó có phải thành quả là đối ngoại nhân dân?

- Vụ thảm sát Mỹ Lai là phát hiện của các nhà báo chiến trường, nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Sự kiện Mỹ Lai trở thành cao điểm của tình đoàn kết của nhân dân thế giới chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tội ác không thể chấp nhận được.  Chúng ta cũng lấy sự kiện Mỹ Lai như một biểu tượng về sự phi nghĩa và tàn khốc của chiến tranh.

Tôi cho rằng việc phát hiện ra và tập hợp được sự đoàn kết chống lại tội ác, với hàng trăm cuộc biểu tình, hàng ngàn người bày tỏ sự phản đối, chính là một kết quả của chiến tranh nhân dân.

Ông John Kerry hôm nay không còn là đại diện của đối ngoại nhân dân nữa, nhưng đã có vô số chuyện để nói về bản thân ông. John Kerry là một trong những người nhiệt tình ủng hộ cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.  Ông cũng từng sang Việt Nam tham gia rất nhiều hoạt động sau chiến tranh như vận động vá hở hàm ếch cho trẻ em, hoạt động rà phá bom mìn..

Những người như John Kerry đến Việt Nam như những quân nhân, và trở lại như những sứ giả hòa bình. Nhân dân Việt Nam không đòi hỏi đích danh họ, nhưng họ tự nguyện trở lại vì đạo lý, đó chính là đối ngoại nhân dân.

Tôi nhớ năm 1998, tôi đã cùng John Kerry tham gia chuyến đạp xe xuyên Việt cùng các cựu chiến binh. John Kerry tham gia đi từ Vũng Tàu về dinh Thống Nhất, thể hiện sự đoàn kết, gác lại quá khứ.

{keywords}
Ông Vũ Xuân Hồng. Ảnh Quang Thiện

Chúng ta đều máu đỏ da vàng

Chúng ta có rất nhiều câu chuyện cảm động về ngoại giao nhân dân. Những câu chuyện như bà mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm rơi nước mắt cùng mẹ Frederic Whitehurst; hay những người lính từ hai chiến tuyến hội ngộ.... rất cảm động. Không có gì nghi ngờ thành quả của đối ngoại nhân dân trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Nhưng, ở khía cạnh về hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta cũng đã chứng kiến những câu chuyện xúc động tương tự giữa người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam và người Việt Nam cộng hòa xưa. Đây có phải là một phần sứ mệnh mà ngoại giao nhân dân cần đẩy mạnh hơn nữa không, thưa ông?

- Câu chuyện để nước Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn có rất nhiều chuyện để kể.

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đến nay vẫn chia rẽ sâu sắc chính người dân Mỹ. Bất cứ câu chuyện chính trị nào như bầu cử tổng thống, hạ viện, thượng viện, tranh luận về thời cuộc... vấn đề Việt Nam lại lập tức ập đến. Nước Mỹ vẫn chưa hết hội chứng Việt Nam.

Còn ở trong nước, bao nhiêu năm qua, ta cũng làm được rất nhiều việc.

Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn sau chiến tranh ta vẫn coi nhau cùng máu đỏ da vàng, thương yêu đùm bọc nhau, cùng trải qua những thời điểm khó khăn nhất để cùng sống dưới một mái nhà, cùng nhau đấu tranh vì sự công bằng.

Những vấn đề như chất độc da cam chẳng hạn, "người Việt Nam bên này" hay "người Việt Nam bên kia" đều là nạn nhân. Họ đều được đối xử công bằng. Chúng ta không bao giờ tách rời "bên này, bên kia"

Chính sách của chúng ta đối với bà con Việt Kiều là một câu chuyện rất lớn. Ta mở cửa, mời bà con quay lại. Các tướng lĩnh ngày xưa đã quay trở lại. Chúng ta không cấm đoán ai; luôn mở cửa, mở lòng. Nếu ai chưa hiểu, hoặc vẫn đang ngậm ngùi điều gì đó. Thời gian sẽ mang lại cho họ câu trả lời chính xác. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh: bà con Việt Kiều rất tích cực tham gia vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp và hòa giải.

Năm 2004, ông Nguyễn Cao Kỳ về nước lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại. 

Cánh cửa mở ra cho ông Nguyễn Cao Kỳ và những người như ông ấy chưa bao giờ đóng. Không chỉ có một Nguyễn Cao Kỳ, mà rất nhiều bộ trưởng, tướng lĩnh và người thân của các gia đình thuộc chế độ cũ đã quay trở lại Việt Nam. Mỗi dịp Tết đất nước lại đón hàng vạn Kiều bào hồi hương. Có rất nhiều tổ chức phi chính phủ hay nhân đạo là do bà con Kiều bào lập ra.

Tôi không muốn nói câu chuyện này là ngoại giao nhân dân, bởi đây là người nhà chúng ta, một bộ phận đất nước chúng ta. Đây không phải chúng ta đang làm ngoại giao, mà ta đang đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Ngoại giao nhân dân theo đúng nghĩa, là của nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.

(Còn nữa)

Hoàng Hường (Thực hiện)

Bài cùng chủ đề: