Mô hình nuôi vịt thương phẩm an toàn sinh học đang trở thành hướng đi đúng đắn có thể phòng ngừa dịch bệnh và giúp nhiều gia đình ở Thái Bình ổn định cuộc sống, cải thiện kinh tế.

Năm 2017, chị Hoàng Thị Nở thôn Nam Hưng, xã Dương Hồng Thủy, huyện Thái Thụy (Thái  Bình) chuyển hướng chăn nuôi vịt thịt theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Trên diện tích đất 4.000 m2, gia đình chị xây dựng hai khu chuyên nuôi vịt thịt theo hình thức nuôi nhốt kết hợp thả ao và sàn nổi.

{keywords}
 Mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học mang lại hiệu quả về phòng, chống dịch bệnh. Ảnh Thu Hà

Mỗi khu nuôi được quây tách biệt bằng tường xây và hàng rào lưới B40, có cổng ra vào riêng. Chuồng nuôi được xây dựng chắc chắn, đảm bảo các tiêu chí an toàn sinh học. Đặc biệt mỗi khu chuồng đều được đầu tư lắp bể nước sạch, cung cấp nước uống riêng cho đàn vịt. Thức ăn cho đàn vịt sử dụng hoàn toàn cám viên hỗn hợp.

Mỗi năm, gia đình chị nuôi 5 lứa, mỗi lứa khoảng 2.000 con vịt thịt giống bầu lai bơ. Chị Nở cho biết, gia đình chị luôn tuân thủ quy tắc chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn vịt ít khi bị bệnh, tỷ lệ nuôi sống cao từ 95% - 98%. Cho vịt ăn bằng hệ thống máng ăn chuyên dụng để giảm tối đa thức ăn rơi vãi mà lại đảm bảo vệ sinh nên đàn khỏe mạnh, tăng trọng tốt.

Năm 2021, gia đình chị đã được Trung tâm Khuyến nông Thái Bình kết hợp cùng UBND xã Dương Hồng Thủy tin tưởng, lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình “Nuôi khảo nghiệm giống vịt lông màu Huba lai”.

Với quy mô 350 con, mô hình đạt kết quả rất tốt, tỷ lệ nuôi sống 98%, trọng lượng xuất bán 2,76 kg/con, tiêu tốn thức ăn 2,55 kg thức ăn/kg trọng lượng cơ thể tăng, mô hình cho thu lãi 9.200.000 đồng.

Trước khi nhận vịt giống về nuôi, chị được cán bộ kỹ thuật tập huấn về khâu chuẩn bị chuồng trại, cách làm đệm lót sinh học, quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng vịt thịt, biện pháp phòng và trị một số bệnh trên vịt… Thực hiện mô hình, chị còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thức ăn cho vịt, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng...

“Thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn sinh học, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc đàn vịt thuận lợi hơn rất nhiều, giống vịt Huba lai lại phát triển nhanh, cho chất lượng thịt tốt”, chị nói.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học có nhiều quy định nghiêm ngặt khác so với chăn nuôi vịt truyền thống, đại trà. Cách chọn giống, cách chăm sóc, tiêm phòng qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển phải được tuân thủ, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Trong quá trình chăn nuôi, các hộ luôn tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm vắc xin theo định kỳ cho đàn vịt, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu chăn nuôi. Thực hiện vệ sinh phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ 1 tuần/1 lần.

Chuồng nuôi đều có hố sát trùng trước cửa chuồng, thường xuyên có vôi bột và các chất sát trùng phù hợp. Máng ăn, máng uống và các dụng cụ vật tư khác đáp ứng tốt nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi phát triển của đàn vịt…

Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý, ngăn ngừa dịch bệnh, mô hình đã hạn chế một số bệnh thường xảy ra trên đàn vịt. Giống vịt Huba lai tuy là giống vịt mới nhưng đã thích nghi với điều kiện nuôi và khí hậu tại địa phương.

Thu Hà