Người đi qua phố Giang Văn Minh, Hà Nội vẫn thấy cảnh biển hiệu cơ sở cũ của Soya Garden bị bóc nham nhở, chưa có ai thuê lại mặt bằng. Còn cơ sở ở Hapulico thông báo tạm ngừng hoạt động để bảo trì hạ tầng, chưa hẹn ngày mở cửa trở lại.

Soya Garden chỉ mất 3 năm để đạt được con số 50 cửa hàng tại Việt Nam, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến chuỗi này phải đóng cửa 80% số đó, về lại 10.

{keywords}
Cơ sở Soya Garden trên phố Giang Văn Minh đã dỡ biển hiệu và thông báo cho thuê mặt bằng. Ảnh: Thanh Thương.

Chuỗi cửa hàng tự nhận là kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam thuộc Công ty cổ phần Soya Garden. Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 10/2015, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.

Soya Garden có trụ sở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1986) trở thành người đại diện theo pháp luật, đồng thời là tổng giám đốc công ty, thay nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn.

3 năm mở 50 cửa hàng

Tháng 4/2016, cửa hàng đầu tiên của Soya Garden khai trương tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Cùng năm, chi nhánh thứ hai xuất hiện trên phố Vũ Phạm Hàm và được đầu tư nhiều hơn về không gian. Khách hàng thời điểm đó chủ yếu là nữ giới dân văn phòng, độ tuổi từ 23 trở lên.

Chỉ một năm sau, mô hình này mở thêm 8 cơ sở nữa tại miền Bắc. Dù có tốc độ mở rộng chi nhánh nhanh, Soya Garden chưa thể tạo tiếng vang lớn trên thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) giống như The Coffee House, Highlands, Gongcha hay Aha đã làm.

Phải đến cuối năm 2017, người ta mới biết đến Soya Garden nhiều hơn sau khi ông Hoàng Anh Tuấn và bà Hoàng Thu Thủy (hai chị em ruột, đồng sáng lập mô hình) lên Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty.

Nhóm startups đặt tham vọng xây dựng chuỗi cửa hàng thay thế các sản phẩm từ sữa bò và sữa động vật bằng sữa đậu nành. “Mục tiêu của chúng tôi là nhanh chóng Nam tiến với 5 cửa hàng đầu tiên tại thị trường 13 triệu dân của TP.HCM”, ông Tuấn khi đó nói.

{keywords}
Hoàng Anh Tuấn trình bày về mô hình của Soya Garden trên sóng Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Trên sóng truyền hình, founder Soya Garden chia sẻ các nhà sáng lập mô hình đã thực góp vốn 3 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ trên giấy phép kinh doanh chỉ ghi 30 triệu đồng.

Nguồn thu năm đầu tiên đối với 2 cửa hàng là 3,6 tỷ đồng. Doanh số hàng tháng của 10 cửa hàng năm 2017 dao động 250-300 triệu đồng, trung bình 8-10 triệu đồng/ngày. Trong đó, giá nguyên liệu chiếm 23-25% giá bán sản phẩm.

Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp gần như bằng 0. Chỉ có Shark Nguyễn Ngọc Thủy đưa ra lời đề nghị nắm toàn quyền kiểm soát tài chính doanh nghiệp lẫn sở hữu 45% cổ phần với 4 tỷ đồng và 11 tỷ là trái phiếu, cùng với điều kiện về một lộ trình hoàn vốn 3 năm. Bù lại, Soya Garden sẽ được tiếp cận tập khách hàng hiện có tại chuỗi hệ thống giáo dục Apax English, các trung tâm làm đẹp.

Chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ đồng ý bắt tay với vị chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Egroup. Sau đó, số vốn Shark Thủy thực tế đầu tư vào Soya Garden lên đến 20 tỷ đồng.

Đến đầu năm 2019, Tập đoàn EGroup tiếp tục rót thêm 45 tỷ đồng vào thương hiệu này. Tháng 4/2019, sau lần thứ 3 đầu tư, tập đoàn nâng tổng số vốn tại Soya Garden lên hơn 100 tỷ đồng.

Nhờ số vốn lớn, Soya Garden liên tục mở mới, cho hoạt động khoảng 50 cửa hàng vào cuối năm 2019. Doanh nghiệp cũng đặt tham vọng 300 cửa hàng trong năm 2020, đồng thời có mặt tại các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...

1 năm đóng 40 cơ sở

Khi chưa kịp đạt được 1/2 con số kỳ vọng, Soya Garden đã buộc phải thu hẹp hơn nửa hệ thống. Giai đoạn từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2020, Soya Garden chỉ còn mở 18 cửa hàng ở phía Bắc và 5 điểm bán ở phía Nam.

“Giống như tất cả chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác", ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ hồi tháng 5/2020.

Theo ông Tuấn, đây là hành động tái cơ cấu doanh nghiệp, bỏ bớt các cửa hàng thiếu hiệu quả, giữ lại những địa điểm có vị trí đẹp và đem về doanh thu tốt, đồng thời ra mắt mô hình mới tiết kiệm chi phí mặt bằng và nhân viên hơn.

Còn Shark Thủy cho biết Soya Garden đang trong quá trình tối ưu hóa mô hình. “Ngày trước, chúng tôi tập trung vào không gian trải nghiệm tại chỗ, nhưng sau một thời gian hoạt động thì đánh giá những mô hình ít chỗ ngồi, ví dụ như kiosk, và đẩy mạnh giao hàng tận nơi sẽ mang lại hiệu quả hơn”, chủ tịch Egroup nói.

{keywords}
Mặt bằng đầu tiên của Soya Garden tại TP.HCM trên đường Phan Đăng Lưu đã đóng cửa từ trước dịch. Ảnh: Chí Hùng

Thực tế, Soya Garden càng phát triển nóng (tốc độ mở rộng chi nhánh được đánh giá nhanh hơn cả The Coffee House), doanh nghiệp này càng gặp nhiều vấn đề về tài chính.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, hãng này ghi nhận doanh thu 96 tỷ đồng, tăng 486%, tương đương tăng gần 77 tỷ đồng so với năm 2018. Trong khi đó, danh sách doanh nghiệp F&B có doanh thu cao nhất thị trường gồm Highlands Coffee (doanh thu 2.199 tỷ đồng năm 2019), The Coffee House (863 tỷ đồng), Starbucks (783 tỷ đồng) và Phúc Long (779 tỷ đồng).

Doanh thu gần 100 tỷ giúp lợi nhuận gộp của công ty trong năm 2019 cũng đạt mức tăng trưởng gấp 5 lần, đạt 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, Soya Garden lại ghi nhận mức lỗ sau thuế lên tới 62 tỷ đồng.

Tính trung bình, trong năm 2019, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ này thua lỗ 170 triệu đồng/ngày.

{keywords}
 

Trước đó, trong năm 2017 và 2018, Soya Garden thu về lần lượt 1,3 tỷ đồng và 20 tỷ, lợi nhuận gộp tương ứng là 375 triệu đồng và 13 tỷ đồng. Doanh nghiệp sở hữu biên lãi gộp tương đối thấp so với các thương hiệu cùng ngành, và sau khi khấu trừ đi các chi phí, Soya Garden đều ghi nhận mức lỗ thuần.

Tại thời điểm 31/12/2019, Soya Garden có tổng tài sản 141 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là trên 29 tỷ.

Sau Tết Nguyên đán 2021, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ này tiếp tục đóng thêm một loạt cơ sở. Hiện chỉ còn 9 cửa hàng hoạt động tại Hà Nội, 1 tại TP.HCM.

(Theo Zing)