Tổng thống Barack Obama vừa cảnh báo Phố Wall sẽ phải lo lắng vì một cánh bảo thủ của Đảng Cộng hòa sẵn sàng để cho nước Mỹ bị vỡ nợ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}
Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ không nhượng bộ yêu sách của phe Cộng hòa.

Chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần sau khi Quốc hội nước này không thể nhất trí được ngân sách hoạt động cho năm tới và sẽ hết tiền mặt vào ngày 17/10 nếu trần nợ liên bang không được nới rộng.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 2/10, Obama cho biết ông "rất bực". Sau đó, ông đã hội đàm với các lãnh đạo Quốc hội nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Hai phe Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục đổ lỗi cho nhau về bế tắc hiện tại.

Chính phủ Mỹ đóng cửa lần này sẽ khiến cho khoảng 800.000 nhân viên buộc phải nghỉ làm không lương trong khi tất cả các công viên quốc gia, khu du lịch, bảo tàng, các trang web chính phủ, các tòa nhà văn phòng... phải đóng cửa. Các chuyên gia ước tính nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 300 triệu USD/ngày.

Hơn nữa, khi một cuộc khủng hoảng ngân sách hoành hành ở Washington DC, một cuộc khủng hoảng khác - tiềm tàng nguy hiểm hơn nhiều - sẽ xuất hiện trong những tuần tới. Vào ngày 17/10, chính phủ Mỹ sẽ hết sạch tiền mặt để thanh toán các nghĩa vụ tài chính nếu như trần nợ không được nâng lên. 

Ở cả hai vấn đề, phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đòi ông Obama và những người Dân chủ phải nhượng bộ thì mới chấp nhận thông qua ngân sách cho chính phủ hoạt động và nâng trần nợ. Phe Cộng hòa chủ yếu đòi hủy bỏ hoặc trì hoãn Obamacare - luật cải cách y tế mà phe Dân chủ đã thông qua hồi năm 2010.

Các điều khoản chính của luật này - cũng đã được Tòa án Tối cao phê chuẩn và là một vấn đề chính trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 - có hiệu lực từ ngày 1/10.

Ngày 2/10, ông Obama đã gặp lãnh đạo một số ngân hàng lớn nhất của Phố Wall - trong đó có JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Ngân hàng Mỹ - để thảo luận về trần nợ và các vấn đề kinh tế khác. Các vị này là thành viên của Diễn đàn Các dịch vụ Tài chính - một tổ chức vận động hành lang cùng với 250 doanh nghiệp khác đã gửi thư tới Quốc hội kêu gọi nới rộng giới hạn vay nợ.

Tiếp sau cuộc họp, Obama nói với đài CNBC rằng "với họ, điều quan trọng là phải nhận ra rằng tình trạng này sẽ có một tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của chúng ta". Ông cũng tuyên bố sẽ không đàm phán với "cánh quá khích của một đảng" khi thời hạn chót ngày 17/10 đang đến gần.

Trong khi các thị trường nước ngoài thận trọng theo dõi cuộc khủng hoảng ngân sách ở Mỹ thì lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cảnh báo rằng đóng cửa kéo dài là "một nguy cơ không chỉ đối với Mỹ mà còn với cả nền kinh tế thế giới".

Tối qua tại Nhà Trắng, ông Obama đã gặp Chủ tịch Hạ viện John Boehner, lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell, lãnh đạo Dân chủ ở Thượng viện Harry Reid cùng lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi.

Ông Boehner sau đó rời phòng họp với than phiền rằng phe Dân chủ sẽ không đàm phán. Tuy nhiên, bà Pelosi cáo buộc phe Cộng hòa đang "thay đổi những điều kiện đã được chấp nhận" về thỏa thuận ngân sách.

Ông Reid thì phàn nàn rằng cả Tổng thống lẫn đảng Dân chủ ở Quốc hội sẽ không chấp nhận những thay đổi về Obamacare như một cái giá cho thỏa thuận về tái mở cửa chính phủ.

Theo giới phân tích, ông Boehner có thể chấm dứt bế tắc hiện nay bằng cách cho phép Quốc hội bỏ phiếu về một ngân sách "sạch" mà không làm thay đổi luật y tế, bởi vì như vậy sẽ vượt qua cửa ải liên minh giữa phe Dân chủ và những người Cộng hòa ôn hòa. Thế nhưng làm như vậy thì vị Chủ tịch Hạ viện lại có nguy cơ đối đầu với các thành phần bảo thủ hơn trong ban lãnh đạo đảng mình.

Trước đó trong ngày, các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo việc chính phủ đóng cửa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực bảo vệ nước Mỹ của các cơ quan tình báo. Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper nói trước một ủy ban Thượng viện rằng ước tính 70% các nhân viên tình báo đã phải nghỉ làm không lương.

Thanh Hảo (Theo BBC, News)