Văn hóa, trong đó văn hóa của người Thủ đô có lẽ là việc phải làm trước tiên, và bắt đầu từ những người lãnh đạo thành phố. Hãy làm những điều thiết thực nhất, đơn giản nhất thay vì việc dựng cổng chào "Tổ dân phố văn hóa", thay vì việc gắn biển, hoặc cấp "Giấy chứng nhận gia đình văn hóa".
>> Hà Nội hôm nay - 'người tình' xa lạ?/ Hà Nội làm gì để giữ văn hóa Tràng An/ Người Hà Nội gốc?
Từ Pháp lệnh Thủ đô, sau nhiều tháng ngày soạn thảo, chỉnh sửa, trình Quốc hội mấy lần, mãi đến kỳ họp QH vừa rồi Luật Thủ đô mới được thông qua. Thế mới biết để có một bộ luật, gian truân biết nhường nào. Có luật rồi, thực thi luật ra sao, chấp hành luật thế nào... lại là cả một đoạn trường.
"Nỏ" quan tâm!
Hình như không. Thậm chí chẳng quan tâm. Người viết bài hỏi bác hàng xóm:
- Bác đã đọc Luật Thủ đô mình chưa?
- "Nỏ" quan tâm. Có luật hay không có luật "bọ" vẫn là người Hà Nội.
- Sao bác thờ ơ thế?
- Ai chẳng rứa. Ở đây rồi, quan tâm làm chi?
Hóa ra...cứ theo người láng giềng này, thì Luật Thủ đô chỉ để người nơi khác quan tâm(?)
Trong quá trình thảo luận, ngay tại QH, hình như các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thủ đô chủ yếu là các đại biểu ngoài Hà Nội, và chủ yếu xoáy vào việc "hạn chế nhập hộ khẩu về Hà Nội".
Luật Thủ đô đâu chỉ có thế.
Người Hà Nội bây giờ?
Thật khó có thể trả lời, tưởng chừng rất dễ, cho câu hỏi: Ai là người Hà Nội?
Nếu người Hà Nội là: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" thì không ít người Hà Nội đang sống trong nhiều biệt thự từ thời Pháp đến thời nay, đang làm việc trong nhiều tòa nhà chọc trời với đầy đủ tiện nghi, thì giờ đây để tìm một chút hương nhài, một chút thanh lịch Hà Nội xưa... quả hơi bị khó.
Hà Nội vẫn là một cái chợ ven đô, nhốn nháo, nhếch nhác. Người Hà Nội, đúng nghĩa, hình như chỉ còn trong thơ văn, hoặc còn ít lắm đã ở tuổi U90, U80, U70 ít dám ra đường, không phải vì tuổi tác mà vì quá nhiều chướng tai gai mắt.
Từ tên Đại La, đến Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, công dân ở đây từ nhiều nơi đến đã "lột xác" để thành người Thủ đô. Thế đất "rồng cuộn hổ ngồi...dân cư không khổ vì ngập lụt...cây cối tốt tươi...", nơi có hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, sông Hồng uốn lượn, với làng lúa làng hoa, nơi hội tụ nguyên khí quốc gia, người tài giỏi, nghệ nhân của mọi lĩnh vực...Tất cả đã cho người sống, làm việc ở mảnh đất này thành người Hà Nội, không lẫn được.
Thế mà giờ đây, mỗi khi đến Thủ đô, tiếp xúc với người ở Hà Nội, khách phương xa, nhất là các bạn nước ngoài, sau một lần thăm, nhiều người thầm nhủ: "Một lần này thôi. Bye...bye".
Luật không phải là "cây đũa thần". Ảnh minh họa, nguồn: Hoàng Hà/ VNE |
Luật từ những điều nhỏ nhất
Để có một Thủ đô văn minh, xứng danh với nghìn năm văn hiến, không thể không có Luật. Thủ đô nghìn năm không thế mãi là cái chợ ven đô. Không thể để công dân Thủ đô ăn tục, nói bậy, vượt đèn đỏ...
Cũng như khó có thể chấp nhận người Thủ đô, trong đó không ít quan chức nói ngọng, ngữ âm ngữ điệu... à ơi, chát chát, tặc tặc...Cứ đà này, môn tiếng Việt cho người Việt, cho người nước ngoài yêu Việt Nam chẳng biết lấy gì làm chuẩn.
Trước thực trạng này, ngay sau khi Hà Nội "ôm trọn" Hà Tây, mà không chỉ vì Hà Tây, ngay trong Hà Nội quanh Hồ Hoàn Kiếm ngọng líu ngọng lô với rất nhiều khẩu ngữ, nhiều cách biểu đạt trong ngôn ngữ viết của thời @ mà nhiều chuyên gia ngôn ngữ cũng... chào thua. Vì thế Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có cả dự án "chữa tật nói ngọng cho người Hà Nội". Thật bi hài!
Tuy vậy vẫn không đáng lo ngại bằng nhan nhản thực tế chúng ta phải chứng kiến hàng ngày: Những chen lấn, xô đẩy, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bất chấp luật giao thông như thể cách đây cả trăm năm, sau lũy tre làng mình, rằng "giời của ta, đất của ta...đường ta, ta cứ đi...".
- Bác đã đọc Luật Thủ đô mình chưa? - "Nỏ" quan tâm. Có luật hay không có luật "bọ" vẫn là người Hà Nội. - Sao bác thờ ơ thế? - Ai chẳng rứa. Ở đây rồi, quan tâm làm chi? |
Rồi những "bún chửi", "cà phê quát", sằn sàng "chém" Thượng đế bất kể lúc nào. Và bao nhức nhối khác: Cướp giật, móc túi, bẻ hoa, giẫm không thương tiếc lên những thảm cỏ bên đường, trong công viên, đàn đàn bám đuổi khách du lịch ngoại quốc xin tiền, ép mua... Một Hà Nội nhốn nháo gấp nhiều lần chợ ven đô, và còn lâu để sánh với cái sự thuần hậu, văn hóa của chợ quê.
Rồi không biết từ khi nào, nhiều người Hà Nội không biết chào, không biết nói lời cám ơn, xin lỗi (khi cần), và không hề "tiết kiệm" những lời thô lỗ, sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Trên xe buýt, sẽ được chứng kiến nhiều điều để thấu hiểu nỗi khổ của những người tử tế còn sót lại.
Làm sao để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống
"Sống và làm việc theo pháp luật", khẩu hiệu treo, dán khắp mọi nơi, từ công sở đến đường phố, từ thành thị đến thôn quê, nhưng hình như luật pháp chưa "vào" đã nhờn.
Nay có thêm Luật Thủ đô, tất nhiên không chỉ cho cư dân Hà Nội mà cho tất cả những ai chạm chân vào Hà Nội. Làm gì để luật không chỉ dừng trên giấy?
Luật không phải là "cây đũa thần". Người đứng đầu Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị, đã nói thế khi trả lời phỏng vấn. Đúng, không có gì là "thần" cả. Để luật có sức mạnh, sức mê hoặc của Thánh Thần, thì trước hết và mãi mãi phụ thuộc vào sự thực thi của những công chức, viên chức Nhà nước ở Hà Nội, và việc chấp hành của dân chúng.
Chúng ta đã được biết một thành phố Đà Nẵng văn minh, xanh, sạch, đẹp, như "người đẹp ngủ trong rừng" bỗng bừng dậy, đầy sức sống. Người dân nơi đây, bắt đầu từ một anh chạy xe ôm, mà người viết bài cách đây vài năm có dịp ghé qua, trong hành trình "trở lại chiến trường xưa", đã không chỉ cảm nhận mà mắt thấy tai nghe về một Đà Nẵng với niềm kiêu hãnh, tự hào mà chàng trai chạy xe ôm "truyền" sang.
Anh yêu thành phố quê hương, tự hào là công dân thành phố, mến phục các "ông lãnh đạo có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm"...Anh hài lòng với "nghề" của mình giống như người thợ tỉa cây, tưới cỏ, gốc châu Phi mà tôi đã có lần trò chuyện tại vườn Luxembourg giữa Thủ đô Paris: Tôi yêu Paris, tôi rất hạnh phúc với công việc của mình. Anh ta nói, với chất giọng Paris rất khiêm tốn, thật dễ thương...
Làm sao để Hà Nội có nhiều công dân như thế?
Đã có nhiều người như thế trong những thế kỷ đã qua. Thế hệ chúng ta đã được nghe nhiều về ông Trần Văn Lai, Chủ tịch Hà Nội đầu tiên (rất ngắn) của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác sĩ- Chủ tịch Trần Duy Hưng của những tháng năm xây dựng CNXH và chống chiến tranh phá hoại.
Hàng năm, chúng ta vẫn được gặp trên truyền hình nhiều cụ bà, những nữ sinh Trường phổ thông Trưng Vương những năm 40 của thế kỷ 20, xếp bút nghiên, hoạt động cách mạng, nhiều cụ ông, những thanh niên Hà thành, cựu học sinh trường Bưởi, cựu sinh viên ĐH Đông Dương lao vào cuộc kháng chiến "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Họ vẫn nguyên người Hà Nội của hoa nhài, của thanh lịch, của một Hà Nội dù đi đâu, ở đâu cũng không thể lẫn. Cái hào khí, cốt cách Thăng Long trong họ như sinh ra là thế, mãi mãi là thế. Thật trân trọng biết bao!
Văn hóa, trong đó văn hóa của người Thủ đô có lẽ là việc phải làm trước tiên, và bắt đầu từ những người lãnh đạo thành phố. Hãy làm những điều thiết thực nhất, đơn giản nhất thay vì việc dựng cổng chào "Tổ dân phố văn hóa", thay vì việc gắn biển, hoặc cấp "Giấy chứng nhận gia đình văn hóa".
Giang Sơn