Ngay sau khi một vài doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước giảm giá ở những mẫu xe nhất định thì đến tháng 4 vừa qua, rất nhiều "đại gia" ô tô trong và ngoài nước đã bước chân vào cuộc giảm giá này; trong đó phải kể đến Toyota, Honda - hai liên doanh xưa và nay vẫn "cố thủ" với mức giá xe vì chiếm thị trường lớn.

Theo tiết lộ của một cố vấn cao cấp từ Toyota với phóng viên Dân trí, thời điểm hiện tại các liên doanh đã phải nhìn cuộc giảm giá là xu hướng chứ không phải là chiêu bài cạnh tranh lấy khách của một số doanh nghiệp (DN) nói riêng. Chính vì vậy, các DN ô tô đại gia đã phải nghiên cứu rất nghiêm túc thị trường, đưa ra đối sách phù hợp.

Giảm giá là xu hướng, không chỉ là chiêu bài

"Năm 2018, thuế nhập xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0%, đây là thời điểm DN liên doanh ô tô khó khăn nhất. Nếu các yếu tố khác không đổi, thì giá xe bỏ đi mức thuế từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, điều đó đồng nghĩa với thị trường sẽ thuộc về xe nhập. Không thể đến năm 2018, các liên doanh mới hạ giá bán được", vị chuyên gia nói.

{keywords}
Đứng ngoài xu hướng giảm giá xe trước đó nhưng nay các đại gia ô tô đã buộc phải nhúng chân vào cuộc chiến giảm giá để giành thị trường (ảnh minh hoạ)

Thực tế, từ năm 2010, nhiều dòng thuế đối với các linh kiện ô tô nhập từ ASEAN đã được xóa bỏ thuế theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN; đến năm 2015, hầu như các loại máy móc, khung xe, linh phụ kiện nhập từ ASEAN được bỏ thuế hoàn toàn. Đây là lợi thế rất lớn cho các liên doanh ô tô trong nước nếu họ sản xuất quy mô lớn giá xe sẽ rẻ hơn so với xe nhập nguyên chiếc, cùng loại từ các thị trường ngoài ASEAN. Tuy nhiên, từ đó đến đầu năm 2017, giá xe trong nước vẫn không giảm.

Chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, các DN nhập khẩu ô tô, hãng lắp ráp trong nước bắt tay vào giảm giá xe nhằm giành thị trường thì các đại gia ô tô mới giảm giá xe. Tuy nhiên, theo nhận định của một số DN, so sánh lợi thế thì các nhà nhập khẩu thuần túy khó giảm giá hơn so với liên doanh, có bộ phận nhập khẩu.

Một DN chuyên nhập khẩu ô tô cho hay: Quy định mới về kinh doanh ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang bó buộc sự hình thành, phát triển các đầu mối nhập khẩu ô tô, sàng lọc chỉ còn một số DN lớn, chịu nhiều quy định, ràng buộc về thuế, phí. So với các DN liên doanh, có bộ phận nhập khẩu ô tô như Toyota, Honda, Trường Hải - Thaco, thì họ yếu thế cả về tiềm lực tài chính, thị trường và độ bao phủ.

Đơn cử như Honda, Toyota hay Ford, Meccerdes vẫn duy trì các kênh phân phối xe hơi nguyên chiếc từ các thị trường Thái Lan, Indonesia và Malaysia, hay Nhật Bản, Mỹ... Các dòng xe như Accord, Civic của Honda; Lexus, Camry, Fortuner của Toyota, Ford Ranger, Explorer, Focus... đều được nhập khẩu riêng, cùng được hưởng các hình thức phân phối như xe trong nước, trong khi đó nhiều loại xe không hề được giảm giá.

Thuế phí sẽ tăng trước cuộc đại hạ giá?

Mặc dù chịu cạnh tranh quyết liệt, nhưng các DN nhập xe vẫn thoát khỏi cuộc chiến thị trường, giành lại thị phần tiêu thụ xe hơi với các đại gia xe hơi trong nước. Bước đi chiến lược của họ là giảm giá xe. Đơn cử như các dòng xe của Mitsubishi, Nissan đều đã thực sự giảm giá nhanh, so với các loại xe cùng phân khúc trong nước.

Cận kề năm 2018, khi thuế xe hơi nhập từ các nước ASEAN được bãi bỏ, nhiều người kỳ vọng giá xe nhập về Việt Nam sẽ giảm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại mức thuế phí nội địa, thuế phí thường niên sẽ tăng khiến giá xe nhập, xe trong nước không thể giảm giá.

Cụ thể, mức phí trước bạ theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP về phí trước bạ được Chính phủ ban hành áp dụng từ ngày 01/01/2017, từ năm 2018, các địa phương có thể tăng mức phí trước bạ từ 10% như hiện nay lên mức 15%; đối với Hà Nội, mức phí trước bạ có thể tăng lên 17 - 18% thay vì mức phí 12% như hiện nay.

Đây chỉ là một loại phí, trong khi đó còn khá nhiều loại phí thường niên khác nhau có thể tăng lên như: Phí bảo vệ môi trường trong xăng dầu; phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm và lưu hành...

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính: Dù các mức phí nội địa không quá cao nhưng đặc điểm là sẽ được điều chỉnh theo vùng, địa phương có đặc thù khác nhau. Chính vì vậy, nếu mức tăng cơ học của ô tô khiến mật độ xe/dân số cao, và cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì các địa phương như Hà Nội, TP.HCM vốn được luật riêng sẽ đưa ra những mức phí đắt đỏ, khiến chi phí để mua xe, lưu hành rất tốn kém.

(Theo Dân trí)