Với diện tích lòng hồ thủy điện Hòa Bình khoảng trên 10.000ha nằm ở địa bàn TP. Hòa Bình và 4 huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc, chiều dài trên 80km là tiềm năng lớn phát triển nghề nuôi cá lồng.
Để nuôi cá lồng đạt hiệu quả, những năm qua UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Nhờ đó một số hộ nông dân xóm Vôi, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) đã ‘liều’ mình, chọn hướng đi mới bằng cách thay đổi mô hình nuôi cá, chuyển từ nuôi cá công nghiệp sang nuôi cá hưu cơ, chỉ cho ăn cỏ, tuy chậm lớn nhưng được giá và hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ sau thời gian ngắn, thấy các hộ này thành công, thu lại lợi nhuận cao, nhiều hộ dân khác trong xóm bắt đầu họ hỏi, làm theo.
Một trong những nông dân dám mạo hiểm chọn hướng nuôi cá sạch này là chị Xa Thị Sen - người dân tộc Tày.
Chị Xa Thị Sen, xóm Vôi, phường Thái Bình (TP Hòa Bình). |
Chị Sen kể, gia đình chị là hộ di dân thủy điện Hòa Bình. Bao năm làm nương, trồng ngô, trồng sắn, thậm chí là nuôi lợn nhưng giá lợn hơi bấp bênh khiến cuộc sống gia đình luôn nghèo đói.
Cách đây chục năm, chị bàn với chồng làm một lồng cá để nuôi dưới lòng hồ thủy điện Hòa Bình theo hướng hưu cơ khi chỉ cho cá ăn cỏ.
Chạy vạy, vay mượn mãi, vợ chồng chị cũng dựng được 1 lồng cá. Giống cá chị chọn nuôi là trắm cỏ. Loài này dễ sống, lớn nhanh và ít bệnh. Hơn nữa, thức ăn cho chúng chỉ là cỏ nên chị có thể tận dụng mấy nghìn mét vuông đất quanh nhà để trồng cỏ voi. Thời điểm đó, mọi người rất phản đối, cho rằng vợ chồng chị quá mạo hiểm khi không chọn nuôi cá công nghiệp cho nhàn nhã, nhanh lớn.
“Đất ở đây là đất đồi nên phù hợp với việc trồng cỏ voi. Cây cỏ voi lớn nhanh, xanh tốt nên bao giờ cá cũng có nguồn thức ăn dồi dào”, chị Sen nói.
Bỏ ngoài tai những dị nghị của làng xóm và những khó khăn, chị Sen quyết tâm đầu tư thời gian và công sức nuôi cá theo hướng đi riêng của mình. Chị bộc bạch, “nếu không dám thay đổi theo hướng đi mới thì gia đình tôi sẽ mãi sống trong cảnh chật vật, nghèo túng".
Quyết tâm như vậy nhưng chưa đủ, bao khó khăn về kĩ thuật nuôi và chăm sóc cá khiến chị Sen nhiều hôm mất ăn mất ngủ.
“Nuôi cá trắm cỏ sạch thì chỉ mất thời gian đi cắt cỏ rồi cho cá ăn nhưng đổi lại cá cho chất lượng thịt rắn chắc, thơm ngon. Hơn nữa chúng tôi chẳng bao giờ phải lo đầu ra. Chẳng bao giờ nhà tôi có đủ cá trắm cỏ loại to để bán cho khách”, chị Sen cho hay.
Không bằng lòng với kết quả, chị Sen mạnh dạn mở rộng quy mô. Từ 1 lồng cá ban đầu, đến giờ chị đã có 6 lồng cá trắm cỏ. Mỗi lồng cá chị Sen thả 200 con cá trắm cỏ, cuối năm thu được khoảng 9 tạ cá thịt thương phẩm.
“Với giá bán cá trắm cỏ loại "siêu to" này là 90.000 đồng/kg, mỗi lồng cá trắm cỏ cho vợ chồng tôi thu trên 80 triệu đồng. Trừ chi phí đi, mỗi năm chúng tôi thu lãi hàng trăm triệu”, chị kể.
Gần chục năm ‘lội ngược dòng’ với việc nuôi cá, chị Sen từ nông dân nghèo đã trở thành người khá giả, có của ăn của để. Chị sẵn lòng chia sẻ cách làm ăn, thậm chí chung tay hỗ trợ nhiều gia đình trong vùng.
Được chị Sen truyền cảm hứng, nhiều hộ dân mạnh dạn thay việc nuôi cá công nghiệp sang nuôi cá hữu cơ. Nhờ đó cuộc sống thay đổi rõ rệt. Một số hộ gia đình mở rộng quy mô lên hàng chục lòng cá, với chi phí hàng trăm triệu đồng. Có những hộ nghèo nhất của xóm Vôi nhưng cũng quyết tâm chuyển đổi.
Nhiều hộ dân Hòa Bình đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá sạch khi chỉ cho ăn cỏ voi. |
Xác định nghề nuôi cá lồng là điểm nhấn trong phát triển kinh tế trên con đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã vận động nhân dân mở rộng mô hình nuôi cá sạch gắn với bảo vệ môi trường nước, đảm bảo nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Hiện cả tỉnh Hòa Bình có 4.200 lồng cá với tổng sản lượng thu về là 3.700 tấn/năm.
Tỉnh Hòa Bình cũng định hướng xây dựng thương hiệu đặc sản cá sông Đà trong thời gian tới, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và làm giàu ở địa phương.
Văn Thường
Ảnh: Kim Duyên