Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và sự tham dự của các cơ quan bộ ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực LPG…
Theo đại diện Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công thương, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu trong 3 quý đầu năm 2020, tình hình kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến việc giải thể và sát nhập nhiều trong thời gian qua.
Cụ thể, việc hạn chế di chuyển và thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân sự người nước ngoài tham gia thiết kế, thi công dự án. Đại dịch Covid-19 gây cản trở tới giao thương quốc tế, khiến các lĩnh vực về dịch vụ dầu khí cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Để khắc phục những khó khăn, phía Bộ Công thương đã có những chỉ đạo bằng văn bản cụ thể để ứng phó kịp thời, đảm bảo tiến độ phát triển hoạt động kinh doanh LPG trong tương lai.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương phát biểu khai mạc |
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra, song, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cho biết, thị trường bán lẻ LPG/LPG của Việt Nam vẫn giữ thị phần lớn và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tham gia thị trường thông qua hình thức đầu tư gián tiếp, góp vốn tại các công ty phân phối, bán lẻ LPG,…
“Quá trình hình thành và phát triển thị trường LPG của Việt Nam, hệ thống chính sách phát triển hoạt động động kinh doanh LPG ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thị trường tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Toàn cảnh diễn đàn |
Thực trạng về những khó khăn trong việc xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh LPG cũng là vấn đề được quan tâm trong khuôn khổ diễn đàn. Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) và đã đạt được kết quả nhất định.
Cụ thể tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.
Qua đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã tăng cường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến thị trường khí dầu mỏ hoá lỏng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát và đặc biệt là công tác tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp trong kinh doanh LPG trên thị trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để ngăn ngừa vi phạm.
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương |
Đối với các doanh nghiệp lớn cần có những hướng dẫn đầy đủ, cụ thể, sát sao trong hoạt động sản xuất và phân phối gas trên khắp cả nước, các biện pháp khắc phục trong trường hợp sự cố xảy ra, cần thiết lập và có nhân viên thường xuyên trực điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người tiêu dùng khi cần thiết…
Đại diện Công ty CP kinh doanh khí miền Nam (Gas South) chia sẻ tại chương trình |
Đứng trước yêu cầu mới về phát triển năng lượng của đất nước, theo định hướng chiến lược về phát triển năng lượng quốc gia và theo xu hướng phát triển năng lượng thế giới, ngành dầu khí nói chung và công nghiệp khí nói riêng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong tương lai.
Ngọc Minh