Cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vừa chính thức phủ nhận cáo buộc về khối tài sản 2,7 tỷ USD do các thành viên trong gia đình ông tích lũy được trong 10 năm ông lãnh đạo đất nước.

"Tôi muốn ra đi một cách trong sạch"

Lời bác bỏ được tuyên bố sau hơn một năm tờ New York Times công bố phóng sự điều tra về kho báu bí ẩn của gia đình cựu Thủ tướng.

"Tôi đã và sẽ không bao giờ liên quan đến bất cứ một thỏa thuận nào nhằm lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân bởi không có bất cứ vụ lợi nào có thể làm lung lay ý chí của tôi", ông Ôn khẳng định trong một tâm thư đăng trên tờ báo Hong Kong Ming Pao vào thứ Bảy vừa qua. Lá thư này được cựu lãnh đạo viết vào tháng 12 vừa qua và gửi cho bạn của mình là người phụ trách tờ báo Ming Pao và cũng là một cựu đại biểu quốc hội Trung Quốc, theo tờ Telegraph.

{keywords}

Cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

"Tôi đã đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và cũng muốn ra đi một cách trong sạch", ông Ôn bày tỏ.

Theo giới phân tích, lá thư này được công bố vào đúng thời điểm cuộc điều tra vụ án tham nhũng của nhà cựu chính trị Chu Vĩnh Khang đang đến hồi gay cấn.

Gia đình ông Ôn giàu lên từ đâu?

Trước đó hãng tin New York Times đã nhận được giải thưởng Pulitzer với báo cáo điều tra về tài sản khủng của gia đình cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo. Website này sau đó đã bị phong tỏa tại Trung Quốc.

Tác giả báo cáo tiến hành điều tra hành trình làm giàu của gia đình vị lãnh đạo - người vẫn được biết đến là nhân vật lãnh đạo vĩ đại đi lên từ nghèo khó.

Times khẳng định, nhiều thành viên trong gia đình ông Ôn trong đó có vợ, con trai, con gái, em trai và em rể đã trở nên giàu sụ sau khoảng thời gian ông này làm lãnh đạo Trung Quốc, theo điều tra của New York Times. Đặc biệt, gia đình ông sở hữu ít nhất khối tài sản trị giá 2,7 tỷ USD.

Ngay cả mẹ của cựu thủ tướng, ngoài 90 tuổi - từng là một giáo viên nghèo khổ - cũng đã trở thành trọc phú khi sở hữu khoản đầu tư trị giá 120 triệu USD tại một công ty tài chính hàng đầu Trung Quốc.

Để che mắt thiên hạ, trong rất nhiều thương vụ đầu tư, người thân cựu thủ tướng đã ẩn danh nhờ các mối quan hệ như bạn bè, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh. Lần theo các manh mối tài chính của họ, Times phát hiện ra cách mà họ thu lợi nhờ vị trí trung gian giữa chính phủ và doanh nghiệp tại nền kinh tế thứ hai thế giới này.

Mặc dù không thể biết được liệu cựu thủ tướng có nhúng tay vào các hợp đồng của chính phủ nhằm giúp các thành viên trong gia đình mình hay không nhưng theo báo cáo, năm 2004, hội đồng nhà nước, một cơ quan chính phủ do ông Ôn chủ trì đã miễn một số quy định đối với tập đoàn tài chính Ping An Insurance và một số công ty khác. Ping An sau đó đã tiến hành huy động 1,8 tỷ USD trong đợt phát hành IPO. Đối tác của Ping An là nhiều người thân của ông Ôn, cùng với bạn bè và đồng nghiệp của họ. Họ đã kiếm tiền từ việc đầu tư vào công ty trước khi tiến hành IPO. Năm 2007, theo tài liệu công khai, những người này nắm giữ 2,2 tỷ USD giá trị cổ phiếu của công ty Ping An. Hiện tổng giá trị cổ phần của Ping An đang chạm mức 60 tỷ USD.

Vợ ông Ôn là bà Trương Bồi Lợi cũng rất tài giỏi trong việc biến các mối quan hệ chính trị thành lợi ích tài chính.

Chính bà là một trong những nhân vật thao túng thị trường trang sức tại Trung Quốc. Bằng việc quản lý các công ty kim cương nhà nước (mà sau đó được tư nhân hóa), bà đã giúp người thân của mình sử dụng số cổ phần tối thiểu vào danh mục đầu tư một tỷ USD tại các doanh nghiệp bất động sản, công nghệ và bảo hiểm để kiếm lợi.

Ngoài ra, các công ty của gia đình quyền lực này còn nhận được hậu thuẫn tài chính từ các công ty nhà nước như China Mobile - một trong những nhà mạng lớn nhất nước này. Ngoài ra, họ cũng nhận được sự giúp đỡ của không ít gã khổng lồ giàu nhất châu Á.

Các dự án xây dựng lớn tại Bắc Kinh cũng có sự tham gia của gia đình ông Ôn trong đó một công ty xây dựng một số sân vận động phục vụ thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Times khẳng định, người thân của cựu thủ tướng đã tích lũy rất nhiều cổ phiếu tại các ngân hàng, công ty trang sức, khu du lịch, các công ty truyền thông và dự án xây dựng nhờ quyền lực chính trị họ có trong tay.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, thậm chí sau khi từ chức, Ôn Gia Bảo vẫn nắm giữ không ít quyền lực chính trị. Tuy nhiên, các tài liệu của tờ Times đã làm sụp đổ vị thế của ngài cựu thủ tướng.

HungNinh (Tổng hợp)