Đối với chủ thẻ, lợi ích mang lại là hình thành thói quen tiêu dùng hiện đại, không phải mất thời gian đến trạm ATM hay ngân hàng để rút tiền, chọn sản phẩm và mua hàng trên mạng tiết kiệm rất nhiều thời gian & chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí vận hành, thay vào đó nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ. Nhận thấy tiềm năng rộng mở, rất nhiều tay chơi lớn nhỏ đã dấn thân vào thị trường thanh toán trực tuyến này.

tmdt_pro1 (1)

 

Thị trường thanh toán trực tuyến – Xuất hiện nhiều tay chơi lớn

Rất dễ thấy, việc thanh toán trực tuyến ở Việt Nam vẫn chưa thay thế được hình thức chuyển tiền truyền thống do thói quen của người tiêu dùng. Khách hàng phần lớn vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt hơn là việc sử dụng thẻ/tài khoản ngân hàng mua sắm online. Nhưng có thể nói trong tương lai, thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ATM sẽ là một xu hướng tất yếu.

Hiện có rất nhiều dịch vụ thanh toán trực tuyến lớn như Ngân lượng của Chợ điện tử, Bảo Kim của Vật Giá, 123pay của VNG hay Sohapay của VCCorp. Những dịch vụ thanh toán trực tuyến của các “ông lớn” ngành công nghệ này chủ yếu phục vụ việc trao đổi, mua bán của chính những dịch vụ mà công ty họ cung cấp.

Việc xuất hiện hàng loạt những cổng thanh toán trực tuyến đã thể hiện rõ được xu hướng cũng như tiềm năng của ngành này. Vậy trong tương lai ai sẽ là người chiếm lĩnh được thị trường vẫn còn bỏ ngỏ này?

 

OnePay – một “cựu” startup sáng giá trong ngành thanh toán điện tử

11094203-3[1]

Ra đời từ năm 2006, công ty OnePAY đã được thành lập với mục đích vận hành cổng thanh toán quốc tế tại Việt Nam. Có lẽ điều khiến OnePAY khác so với những dịch vụ thanh toán trực tuyến hiện nay trên thị trường như 1pay hay VnPayment đó chính là việc tập trung chủ yếu vào thanh toán quốc tế – thị trường còn bị bỏ ngỏ tại Việt Nam.

Những đối tác lớn của OnePAY hiện nay bao gồm: Hãng hàng không Jetstar, các rạp chiếu phim CGV (trước là Megastar), Galaxy, Platinum, Vietnamworks… và hơn 800 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực: du lịch, khách sạn, thời trang, mua sắm online.

Giá trị giao dịch qua cổng thanh toán của OnePAY xử lý lên tới trên 8.000.000USD/tháng. Tổng số lượng lên tới trên 150.000 giao dịch/ tháng. Trong hơn 5 năm triển khai dịch vụ, số lượng khách hàng tăng 200%/năm. Tăng trưởng giá trị giao dịch trên 15% một tháng và trên 30% một năm.

(Cập nhật con số mới nhất hiện nay là: Giá trị giao dịch hàng tháng lên đến 10.000.000USD/tháng. Số lượng giao dịch 200.000 giao dịch/tháng.)

OnePAY hiện có mặt tại hai thị trường lớn nhất tại Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và đang ấp ủ dự định mở rộng sang một số thị trường khác trong và ngoài nước.

Cách thức hoạt động của OnePAY

OnePAY cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến (OneCom) cho phép chủ thẻ thanh toán online khi mua hàng hóa dịch vụ. OnePAY cung cấp các dịch vụ linh hoạt cho phép chủ thẻ có thể thanh toán trực tiếp trên website hoặc nhận hóa đơn và thanh toán qua kết nối an toàn gửi bằng email.

Chủ thẻ có thể sử dụng các thương hiệu thẻ quốc tế: Visa, MasterCard, AmEx, JCB, Union Pay… hoặc các thẻ ATM nội địa để thanh toán trên cổng OnePAY.

5-mo_hinh_onepay[1]

Bên cạnh đó OnePAY còn triển khai một số kênh thanh toán khác như:

  • OnePAY Billing: Dịch vụ cho phép khách hàng có thẻ/ tài khoản ngân hàng thanh toán hóa đơn cho các nhà mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel hoặc thanh toán vé máy bay cho JetStar Pacific.
  • OnePAY Topup: Dịch vụ cho phép khách hàng có thẻ/ tài khoản ngân hàng thực hiện giao dịch nạp tiền thông qua điện thoại.

 

Lời kết

Thị trường thanh toán trực tuyến dù cung cấp dịch vụ liên kết với trong nước hay ngoài nước thì đây ắt hẳn là một mảnh đất màu mỡ, còn nhiều đất để khám phá. Tuy hiện nay đã có rất nhiều tay chơi cả lớn lẫn nhỏ dấn thân vào thị trường này và thu về không ít thành tựu ban đầu cho chính mình nhưng có thể thấy vẫn chưa có một tay chơi nào thực sự chiếm lĩnh thị trường.