Cây lanh, vải lanh được xem như một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt, vải lanh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông.
Không biết từ khi nào, người già trong dòng họ, trong gia đình luôn nhắc nhở con cháu dành một khoảng đất trống màu mỡ, bằng phẳng nhất để trồng cây lanh, ý thức ấy được truyền từ đời này sang đời khác.
Bởi thế, người ta mới có câu: “ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông”.
Phụ nữ H'Mông vừa có công ăn việc vừa góp phần bảo tồn được bản sắc dân tộc
Bà Vàng Thị Mai (SN 1969, ở Quản Bạ) bắt đầu nghề dệt vải lanh vào năm 1998. Lúc đó, bà và một số phụ nữ ở Quản Bạ đã chủ động nhờ cụ nội trực tiếp truyền dạy cách trồng, chăm sóc cây lanh đến khi thu hoạch, tạo nên sợi và dệt ra thành phẩm.
Sau 1 năm vừa học vừa làm sản phẩm của những người phụ nữ Mông đã được giới thiệu đến đại sứ quán các nước.
Đến nay, hợp tác xã của bà có 4 xưởng (kéo sợi, may, dệt và kho). Doanh thu của hợp tác xã hàng năm 1,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 150 người với 9 nhóm sản xuất.
Lương của các thành viên từ 4 đến 8, 9 triệu/tháng tùy theo tay nghề và năng suất. 80% khách hàng của họ là người nước ngoài.
Nhưng bà nói, để đi được đến ngày hôm nay, họ phải trải qua một hành trình không hề dễ dàng…
Xưởng của tôi có nhiều chị em hoàn cảnh rất đáng thương. Có chị, chồng mất vì ung thư, một mình nuôi 6 con. Có gia đình, bố chết, mẹ đi lấy chồng khác, 5 đứa trẻ ngủ cùng trên 1 giường không chăn, không màn.
Bữa cơm của chúng chỉ có bát mèn mén và 2- 3 hạt muối trên tay. Khách cho bánh mì chúng không biết là cái gì vì chưa bao giờ được ăn’, bà nói.
Bà Mai nhận những đứa trẻ, thanh thiếu niên đến xưởng để dạy nghề. Vào ngày nghỉ học, các em lại đến xưởng vừa học nghề vừa làm. Mỗi em có 1 quyển sổ riêng để ghi chép, làm được bao nhiêu sản phẩm cuối ngày sẽ được thanh toán đầy đủ.
‘Không chỉ muốn cho trẻ có tiền mua cái ăn, sách vở, tôi còn muốn truyền nghề cho các em. Nếu các em không học cao lên vẫn có nghề để nuôi bản thân’.
Hợp tác xã của bà Mai cũng có những cụ già 70, 80 tuổi đến gõ cửa xin việc làm. Tùy sức khỏe, bà lại sắp xếp cho họ công việc phù hợp để tranh thủ thời gian rỗi rãi.
‘Đây là một nghề không giàu nhưng nó giúp cho chúng tôi - những phụ nữ H'Mông có công ăn việc làm, có thể bảo tồn được bản sắc dân tộc.
“Chúng tôi đã có những đơn hàng như từ Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật..."
Có cùng dòng suy nghĩ như chị Mai, Chị Vàng Thị Cầu ở huyện Đồng Văn (sinh năm 1973, dân tộc Mông), Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đồng Văn cũng là người sáng lập, đồng thời là Tổ trưởng Tổ sản xuất của Hợp tác xã Lanh Trắng cũng quả quyết, giữ gìn nghề dệt vải lanh là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trắng.
“Ở đây 99% là dân tộc Mông trắng. Khi trình bày ý tưởng năm năm 2017, bí thư huyện ủy đã rất ủng hộ với điều kiện tôi cần dạy nghề lại cho các chị em”, chị Vàng Thị Cầu kể lại. “Hợp tác xã thành lập chính thức vào tháng 11/2017. Nhưng đi vào hoạt động là tháng 3/2018 với hơn 20 thành viên”
Trong đó có 3 chị là hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Còn lại là những chị hoặc khuyết tật, hoặc là nạn nhân bạo lực gia đình, người thì bị mua bán qua biên giới tìm đường trở về, người thì đi lao động trái phép... Các chị ấy đến đây học nghề rồi trở thành thành viên của hợp tác xã.
Hợp tác xã gồm 3 nơi sản xuất: cơ sở giới thiệu và trưng bày sản phẩm, một chỗ chuyên nhuộm vải và nơi khác để dệt vải khổ là 75cm. Trước đây người Mông chỉ dệt được vải lanh khổ 50cm là nhiều, hiện giờ hợp tác xã đã cải tiến là dệt khổ 75cm và tiến tới sẽ đến khổ 90cm”.
Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đồng Văn chia sẻ, đến nay, hợp tác xã đã có những phát triển nhất định, tạo công ăn việc làm cho trên 95 hội viên phụ nữ trong toàn huyện là những chị em khó khăn. Thành viên hợp tác xã đã dạy nghề thêm được 2 lớp và thành lập được 3 tổ hợp tác liên kết.
Những ngày đầu, hợp tác xã còn phải đi nhập nguyên vật liệu. Nhưng hiện nay, với hội viên là các chị có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều xã thị trấn tham gia, đã đủ cung cấp cho công việc sản xuất của hợp tác xã.
“Chúng tôi đã có những đơn hàng như từ Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Đơn hàng nước ngoài đầu tiên là túi đựng tài liệu cho các đại biểu dự hội nghị của UNESCO. Sau đó, chúng tôi đã phát triển đi Nhật cũng khá là nhiều sản phẩm. Bây giờ chị em là có công ăn việc làm ổn định. Nhiều khách hàng tìm nhập vải cho các thiết kế thời trang...”.
Ngày đầu hợp tác xã thành lập, chị Vàng Thị Cầu xuống từng nhà, từng thôn bản vận động từng người. “Khi ấy chị em cũng còn chưa mạnh dạn, cứ nghĩ là những đồ thổ cẩm này làm ra thì ai mua, tại vì bây giờ nhập từ Trung Quốc rất nhiều. Sau khi được phân tích rõ ràng, các chị em hiểu ra. Các chị em học nghề được miễn phí hoàn toàn, thậm chí được hỗ trợ 30 nghìn/ngày”, chị Cầu kể.
Bà Sùng Thị Say, 55 tuổi ở xã Sủng Là là người tàn tật không có sức khỏe để làm nương và các công việc nặng nhọc. Em Giàng Thị Già, 23 tuổi do nhẹ dạ cả tin đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc, may mắn được cứu thoát trở về nhưng với hai bàn tay trắng và nỗi niềm tủi hổ, cơ cực, e ngại với gia đình, cộng đồng…
Nhưng khi được về đây làm việc, trở thành thành viên của Hợp tác xã với mức thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng đã thực sự giúp họ từng bước vượt lên đói nghèo, thoát ra khỏi cảnh tủi hổ, chủ động trong cuộc sống, dần hòa nhập với cộng đồng.
Khách du lịch giờ đây tới Đồng Văn không thể bỏ qua điểm dừng chân thú vị, Hợp tác xã Lanh Trắng.
Hợp tác xã Lanh Trắng đảm nhận công đoạn khép kín từ trồng lanh đến đầu ra sản phẩm. “Tất cả đều trong địa bàn huyện, không nhập gì từ bên ngoài. Tại vì mình muốn tạo công ăn việc làm cho chị em ở trong huyện. Hiện trên địa bàn huyện có 15 trên tổng số 19 xã thị trấn tham gia mô hình liên kết với Lanh trắng, mỗi xã/thị trấn ít nhất có 1 nhóm khoảng 7-10 người tham gia”, chị Vàng Thị Cầu cho biết.
Người sáng lập ra hợp tác xã mong muốn, thiết lập vùng trồng cây lanh quy mô, mở rộng ra khoảng 3 tổ hợp tác, mỗi tổ 10-15 người và tổ chức các lớp dạy nghề, phát triển quy mô sản xuất đáp ứng các đơn hàng lớn, để hỗ trợ được nhiều hơn nữa những mảnh đời bất hạnh ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Khánh Hòa, Chí Hiếu, Thu Hà, Thanh Hùng, Hồng Hạnh