Xem clip: Bếp cơm ngày nấu 100kg gạo tặng bệnh nhân, người nghèo mùa dịch

Đói cho ăn, đau giúp thuốc, chết tặng hòm

4h30 sáng, anh Châu Thái Hiền (ngụ Quận 8, TP.HCM) có mặt tại bếp cơm Phước Thiện (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân, người nghèo. Anh Hiền là bếp trưởng của bếp cơm từ thiện này suốt nhiều năm qua.

Anh cho biết, bếp cơm Phước Thiện do ông Huỳnh Tuấn (70 tuổi, còn gọi là ông Ba Trầu, ngụ Quận 8) thành lập từ chục năm trước. “Bếp cơm là tâm huyết cả đời của ông Ba Trầu. Ông không vợ, con và dành cả đời để duy trì bếp cơm từ thiện này”, anh Hiền nói, hướng ánh mắt về người đàn ông mặc áo bà ba, râu bạc đang ngồi nhai trầu trên chiếc giường sắt cũ kỹ.

Ông Ba Trầu vốn là người miền Tây nhưng có duyên với đất Sài thành. Sau nhiều năm bôn ba, ông chọn TP.HCM làm quê hương thứ hai và nguyện giúp đỡ những người khó khăn hơn mình tại thành phố này.

{keywords}
Mỗi ngày, bếp cơm từ thiện Phước Thiện nấu hơn 100kg gạo cho bệnh nhân, người nghèo.

Ông nói, dù tuổi thơ không trải qua cơ cực nhưng ông rất thương và quý người nghèo. “Tôi làm từ thiện từ lúc 14 tuổi. Tôi cũng không hiểu vì sao nhưng từ nhỏ, tôi đã thích giúp người. Thấy người ta khổ, không giúp được tôi buồn lắm, lòng cứ day dứt mãi”, ông nói.

Thế nên có bao nhiêu tiền từ nghề kinh doanh cẩm thạch, ông đều “đầu tư” vào công việc hỗ trợ người nghèo. Bởi khi làm được một việc thiện, ông cảm thấy lòng mình thanh thản, hạnh phúc.

Ông nói: “Ngày còn trẻ, tôi tâm nguyện gặp người đói thì tôi cho ăn, đau tôi giúp thuốc, chết tôi tặng hòm. Bây giờ, 70 tuổi rồi, tôi vẫn theo cái tâm nguyện ấy mà làm. Hơn chục năm trước, thấy nhiều người nghèo thiếu ăn, tôi dốc sức làm bếp cơm từ thiện”.

{keywords}
Bếp cơm do ông Huỳnh Tuấn thành lập từ hơn chục năm trước.

Ban đầu, bếp cơm của ông Ba Trầu chỉ đun bằng củi, cơm chỉ đủ phát tặng cho người lang thang, bán vé số dạo. Đến nay, bếp đã trang bị tủ hấp cơm công nghiệp, mỗi lần có thể hấp hơn 100kg gạo để giúp được nhiều người hơn.

Anh Hiền chia sẻ: “Trước đây, sau khi nấu chín, chúng tôi phân cơm vào hộp rồi chở đến nhiều điểm để phát cho người nghèo. Bây giờ, ngoài phát cho người khó khăn, ông Ba Trầu còn nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở một số bệnh viện trong thành phố”.

“Do đó, bếp cơm ngày càng được mở rộng. Hiện mỗi ngày, bếp cơm Phước Thiện nấu khoảng 500 suất cơm có thịt để tặng người khó khăn, bệnh nhân nghèo. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi nhiều bếp cơm từ thiện phải đóng cửa, ông Ba Trầu vẫn tiếp tục nấu và hỗ trợ thêm mì tôm, gạo, nước tương…”, anh Hiền nói thêm.

{keywords}
Mỗi ngày, bếp có nhiều người dân địa phương đến góp sức, phụ giúp việc nấu nướng, chế biến thức ăn.

Dốc hết tài sản để giữ lửa bếp cơm

Ông Ba Trầu nói chất lượng bếp cơm hơn chục năm qua vẫn vậy. Mỗi phần cơm từ bếp cơm Phước Thiện luôn có món mặn, canh đầy đủ. Ông bảo mình không bao giờ có tư tưởng “nấu cho có lệ”. Hơn thế, mỗi ngày, bếp cơm luôn thay đổi món để người ăn không cảm thấy nhàm chán.

Ông nói: "Mùa dịch, nhiều bếp cơm từ thiện phải ngưng nhưng tôi không dừng được. Bếp vẫn nấu, cho cơm bệnh nhân, người nghèo. Ở những nơi có thể phát cơm, chúng tôi trực tiếp đem cơm đến gửi”.

“Hiện, để phòng dịch, các bệnh viện yêu cầu không tổ chức phát cơm cho bệnh nhân nghèo. Nấu xong, tôi cho người chở cơm đến bệnh viện, gửi cho một bệnh nhân đại diện ra cổng nhận. Người này sẽ nhận cơm vào bệnh viện rồi phát lại cho những bệnh nhân khác”, ông nói thêm.

{keywords}
Các phần cơm sẽ được nhân viên của bếp gửi đến người nghèo, bệnh nhân tại các bệnh viện.

Để duy trì bếp cơm suốt hơn chục năm qua, ông Ba Trầu đã dốc cạn tài sản ông tích lũy từ khi còn trẻ. Thậm chí, có giai đoạn, ông chấp nhận trở thành con nợ chỉ để bếp cơm từ thiện của mình luôn đỏ lửa.

Ông kể: “Sau vài năm hoạt động, bếp cơm từ thiện của tôi cạn kiệt kinh phí. Sợ bếp cơm “tắt lửa”, tôi đánh liều đi vay mượn để có tiền mua gạo, rau củ về nấu cho bệnh nhân, người nghèo. Thế là tôi trở thành con nợ”.

“Nếu không nấu cơm, giúp người nghèo, tôi buồn lắm. Không làm chịu không nổi, nhiều khi tôi nằm khóc một mình. Nhưng hôm nào có tiền mua gạo, nấu cơm, tôi thấy mình khỏe, tinh thần phấn chấn hơn”, ông nói thêm.

{keywords}
Các phần cơm được đóng vào hộp hợp vệ sinh.

Sau này, khi biết ông lâm cảnh nợ nần chỉ vì lo cho người khó khăn, bệnh nhân nghèo, nhiều mạnh thường quân đã chung tay hỗ trợ bếp cơm. Cảm kích trước tấm lòng của ông Ba Trầu, người dân xung quanh dù cuộc sống còn khó khăn cũng dành thời gian hỗ trợ ông trong việc nấu cơm cho người nghèo.

Anh Hiền chia sẻ, những người tham gia phụ giúp bếp cơm như anh đều đang phải vất vả mưu sinh. Tuy nhiên, họ bị cách làm thiện nguyện của ông Ba Trầu thuyết phục. Họ bớt chút thời gian đến bếp, phụ giúp nấu nướng. Sau khi hoàn tất các công đoạn, các phần cơm được đóng hộp cẩn thận, họ mới ra về hoặc đến nơi làm việc”.

{keywords}
Những phần cơm miễn phí được những người tình nguyện chở đến cổng bệnh viện.

Cứ thế, mỗi sáng, những người làm nghề tự do, bán dạo, văn phòng… đều bớt thời gian đến bếp cơm phụ giúp ông Ba Trầu nấu cơm cho người nghèo. Không được tụ tập đông người, họ nhận rau củ, thịt, cá… về nhà sơ chế rồi chở đến bếp cơm.

Tại đây, anh Hiền sẽ phụ trách chế biến thành các món ăn. Khi cơm chín, thức ăn đã hoàn tất, họ lại cùng nhau chia cơm, canh thành từng phần, đóng hộp sạch sẽ, vệ sinh để đến trưa chở đến cổng bệnh viện, ngã tư đường tặng cho người cần.

Bài, ảnh, clip:  Nguyễn Sơn

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày

Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày

Dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM giãn cách xã hội, nhiều người lao động nghèo vốn đã khó khăn nay càng lao đao hơn. Không ít người phải xin cơm từ thiện, ăn mỳ tôm, cháo loãng để cầm cự.