Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai rất vinh dự được đón tiếp đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài nước; các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã dành thời gian tham dự buổi lễ trọng thể này.
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Chúng ta tỏ lòng thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của tỉnh nhà; ghi nhớ công lao của các thế hệ cha anh, quyết noi theo tinh thần vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các thế hệ đi trước đã dày công gây dựng để xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển.
Gia Lai là vùng đất cổ xưa, từ “thuở bình minh” của loài người đã có mặt những tộc người cổ đến chinh phục và khai phá miền đất cao nguyên hùng vĩ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần các dân tộc, trong đó, hai dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng đất này là dân tộc Jrai và Bahnar. Trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XIX, theo chân các giáo sĩ, thực dân Pháp ngày càng tiến sâu vào Bắc Tây Nguyên, tạo nên nhiều xáo trộn mới bằng những chính sách chia để trị, chia rẽ người Kinh với người Thượng, chia rẽ các dân tộc trong tỉnh, trong khu vực với nhau. Với chính sách khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp đã tăng cường đưa một bộ phận người Kinh từ vùng đồng bằng ven biển miền Trung lên làm công nhân trong các đồn điền trồng chè, cà phê và các công trường làm đường dọc quốc lộ 19, 14 và từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên vùng đất Gia Lai.
Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12-12-1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Tháng 6-1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 20-9-1975, theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đến ngày 12-8-1991, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới, xã mới. Đến nay, toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố, 220 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 1,5 triệu người, với 44 dân tộc cùng sinh sống.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước ngoặt căn bản trong sự phát triển của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân các dân tộc Gia Lai với lòng yêu nước nồng nàn đã vùng lên chống đế quốc xâm lược, cùng toàn dân tộc Việt Nam chớp thời cơ ngàn năm có một, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, giành độc lập dân tộc, lập Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong khí thế cách mạng hào hùng của kỷ nguyên độc lập, tự do và công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai ra đời ngày 10-12-1945, đảm nhận sứ mệnh và vai trò đội tiên phong lãnh đạo quân, dân trong tỉnh xây dựng chính quyền cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã hưởng ứng tích cực các phong trào do Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh phát động; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ Việt Minh…; lập nên những làng chiến đấu, những căn cứ du kích bất khả xâm phạm, như: Stơr, Soáp Dùi, xã Gào...; lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như chiến thắng Đak Pơ, trận đánh Cầu Suối Vối, Cầu Rộc Dứa... đã từng bước làm thất bại âm mưu của quân thù, tiến lên giải phóng, làm chủ đại bộ phận vùng nông thôn, siết chặt vòng vây quân địch ở thị xã Pleiku và thị trấn Cheo Reo, góp phần cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chuẩn bị lực lượng để bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân cả nước, lớp lớp con em của Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm, lập chiến công xuất sắc trên mọi chiến trường. Nhiều địa danh, tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại, còn mãi lưu truyền trong sử sách. Đó là những anh hùng lực lượng vũ trang, như: Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Rơ Chăm Ớt... và hàng ngàn người con ưu tú khác của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã anh dũng hy sinh. Đó là những chiến công vang dội, như: Chiến thắng Plei Me; chiến thắng Cheo Reo, Phú Bổn; Chiến dịch Xuân-Hè 1972… góp phần giải phóng Gia Lai vào ngày 17-3-1975 và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản động FULRO và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Campuchia.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã mang lại cho núi rừng Bắc Tây Nguyên một luồng sinh khí mới. Cùng với cả nước, Gia Lai đã có bước chuyển mình đáng kể. Trong hơn 35 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối, linh hoạt nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển. Do đó, kinh tế của tỉnh thường xuyên duy trì mức tăng trưởng khá: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 7,55%, năm 2021 tăng 9,71%. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015; năm 2021 đạt 88.051 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp-xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%.
Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 104.402 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2001-2005, tăng bình quân hàng năm 13,95%, năm 2021 đạt 70.000 tỷ đồng. Đến nay, mạng lưới đường bộ đã thông suốt, tổng chiều dài khoảng 12.862 km; gồm 6 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng được quan tâm đầu tư. Cảng Hàng không Pleiku đạt cấp sân bay 4C theo tiêu chuẩn của tổ chức ICAO đảm bảo phục vụ các loại máy bay A320, A321 hoặc tương đương; công suất 600.000 hành khách/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Sự thay đổi về diện mạo hạ tầng kinh tế-xã hội là động lực để Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trên các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch… Giai đoạn 2016-2020 có 515 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011-2015. Trong năm 2021 đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án, tổng vốn đăng ký là 21.645 tỷ đồng (trong đó có 16 dự án điện gió được đầu tư). Toàn tỉnh hiện có là 7.982 doanh nghiệp, 358 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, với nét riêng nổi bật của tỉnh là xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, TP. Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hiện đã trình hồ sơ đề nghị Trung ương xét, công nhận 2 thị xã An Khê và Ayun Pa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; toàn tỉnh có 91 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, có 214 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.598 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 7,02%; năm 2021 đạt 7.881,8 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước phát triển mới vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên qua từng năm, trong đó có giáo dục vùng đồng bào dân tộc được đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 54% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 55%. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng vừa triển khai công tác phòng-chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám-chữa bệnh, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được chú ý, quan tâm. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào năm 2020, đến cuối năm 2021 giảm còn 3,96%. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đồng bộ. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, góp phần ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị-xã hội. Công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ các tôn giáo.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, năng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua các giai đoạn lịch sử. Đồng thời, luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, không ngừng củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, kết nối, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh với các tỉnh thành trong nước và với các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào.
Qua 90 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đó là: danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao vàng; 4 Huân chương Hồ Chí Minh; 168 Huân chương Độc lập các hạng; 490 Huân chương Lao động các hạng; 57 tập thể, 18 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 1 tập thể, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 123 Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tỉnh có 17 tập thể được tặng thưởng Huân chương Thành đồng; trên 20.000 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ giải phóng; gần 500 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp; trên 57.000 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ…
Nhìn lại chặng đường 90 năm lịch sử vẻ vang của tỉnh, chúng ta có quyền tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã giành được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tự hào về Nhân dân các dân tộc Gia Lai anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù và sáng tạo trong xây dựng quê hương, một lòng, một dạ đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Tự hào, phấn khởi với những thành tựu đạt được trong 90 năm qua cũng là dịp để chúng ta nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, tồn tại nhằm đề ra biện pháp khắc phục và tiếp tục vững bước tiến lên trong thời gian tới. Đó là: quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu; chất lượng tăng trưởng còn thấp. Công nghiệp và dịch vụ chưa tạo được bước đột phá; chưa tạo được nhiều sản phẩm chủ lực. Chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội còn thấp, một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt. Đời sống của một bộ phận nhân dân và một số gia đình chính sách vẫn còn khó khăn. Công tác xây dựng hệ thống chính trị vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, các cấp, các ngành, cán bộ và Nhân dân trong tỉnh hãy kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đồng tâm, nhất trí, đoàn kết một lòng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bằng những hành động thiết thực góp phần xây dựng quê hương Gia Lai thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp. Tập trung phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tích cực thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác với các địa phương, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.
Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm hướng vào phục vụ dân, tôn trọng dân, phát huy sức dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Tiếp tục phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Quyết tâm xây dựng thế hệ cán bộ của tỉnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đội ngũ cán bộ ấy phải có tài năng, phẩm chất, bám sát thực tiễn, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, có phong cách làm việc nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm có hiệu quả, đó cũng chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất.
Chặng đường 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh (1932-2022) tuy không dài so với chiều dài lịch sử của dân tộc, song những chiến công hiển hách trong kháng chiến, những thành tựu to lớn trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới là minh chứng hùng hồn cho ý chí kiên cường, bất khuất; tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, quyết tâm và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.