Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã chứng khoán: OGC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 sau nhiều lần trì hoãn.
Theo báo cáo vừa công bố, Ocean Group lỗ sau thuế khoảng 280 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính tự lập có lãi 105 tỷ đồng, phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ âm 76 tỷ đồng trong khi trước đó dương 145 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ocean Group giảm 385 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2020, Ocean Group lãi 205 tỷ đồng.
Nguyên nhân gây ra sự chênh lệch lớn giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính tự lập là do chi phí giá vốn đội thêm 102 tỷ đồng vì công ty con do OGC nắm 55,6% là CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) - chủ sở hữu kem Tràng Tiền - trích lập dự phòng tổn thất hàng tồn kho đối với dự án Sài Gòn Airport. Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm, chi phí tài chính tăng lên do chủ kem Tràng Tiền tăng trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 4 tỷ lên 290 tỷ đồng do OCH và các công ty con của OCH thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo khả năng thu hồi và kết quả việc bán một số khoản nợ khó đòi trong năm 2022.
Việc thua lỗ sau kiểm toán khiến Ocean Group nâng tổng lỗ luỹ kế hết năm 2021 lên 2.726 tỷ đồng. Phía kiểm toán nhận định, điều này cho thấy tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group.
Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Ocean Group cho rằng báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp. Thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phiếu, dự án bất động sản. Cùng với đó, công ty cũng tích cực thu hồi hoặc bán các khoản công nợ phải thu.
Công ty cho biết đã thực hiện thủ tục chào bán công khai một số khoản nợ phải thu khó đòi giá trị gốc khoảng 1.072 tỷ đồng với giá khởi điểm bằng 10% giá trị nợ gốc nhưng không có đối tác quan tâm mua tại thời điểm mở chào bán 4/6.
Ban lãnh đạo Ocean Group khẳng định quy trình lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án xử lý khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập 100% với tổng số tiền 2.553 tỷ đồng. Khoản công nợ này được theo dõi tại tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính không ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán cho hay không thể thu thập bằng chứng đầy đủ, thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi, khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai cũng như điều chỉnh nợ gốc nhiều khoản mục của Ocean Group. Trong đó, các khoản có giá trị lớn gồm gần 1.200 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác và gần 470 tỷ đồng các khoản trả trước người bán...
Đáng chú ý, điểm thay đổi lớn trong báo cáo tài chính sau kiểm toán của Ocean Group còn nằm ở việc chuyển hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu ra ngoại bảng. Nhóm nợ này đều đã trích lập dự phòng nên sau khi điều chỉnh, các khoản phải thu ngắn hạn đã giảm hơn một nửa.
Sau khi công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, Ocean Group đề nghị Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa cổ phiếu OGC ra khỏi diện hạn chế giao dịch. Trước đó, ngày 2/6, công ty nhận được quyết định của HoSE về việc chuyển cổ phiếu OGC từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) do chậm nộp BCTC kiểm toán 2021 quá 45 ngày so với quy định.
Ocean Group từng là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam với vốn hóa thị trường lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng. Song năm 2014, ông Hà Văn Thắm - thành viên sáng lập và Chủ tịch HĐQT công ty bị bắt và bị tuyên án chung thân vì tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay...
Từ khi ông Thắm bị bắt, Ocean Group rơi vào khó khăn, thua lỗ liên tiếp trong khoản thời gian từ năm 2014 - 2017.
Gia Hưng
Hàng loạt doanh nghiệp ngành khoáng sản, năng lượng nằm trong danh sách cảnh báo của HNX.