Startup "chịu chi" trả lương 500 triệu mỗi tháng thuê chuyên gia nước ngoài

Chia sẻ tại chương trình "Quốc gia khởi nghiệp" phát sóng trên VTV1 mới đây, doanh nhân Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo đã thu hút sự chú ý khi chia sẻ kinh nghiệm đã giúp ông đi từ "tay trắng" trở thành ông chủ của một tập đoàn điện tử có doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng chỉ sau 4 năm khởi nghiệp.

Trong đó riêng ở thị trường tivi trong nước, tính đến cuối năm 2017 Asanzo đã gây bất ngờ khi lọt vào top 4 với thị phần 16%, bám đuổi những thương hiệu lớn như LG (17%), Sony (25%) hay Samsung (35%).

Tại sao một “tân binh” như Asanzo của Việt Nam lại có thể chen chân, đủ sức cạnh tranh trong thị trường tivi khắc nghiệt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng loạt các hãng lớn trên thế giới?

Doanh nhân Phạm Văn Tam nhấn mạnh: Không có thành công nào là tự nhiên nếu không bền bỉ, lăn lộn. Đặc biệt, phải hiểu thị trường, hiểu sản phẩm, khách hàng và chính bản thân.

Kể lại giai đoạn khởi nghiệp, vị doanh nhân cho hay thời điểm mới khởi nghiệp, Asanzo đã gặp ngay phải khó khăn khi có lô hàng 4.000 chiếc tivi bị lỗi. Không trông chờ vào đội ngũ kỹ thuật trong nước thời điểm đó, ông đã tính ngay đến việc nhờ các doanh nghiệp cung cấp linh kiện cử kỹ thuật nước ngoài (như Nhật Bản) sang hỗ trợ đào tạo, để khắc phục những nhược điểm, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

“Ở thời điểm đó không ai nghĩ một công ty nhỏ mới khởi nghiệp lại bỏ tiền trả lương cho kỹ thuật người nước ngoài khoảng 500 triệu/tháng. Nhưng tôi chấp nhận vì mình không có công nghệ nên phải quyết tâm học hỏi từ chuyên gia có kinh nghiệm nước ngoài”, doanh nhân Phạm Văn Tam nói.

Cùng đó trong chiến lược phát triển, Asanzo không lựa chọn đối đầu trực diện với Samsung, Sony, hay LG ở khu vực thành thị, mà chọn khu vực nông thôn và nhắm tới người lao động có thu nhập trung bình.

Lý giải điều này, doanh nhân Phạm Văn Tam chia sẻ: "Tôi không cần ăn miếng bánh to, chỉ cần ăn nhiều miếng bánh nhỏ. Chính vì sự sâu sát thị trường nông thôn đã giúp chúng tôi giành được từng “miếng bánh nhỏ” cho riêng mình suốt dọc đất nước".

“Asanzo hiểu người dân Việt Nam, giống như cá nhân tôi đã đi qua rất nhiều địa phương từ Móng Cái cho tới mũi Cà Mau để thị sát, để hiểu khách hàng”, ông Tam nói, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có nhiều dân tộc, nhiều địa phương, mỗi một địa phương, vùng miền lại có văn hoá khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam hay cá nhân tôi đều phải tìm hiểu vấn đề này.

Tạo sản phẩm chuyên biệt cho từng ngách nhỏ

Cũng theo phân tích của doanh nhân Phạm Văn Tam, các tập đoàn nước ngoài thường sản xuất đại trà, phục vụ cho toàn Châu Á thì họ chỉ chọn xu thế của Châu Á chứ không giống Asanzo là làm cho các địa phương.

Ông chủ Asanzo bày tỏ, bản thân ông xác định đi vào thị trường ngách dù nhỏ thì chiến lược của công ty cũng phải là tạo ra từng sản phẩm chuyên biệt cho từng khu vực, đối tượng khách hàng, với kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc và giá sản phẩm khác nhau.

“Ví dụ như ở miền Tây, nhà người dân không chia theo phòng nhỏ và thích tivi màu sắc sặc sỡ, loa phải to. Trong khi các tập đoàn nước ngoài theo xu thế của toàn cầu thường sản xuất tivi màu đen, loa giấu đằng sau thì riêng tivi của Asanzo màu đỏ với loa được đưa ra đằng trước, đảm bảo âm thanh to, nghe “đã””, doanh nhân Phạm Văn Tam nêu ví dụ.

Hoặc như ở miền Trung xứ biển nắng gió, sản phẩm của Asanzo có đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ bo mạch không bị ăn mòn và có màu đen, theo tính cách đơn giản của người dân.

Bên cạnh việc lựa chọn sản phẩm đặc thù cho từng vùng miền, Asanzo cũng mạnh tay lược bỏ những chi tiết không cần thiết của sản phẩm để tập trung vào giá trị thực cho người tiêu dùng.

Theo ông chủ Asanzo, chính việc này tiết giảm 30% chi phí nhân công và tiết kiệm gần 35% giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, Asanzo cũng tập trung chăm sóc khách hàng từ đại lý, nhà phân phối cho tới người tiêu dùng cuối, phát triển hệ thống đại lý và bảo hành chăm sóc để giảm chi phí đi lại của người dân, giúp họ dễ tiếp cận với sản phẩm.

Tính đến đầu năm 2018, Asanzo có hơn 100 nhà phân phối và hơn 6.000 đại lý tại 64 tỉnh thành cả nước. Trong thời gian bảo hành, khi sản phẩm có trục trặc, đội ngũ kỹ thuật đến tận nhà hỗ trợ mà không mất phí.

Người Việt vốn hạn chế mua mới, rất hay sửa đi sửa lại sản phẩm để dùng nên sau thời gian bảo hành, công ty có chính sách cung cấp linh kiện với giá vừa phải để ai cũng có thể mua thay thế khi cần.

Cũng tại chương trình "Quốc gia khởi nghiệp”, đúc rút từ câu chuyện thành công của Asanzo, doanh nhân Phạm Văn Tam cho rằng các startup hiện nay thường kỳ vọng mở rộng ra thế giới, tuy nhiên không nên như vậy.

“Doanh nghiệp Việt nguồn lực còn yếu, nên tư duy kinh doanh tại chính quốc gia, tại thị trường mà mình hiểu rõ, hiểu sâu sát nhất mới phát huy triệt để thế mạnh”, ông Tam nói.