Người đi xe máy than khổ vì “hết lối đi”
Hà Nội trong những ngày mưa hoặc khi bước vào khung giờ cao điểm, tình trạng ô tô dàn hàng chiếm hết các làn đường lại xảy ra khiến nhiều người di chuyển bằng xe máy vô cùng bức xúc.
Giờ cao điểm trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ số nhà 231B Nguyễn Trãi đến cầu vượt Ngã Tư Sở), một quãng đường dài hơn 1km nhưng ken đặc ô tô ở hết các làn đường.
Xe ô tô chiếm trọn đường Nguyễn Trãi, xe máy buộc phải "điền vào chỗ trống" |
Mặt đường hết chỗ, xe máy "giành" từng mét vỉa hè với người đi bộ |
Có đến 7 hàng xe từ các loại xe con, xe tải, xe khách và xe buýt dàn hàng ngang kín đường. Gặp phải tình cảnh này, người đi xe máy hoặc phải len lỏi ở giữa dòng ô tô hoặc lựa chọn '"bay" lên vỉa hè, luồn lách tránh người đi bộ.
Chị Lê Huyền Anh (Hà Đông, Hà Nội) hàng ngày đi làm trên đường Nguyễn Trãi cho biết, tình trạng ô tô dàn hàng ngang chiếm hết các làn đường đã diễn ra từ lâu.
“Cứ tầm 8h30 sáng khi tình trạng ùn tắc ở đường Nguyễn Trãi xảy ra trầm trọng nhất thì ô tô dàn hết các làn đường. Người điều khiển xe máy phải cố gắng lách qua những làn ô tô lấn chiếm để đi, thậm chí nếu đi sát bên phải đường thì liên tục bị xe buýt "tạt đầu" để vào điểm đón khách, ép xe máy vào vỉa hè rất nguy hiểm”, chị Huyền Anh nói.
Tại đường Nguyễn Xiển (hướng từ Linh Đàm vào trung tâm thành phố) tình trạng ô tô dàn kín đường gần như sáng nào cũng diễn ra. Với đặc thù là trục đường cửa ngõ vào thành phố nên tuyến đường này không chỉ có xe cá nhân mà lượng xe khách khá đông.
Đường Nguyễn Xiển, xe máy đi lên vỉa hè để khi lòng đường chính ô tô đã giành hết |
Vỉa hè không còn là phần đường dành cho người đi bộ mà là đường chính dành cho xe máy ở đây bất chấp nhiều đoạn vỉa hè trên đường này đã bị cày nát, lồi lõm.
Tại đường Tố Hữu (Hà Đông), người đi xe thô sơ, xe máy bất lực trước những hàng ô tô ngang nhiên biến làn đường hỗn hợp thành làn riêng. Buộc xe máy phải “lấn chiếm” làn đường dành riêng cho xe buýt BRT để đi.
Đường Tố Hữu (Hà Đông) xe máy buộc phải "tràn" vào làn đường cho xe buýt nhanh BRT |
Thậm chí xe máy phải đi lên vỉa hè còn dang dở để thoát tắc |
Anh Nguyễn Minh Hải (Dương Nội, Hà Đông) cho rằng nếu tính làn đường cho xe buýt BRT đã chiếm 1/3 mặt đường, thì 2 làn đường còn lại bị ô tô chiếm dụng hết. Người đi xe máy “bất đắc dĩ” mới phải tràn vào làn BRT để đi.
Phân làn đường có giảm ô tô dàn hàng ngang kín đường?
Theo Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, tại các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Tố Hữu… đều tổ chức làn hỗn hợp, nên việc ô tô đi vào các làn này không vi phạm.
Tuy nhiên việc điều khiển ô tô chiếm hết đường của phương tiện khác phải xét đến văn hóa giao thông của người đi xe. Tình trạng này, phần nào cản trở giao thông, gây ùn tắc trầm trọng hơn.
Tiến sĩ Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) phân tích, nguyên nhân của tình trạng ô tô dàn hàng ngang chiếm hết phần đường của các phương tiện khác là do tốc độ gia tăng ô tô cá nhân nhanh. Thêm vào đó, trên các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Tố Hữu… cơ quan chức năng không phân làn đường.
Để giải quyết tình trạng này, Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng, tại một số tuyến đường đủ rộng, nhiều làn đường có thể phân làn cho ô tô và xe máy đi riêng biệt.
Trước đây, tại tuyến đường Giải Phóng (đoạn qua bến xe Giáp Bát) cơ quan chức năng đã tiến hành phân làn đường. Tuy nhiên sau một thời gian không được giám sát, xử phạt triệt để việc phân làn này “không thành công”.
Còn tại các tuyến đường nhỏ không thể phân làn thì chỉ có thể trông chờ vào ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện.
Giải pháp nào để ô tô không dàn hàng ngang chiếm hết phần đường của các phương tiện khác, gây cảnh giao thông hỗn loạn? Mời bạn đọc gửi ý kiến hiến kế về Email: banthoisu@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được Ban Biên tập chọn đăng tải. Trân trọng! |
Đình Hiếu
Chật vật trong mưa rét tháng 3, người Hà Nội nhích từng mét tới công sở
Sáng 23/3, Hà Nội có mưa rào và giông. Mưa kèm gió to khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, nhiều tuyến đường xảy ra ùn tắc.