Thái Lan gặp khó

Đầu tháng 7, hãng xe điện Trung Quốc BYD tưng bừng khai trương nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á, đặt tại Rayong, phía nam của Bangkok, với công suất 150.000 xe/năm. Sự kiện thu hút sự chú ý của truyền thông không chỉ ở Thái Lan mà còn cả khu vực Đông Nam Á.

Kỷ lục thế giới mới về tốc độ xây dựng nhà máy của một hãng xe ô tô đã được thiết lập. Nếu như trước đó, một hãng xe lập kỳ tích trong ngành công nghiệp ô tô thế giới với việc hoàn tất xây dựng nhà máy trong vòng 21 tháng thì BYD đã phá vỡ kỷ lục với việc xây dựng nhà máy tại Thái Lan chỉ trong 16 tháng.

Lễ ra mắt nhà máy BYD Thái Lan được đánh dấu bằng sự phô trương hoành tráng, với sự xuất hiện của chiếc hatchback BYD Dolphin, sau đó nó được chuyển cho một quỹ từ thiện dưới sự bảo trợ của hoàng gia Thái Lan.

xe dien BYD.gif
Việc BYD xuất hiện, 2 hãng xe Nhật đóng cửa nhà máy tại Thái Lan là một tín hiệu xấu với ngành sản xuất của nước này.

Việc thu hút BYD đến đầu tư tại Thái Lan từng giành được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt về tầm nhìn dài hạn cho ngành công nghiệp. Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2030, 30% xe ô tô sản xuất ở đất nước này là xe điện.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có những sự kiện ít được truyền thông đề cập hơn nhưng đang dậy sóng dư luận tại Thái Lan. Chỉ vài tuần trước khi BYD khai trương nhà máy, hai ông lớn ô tô Nhật là Suzuki Motor và Subaru tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy tại quốc gia này.

Cuối tháng 5, theo Thaiautonews, Subaru cho hay sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất ô tô tại Thái Lan trong tháng 12 năm nay, sau khi đã ngừng sản xuất tại Malaysia.

Đầu tháng 6, hãng xe Nhật Suzuki cũng thông báo sẽ đóng cửa nhà máy tại Thái Lan vào cuối năm 2025 sau 14 năm thành lập. 

Cả hai nhà máy đều gặp khó do doanh số bán hàng èo uột trong bối cảnh nhiều hãng xe điện (EV) của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường này. Subaru và Suzuki chỉ bán được một vài nghìn xe/năm trong khi BYD bán tới 30.650 chiếc EV trong năm 2023, dù khi đó chưa có nhà máy tại Thái Lan.

Tuyên bố đóng cửa của các hãng xe Nhật là một tín hiệu xấu với ngành sản xuất của Thái Lan, vốn đóng góp khoảng 25% GDP nước này.

Động thái rút lui của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng phản ánh sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Trong năm 2023, Thái Lan ghi nhận 2.000 nhà máy đóng cửa. Nhiều công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Những khó khăn của lĩnh vực sản xuất khiến Thủ tướng Srettha Thavisin, người lên nắm quyền vào năm ngoái, gặp lực cản trong việc thực hiện lời hứa đưa mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm lên 5% trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, tăng từ mức 1,73% trong thập kỷ qua.

Chia sẻ trên truyền thông, Chủ tịch Ủy ban kế hoạch của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan Supavud Saicheua cho rằng mô hình kinh tế dựa vào sản xuất kéo dài hàng thập kỷ của Thái Lan đã bị phá vỡ.

Thế giới điêu đứng?

Theo Supavud Saicheua, người Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc thực sự gây rắc rối cho Thái Lan. Nước này phải thay đổi và cần tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm mà Trung Quốc không xuất khẩu, đồng thời củng cố ngành nông nghiệp. Không còn cách nào khác.

Thống kê cho thấy, số nhà máy đóng cửa tại Thái Lan trong vòng một năm, tính đến giữa năm 2024, tăng 40% so với cùng kỳ. Hậu quả là tình trạng mất việc làm tăng 80%, với 51.500 công nhân thất nghiệp.

Không chỉ ở Thái Lan, việc các tập đoàn lớn của Trung Quốc lập nhà máy, căn cứ ở nhiều nước cũng đe dọa nền sản xuất ở rất nhiều quốc gia. Nhiều mặt hàng có thể điêu đứng khi cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc.

Với việc đặt nhà máy sản xuất ở Thái Lan, ô tô điện mang thương hiệu BYD có thể tràn ngập không chỉ ở Thái Lan mà có thể ở các nước Đông Nam Á.

Trong năm 2023, với giá rẻ cùng thuế nhập khẩu 0% (theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN từ đầu năm 2018), ô tô Thái Lan đã ồ ạt đổ bộ Việt Nam. Xe có xuất xứ từ nước này chiếm gần nửa tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của nước ta, với tổng trị giá hơn 1,14 tỷ USD.

Dù phải chịu thuế nhập khẩu từ 47-70% tuỳ loại, ô tô sản xuất tại Trung Quốc vẫn đứng thứ ba về số lượng và giá trị nhập khẩu vào Việt Nam.

Mới đây, BYD chính thức có mặt tại thị trường nội địa. Thời gian tới, hãng xe điện giá rẻ có thể gia tăng bán hàng từ Thái Lan sang Việt Nam.

BYD hiện là hãng ô tô điện lớn nhất thế giới, với doanh số bán 3 triệu chiếc trong năm 2023. Tập đoàn này đang đẩy mạnh xuất khẩu cũng như lập căn cứ ở nhiều quốc gia.

Hồi đầu tháng 7, BYD đã thỏa thuận với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy trị giá 1 tỷ USD, công suất 150.000 xe. Nhà máy dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2026.

Từ 4/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc (như BYD, Geely, SAIC) từ 17,4% đến 38,1% để bảo vệ ngành công nghiệp của các nước thành viên. Các hãng xe Trung Quốc khác chịu mức thuế hơn 20%. Theo EC, điều tra gần đây cho thấy chuỗi giá trị xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ "trợ cấp không công bằng", gây tổn hại cho các đối thủ EU.

Bằng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, BYD có tiếp cận các thị trường châu Âu nhờ thỏa thuận Liên minh thuế quan Thổ Nhĩ Kỳ với EU. Theo đó, hàng hóa được chuyển dịch tự do giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ mà không phải chịu thuế nhập khẩu hay hạn chế số lượng.

BYD còn xây dựng nhà máy tại Uzbekistan, Brazil, và Hungary. Hãng xe điện Trung Quốc quyết định sẽ xây dựng nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD (công suất 150.000 xe) tại Indonesia trong năm 2024.

Theo Nikkei Asia, nhiều nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, bao gồm cả BYD, gấp rút chuyển đến Mexico và Brazil, để dễ xuất khẩu vào Mỹ sau khi Washington tăng thuế gấp 4 lần lên 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.