Chiến lược “Ông Bụt - Cô Tấm” là một trong những điểm nhấn chính được lãnh đạo FPT chia sẻ tại sự kiện “Chat với CEO: Toàn cầu hóa và cơ hội dành cho sinh viên” diễn ra sáng nay, 28/5/2014 với sự tham gia của hàng trăm sinh viên ở Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng Giám đốc FPT Phụ trách Toàn cầu hóa cho biết, cuối những năm 1990, FPT đánh liều triển khai làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất với lý tưởng đem trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài. Khi đó, “đội quân tinh nhuệ” chủ chốt là FPT Software, chủ yếu gia công sản phẩm phần mềm cho nước ngoài. Gần đây, FPT khởi xướng tiếp làn sóng toàn cầu hóa thứ 2 - đem tinh hoa trí tuệ của người Việt Nam ra nước ngoài, theo hướng cung cấp trọn gói sản phẩm chất lượng, công nghệ cao cho khách hàng nước ngoài. Chiến lược chủ đạo trong làn sóng toàn cầu hóa thứ 2 là “Ông Bụt - Cô Tấm”, trong đó, FPT đóng vai Cô Tấm, chịu trách nhiệm triển khai những hệ thống ứng dụng chạy tốt trong nước còn Ông Bụt là những đối tác, hãng nước ngoài, thấy hệ thống do FPT làm ra đảm bảo chất lượng quốc tế thì giới thiệu cho nhiều đối tác, khách hàng khác ở nước ngoài để triển khai ở phạm vi quốc tế.

FPT toàn cầu hóa

Minh chứng điển hình cho chiến lược này là Hệ thống Quản lý thuế thu nhập cá nhân, do FPT IS triển khai cho Tổng cục Thuế, hiện là hệ thống quản lý thuế lớn nhất thế giới, chạy ổn định hàng ngày trên phạm vi toàn quốc với tổng số 800 điểm, 10.000 người sử dụng (ở những nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, hệ thống quản lý thuế chỉ chạy trong phạm vi từng bang chứ không phủ toàn quốc như ở Việt Nam). Trên cơ sở kết quả đạt được tại Việt Nam, Hệ thống Quản lý thuế nêu trên đã được một số đối tác nước ngoài của FPT giới thiệu để triển khai tại một số quốc gia khác. Mới đây, FPT đã tham gia đấu thầu tại Bangladesh và sắp tới sẽ triển khai dự án Quản lý thuế tương tự cho Bangladesh.

“Năm 2013, doanh thu toàn cầu hóa của FPT đã đạt 130 triệu USD. Chiến lược "Ông Bụt - Cô Tấm" đang giúp FPT vươn tới mục tiêu 2 năm nữa sẽ đạt doanh thu toàn cầu hóa 350 - 400 triệu USD với tổng số 10.000 nhân lực tham gia hoạt động toàn cầu hóa”, ông Dương Dũng Triều cho biết.

Bàn thêm về cơ hội của sinh viên trong việc tham gia toàn cầu hóa, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT IS khẳng định: “Để tham gia đội ngũ làm việc toàn cầu, hành trang 4 - 5 năm đại học là chưa đủ. FPT có thể giúp sinh viên tích lũy trải nghiệm thực tế một cách nhanh nhất thông qua việc tạo điều kiện để sinh viên tham gia các dự án tích hợp lớn tại Việt Nam”.

“Khi tham gia toàn cầu hóa, quan trọng nhất là phải hành xử chuyên nghiệp. Điều này không thể có được ngay trong một sớm một chiều phải tập dần hàng ngày thói quen chuyên nghiệp hóa ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. FPT đã từng có bài học kinh nghiệm về vấn đề này. Đó là hồi mới bắt tay làm xuất khẩu phần mềm, phải cạnh tranh với Infosys (công ty phần mềm hàng đầu của Ấn Độ), chuyên gia FPT ngay lập tức hoàn tất nhanh chóng yêu cầu đề ra của khách hàng và gửi lên hệ thống để khách hàng kiểm tra. Trong khi đó, chuyên gia Infosys dành gấp 20 lần thời gian so với chuyên gia FPT chỉ để làm báo cáo. Cuối cùng khách hàng vẫn chọn Infosys với lý do hệ thống rất quan trọng, không cần phải làm nhanh mà yêu cầu phải làm chính xác và cần người thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp nhất”, ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên.

Ông Dương Dũng Triều cũng lưu ý các sinh viên 4 kỹ năng cần có nếu muốn tham gia hoạt động toàn cầu hóa, đó là phải thiết lập được mối quan hệ càng rộng càng tốt, hiểu biết chuyển sâu về nghiệp vụ chuyên ngành (ví dụ như thuế, tài chính, ngân hàng), hoàn thiện kỹ năng tư vấn và thuyết phục khách hàng lựa chọn phương án mình đề xuất, và phải có kỹ năng quản trị dự án.