"Tôi đã rất lo lắng về ngoại hình của mình trước khi thực hiện tác phẩm này", nhiếp ảnh gia 29 tuổi người Trung Quốc Yufan Lu nói.
Dự án mới nhất của cô - Make Me Beautiful - đi sâu tìm hiểu văn hóa phẫu thuật thẩm mỹ tàn khốc tại đất nước tỷ dân.
Lu nói rằng ý tưởng để cô thực hiện Make Me Beautiful bắt nguồn từ các phương tiện truyền thông đại chúng - nơi dường như không dung thứ cho điều gì khác ngoài sắc đẹp - cũng như chính kinh nghiệm của bản thân.
"Tôi đã nhận được rất nhiều bình luận gay gắt về ngoại hình của mình trong những năm qua, ví dụ như: mắt quá nhỏ, thân hình quá khổ. Những nhận xét này cũng lặp đi lặp lại tại các phòng khám thẩm mỹ", Lu kể.
Sau nhiều năm, Lu không còn cảm thấy bất ngờ hay khó chịu trước những bình luận tiêu cực như vậy. "Suy cho cùng, nó chỉ phản ánh tiêu chuẩn vẻ đẹp khắt khe của xã hội Trung Quốc".
Mong muốn thành công trong cuộc sống, nhiều người trẻ chi tiền cải thiện nhan sắc. |
"Tôi muốn gương mặt của hot girl"
Lu lớn lên ở Thiên Tân, một thành phố công nghiệp cạnh Bắc Kinh, và đã đặt chân đến nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc. Bất kể nơi nào, Lu đều cảm nhận rõ rằng những tiêu chuẩn sắc đẹp và lựa chọn cuộc sống đang thúc đẩy người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, phẫu thuật thẩm mỹ.
"Người ta tin rằng nếu bạn trông trẻ trung và xinh đẹp, bạn sẽ dễ dàng có việc làm hơn, tìm được một người chồng (hoặc một người vợ) tốt hay được gả vào một gia đình khá giả", nhiếp ảnh gia 29 tuổi nói.
Áp lực cuộc sống lớn ở Trung Quốc cũng khiến nhiều người lo lắng rằng nếu không kiếm được một số tiền nhất định ở độ tuổi nào đó, bạn là kẻ thất bại; nếu không kết hôn ở tuổi 30 thì bạn sẽ bị gọi là "phụ nữ/đàn ông còn sót lại".
Những chuẩn mực xã hội khắt khe này càng khiến người trẻ thêm lo lắng ngoại hình và quyết tâm trùng tu nhan sắc để đổi đời.
Make Me Beautiful đưa người xem đến các "công xưởng" thẩm mỹ ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hàng Châu, Thành Đô và cả Seoul (Hàn Quốc).
Những kiểu gương mặt của hot girl, người mẫu được chào mời ở các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc. |
Tại mỗi phòng khám, Lu yêu cầu các chuyên gia tư vấn - những người được gọi là "nhà thiết kế sắc đẹp" - lên kế hoạch phẫu thuật cho cô.
Kết quả thu được là hàng loạt kế hoạch chỉnh sửa được mô phỏng trực quan bằng những nét vẽ, chữ viết nguệch ngoạc trên các bức ảnh chân dung của Lu.
Lu còn được các chuyên gia giới thiệu về những kiểu khuôn mặt được ưa chuộng nhất: phong cách ngây thơ, trong sáng (còn được gọi là "phong cách dễ kết hôn"), phong cách nổi tiếng trên mạng (ảnh minh họa là các hot girl mạng xã hội), phong cách đẳng cấp (tương tự khuôn mặt của những người mẫu hàng đầu), phong cách an toàn, phong cách idol...
"Khi tôi nói mình muốn có khuôn mặt của hot girl, một số phòng khám nói với tôi rằng điều đó sẽ rất khó khăn vì khuôn mặt tự nhiên của tôi gần như không thể thay đổi thành như vậy. Tuy nhiên, vài nơi khác nói rằng họ có thể làm tất cả chỉ cần tôi có đủ tiền".
Theo Lu, việc lựa chọn khuôn mặt mong muốn ở các trung tâm thẩm mỹ mà cô từng ghé thăm chẳng khác việc chọn mua quần áo là mấy.
"Những người tư vấn cho tôi giống nhân viên bán hàng hơn là nhân viên y tế. Họ có sẵn bộ câu hỏi và dựa trên câu trả lời của bạn, họ sẽ biết khả năng kinh tế của bạn và sau đó đưa ra các đề xuất phù hợp".
Việc lựa chọn gương mặt mong muốn không khác gì chọn mua quần áo ở trung tâm thương mại, theo Yufan Lu. |
Nỗ lực tuyệt vọng
Tại một phòng khám ở Bắc Kinh, Lu từng nói mục đích dao kéo của cô là trở nên xinh đẹp để có thể dễ lấy chồng.
"Ngay lập tức người tư vấn phân tích: 'Thái dương của bạn bị lõm. Điều này khiến bạn lận đận đường tình'. Anh ta nói thêm tôi trông dữ dằn, điều đó có nghĩa là tôi có tính khí tồi tệ.
Cách người này nói chuyện giống như anh ta thực sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần của tôi và thành thật mà nói, tôi thậm chí còn cảm động. Cho đến khi anh ấy kết luận rằng tôi cần phải thực hiện cấy mỡ mặt", Lu kể.
Mặc dù Lu tin rằng xã hội nên có những tiêu chuẩn sắc đẹp đa dạng, cô cũng nói rằng dự án Make Me Beautiful đã khiến cô đồng cảm, thấu hiểu những người phẫu thuật thẩm mỹ hơn.
Nhiều cô gái trẻ tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ giúp họ gia tăng cơ hội trong cuộc sống. |
"Đó là sự cố gắng tuyệt vọng để xóa bỏ lo lắng của chính mình. Tôi hiểu cảm giác bất lực khi bản thân không đạt được những tiêu chuẩn sắc đẹp của xã hội. Ở một khía cạnh nào đó, những người từng can thiệp dao kéo thực sự rất can đảm".
Theo Lu, vấn đề không phải là phẫu thuật đúng hay sai mà là mức độ và mục đích mà mọi người sử dụng nó.
Cô cũng nói rằng cần có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với ngành thẩm mỹ để bảo vệ những người sử dụng dịch vụ này.
"Một số người tôi biết đã được yêu cầu ký thỏa thuận ngay trước khi họ bước vào phòng phẫu thuật. Họ có rất ít thời gian để kiểm tra các điều khoản, và vì vậy nếu gặp vấn đề, họ sẽ khó bảo vệ quyền lợi của bản thân. Chưa kể đến việc có những phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp".
Xuyên suốt dự án của mình, Lu đã tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ từng phẫu thuật thẩm mỹ. Trong số đó, cô nhớ nhất là một nữ sinh 18 tuổi.
Trong bức chân dung Lu chụp, cô gái vừa phẫu thuật được 3 ngày vẫn còn thấy rõ vết thâm, sưng. Nhưng ánh mắt chăm chú của cô trên ánh đèn mờ ảo của thành phố phía sau vẫn rất thu hút.
"Cô ấy vừa tốt nghiệp trung học và được bố mẹ, bạn bè ủng hộ quyết định phẫu thuật. Cô ấy nói với tôi rằng bản thân muốn được nổi tiếng trên mạng và kiếm tiền từ đó. Trở nên xinh đẹp gần như đồng nghĩa với lời hứa về một tương lai xán lạn hơn".
Theo Zing
Hot girl Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ toàn cơ thể
Doopal bắt đầu can thiệp dao kéo lên cơ thể từ năm cấp 3. Đến hiện tại, số tiền cô chi cho phẫu thuật thẩm mỹ tương đương với giá trị một căn hộ hạng sang ở thủ đô Seoul.