Giữa trưa tháng 2, trời miền Tây nắng nóng, anh Thạch Chanh Đô Ra (40 tuổi) tranh thủ giờ nghỉ giữa buổi của đợt tập huấn do Ban Chỉ huy quân sự huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tổ chức, để chạy về nhà cho đàn bò ăn cỏ. Anh Thạch Chanh Đô Ra là ấp đội trưởng của ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa.
Vừa gặp chúng tôi, người đàn ông hiền lành cười nói: “Do không có ai chăm sóc nên tôi vừa bán bớt đàn bò. Năm nay, tập trung làm lúa. Lúa năm nay, đạt mức lãi cao nhất từ trước đến nay, nhờ giá bán vọt lên mức cao 9.200 đồng/kg. Lúa thu hoạch xong là thương lái mua ngay tại ruộng”.
Anh Đô Ra là con thứ sáu, trong gia đình có 9 anh em ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành. Học hết lớp 9, gia đình khó khăn nên Thạch Chanh Đô Ra nghỉ học, đi làm thuê kiếm sống. Đến tuổi trưởng thành, anh lập gia đình, được cha mẹ hai bên cho 2 công ruộng (2.000m2).
Vợ chồng anh làm ruộng, rồi đi làm thuê đủ thứ nghề để mưu sinh. Với sự cần cù, chịu khó làm ăn, đặc biệt khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Đô Ra chọn khởi nghiệp từ mô hình làm nông nghiệp.
“Hồi đó, làm được bao nhiêu tiền, tôi và vợ đều thống nhất mua đất để mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã mua được 12 công đất và cầm cố của người khác hơn 10 công nữa”, anh Đô Ra chia sẻ và cho biết, vợ chồng anh luôn hướng hai con ăn học đến nơi đến chốn, có công việc ổn định.
Sau nhiều lần suy nghĩ và tìm tòi học hỏi các mô hình khác nhau, anh Đô Ra quyết định đa dạng cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.
Anh Đô Ra chia sẻ: "Nếu như mình chọn trồng hay nuôi chuyên canh một thứ, thì rủi ro rất là cao. Mình chọn nuôi, trồng đa dạng như vậy. Nếu có một thứ nào đó không đạt, thì vẫn còn thứ khác hỗ trợ vào. Làm nhiều thứ một ít như vậy, giá ổn định thì tốt hơn".
Anh nông dân Sóc Trăng trồng hàng trăm gốc dừa trong vườn, xen vào đó trồng cỏ cho đàn bò ăn, dưới ao thả 10.000 con ốc bươu.
“Dừa không phải chăm sóc, chủ yếu là cây sinh trưởng tự nhiên. Mỗi tháng có thương lái đến vườn mua trái. Với việc nuôi bò, cứ 1,5 - 2 năm bán một lần, thu về vài chục triệu đồng. Phân bò, tôi sử dụng làm phân hữu cơ, bón cho cây dừa. Dưới ao nuôi cá sặc rằn và ốc bươu đen, mỗi năm cũng thu lãi khoảng 20 triệu đồng”, anh Đô Ra nói.
Đặc biệt, anh còn nuôi rắn ri voi sinh sản, cho thu nhập tương đối ổn định. Anh Đô Ra cho biết, rắn ri voi là loài không có nọc độc, sống ở môi trường tự nhiên, khá hung dữ nhưng cắn chỉ chảy máu. Còn nuôi trong bể xi măng, lu, tủ kính... loài rắn này rất hiền. Thịt rắn ri voi thơm, có thể chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng.
Anh nói thêm, nuôi rắn ri voi không tốn công chăm sóc, chi phí thấp, chỉ bỏ công làm lời, lợi nhuận cao.
"Rắn ri voi nuôi tầm 2 năm là chúng bắt đầu sinh sản. Loài này dễ nuôi, nhàn công chăm sóc, ít bệnh. Rắn ri voi sinh sản từ tháng 4-6 âm lịch. Hiện, rắn giống bán ra thị trường giá từ 50.000-200.000 đồng/con tùy theo độ lớn” anh Đô Ra nói và cho biết, hàng năm anh thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng từ việc bán rắn giống.
Anh Đô Ra có nguồn thu nhập chính từ 20 công đất trồng lúa. Để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế, những năm qua, anh tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa. Anh chuyển từ sản xuất lúa thường sang lúa chất lượng cao. Điển hình như vụ lúa Đông Xuân vừa qua, anh canh tác giống lúa Đài Thơm 8, thương lái mua hơn 9.000 đồng/kg.
“Mỗi năm tôi thu về khoảng 200-300 triệu đồng từ các mô hình trồng lúa, nuôi bò, ốc, rắn, trồng dừa. Hiện tại, tôi đang hướng đến mô hình ốc gác bếp”, anh Đô Ra nói.
Ông Sơn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, cho biết: “Anh Đô Ra rất chịu khó tìm tòi, học hỏi. Đây là một điểm sáng, tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng được nhiều người ở xã đến học tập".