Ẵm lãi khủng nhờ tiền gửi ngân hàng dồi dào

Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco nằm trong số doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào.

Lượng tiền mặt gửi ngân hàng của doanh nghiệp này tiếp tục có xu hướng tăng sau khi về tay ông chủ người Thái.

Cụ thể, tính đến thời điểm tháng 9/2020, Sabeco có tới khoảng 17.490 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi, tăng mạnh so với con số đầu năm và chiếm tới 63% tổng tài sản, một con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp khác.

{keywords}
 

Trong số này, tiền gửi ngân hàng và các khoản tiền gửi ngân hàng không quá 3 tháng của Sabeco là 3.170 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm là 14.320 tỷ đồng.

Với số tiền rất lớn đem gửi ngân hàng, 9 tháng đầu năm 2020, Sabeco ghi nhận lãi tiền gửi là 697 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng là doanh nghiệp có lượng tiền rất lớn gửi ngân hàng lấy lãi.

Cụ thể, tính đến 30/6/2020, SCIC có hơn 27.300 tỷ đồng đem gửi ngân hàng. Lãi dự thu tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và trái phiếu của SCIC đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số hồi đầu năm.

{keywords}
 

Một ông lớn khác, được coi là doanh nghiệp top đầu trong danh sách "đại gia" sở hữu nhiều tiền mặt, đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán bởi Deloitte, năm 2019 PVN có khoản tiền và tương đương tiền khá lớn: 67.365 tỷ đồng cùng số tiền gửi đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 165.061 tỷ đồng.

Tổng hai khoản tiền này là hơn 232.426 tỷ đồng. Với lãi suất ngân hàng hiện nay, nếu PVN đem toàn bộ số tiền này đi gửi ngân hàng lấy lãi mỗi năm cũng thu số tiền lãi là vô cùng "khủng".

Báo cáo tài chính không đề cập chi tiết về số lãi tiền gửi song doanh thu tài chính cũng phản ánh được điều này. Cụ thể, năm 2019, PVN ghi nhận doanh thu tài chính là 15.600 tỷ đồng.

Sang năm 2020, PVN gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, giá dầu thế giới nhiều thời điểm giảm mạnh. Theo báo cáo, sản lượng quy dầu lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 17,32 triệu tấn, vượt 2,3% kế hoạch; doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 464,5 nghìntỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 58,3 nghìn tỷ, đạt 86% kế hoạch.

"Vua tiền mặt" - 2 mặt của 1 vấn đề

Thực tế, tiền mặt được coi là "vua". Không phải doanh nghiệp nào cũng có khoản tiền và tương đương tiền lớn như vậy. Việc một doanh nghiệp giữ một số tiền nhất định trong ngân hàng cũng là rất bình thường, thậm chí đáng mơ ước.

Theo các chuyên gia, việc nắm giữ một lượng lớn tiền mặt giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong các quyết định, chớp lấy thời cơ, giành lợi thế trên thị trường.

''Vua tiền mặt" cũng là khái niệm được nhắc nhiều đến khi kinh tế gặp nhiều khó khăn do Covid-19. Việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp hoặc chưa có phương án kinh doanh tối ưu, doanh nghiệp có thể chọn gửi ngân hàng, vừa an toàn mà vẫn sinh lời.

Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tính hai mặt của vấn đề, nếu giữ quá nhiều tiền mặt để gửi ngân hàng và duy trì trong một thời gian dài để lấy lãi cũng đặt ra bài toán về giá trị thặng dư của doanh nghiệp.

Đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngày càng hạ. Khảo sát nhanh biểu lãi suất tiết kiệm đầu tháng 12/2020 cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Lãi suất huy động cao nhất đang được công bố là 8,4%/năm với các khoản tiền gửi có giá trị trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng và 7,2% với kỳ hạn 12 tháng. Những khoản tiền gửi giá trị dưới 500 tỷ đồng sẽ có lãi suất chỉ 6,3%. Trong khi đó, tại một số ngân hàng, với các kỳ hạn ngắn lãi suất ở mức 4,9%/năm...

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin: "Do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, người gửi tiền đã rút tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã biết và việc rút tiền của người gửi tiền ra đầu tư cái gì là do quyền của người gửi tiền. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư".

Ông Tú cho biết hiện nay việc tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế. Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.

(Theo Dân Trí)