Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhà Trắng, ông sẽ mang theo rất nhiều hy vọng to lớn về một mối quan hệ Mỹ - Ấn được tiếp thêm sức mạnh một lần nữa.
TIN BÀI KHÁC: |
Nhận định trên là của Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ Mới trong một bài viết đăng trên CNN.
Chiến thắng bầu cử vang dội ở Ấn Độ đã giúp Modi giành đa số ủng hộ trong Quốc hội và đủ sức thực hiện một cuộc cải cách nội địa sâu rộng. Trong nhiều năm, cựu bộ trưởng đứng đầu bang Gujarat bị Mỹ cấm nhập cảnh do các cáo buộc ông liên quan đến làn sóng nổi loạn đẫm máu ở bang này năm 2002.
Giờ đây, trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ, chuyến thăm của Narendra Modi tới Mỹ chứng tỏ một cơ hội "vàng" để nạp lại mối quan hệ song phương vô cùng quan trọng.
Đó là một cơ hội quan trọng mà cả Mỹ và Ấn Độ cần nắm bắt.
Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ trong 4 ngày. (Ảnh: Reuters) |
Thường được miêu tả là "các đồng minh tự nhiên", nhưng thực tế thì, Ấn Độ và Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió trong năm vừa qua.
Nền kinh tế Ấn Độ, với mức tăng trưởng thường niên 7,4% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2011, đã tụt giảm chỉ còn 4,5% trong năm 2012 và sau đó bật nhẹ trở lại. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi ở Washington về khả năng tạo dựng sức mạnh quốc gia của Ấn Độ.
Cùng lúc đó, nhiều thỏa thuận không được ký kết hoặc thực hiện, trong đó có một hiệp ước hạt nhân dân sự mang tính cột mốc, các thỏa thuận quốc phòng nhằm tăng cường hợp tác an ninh và một hiệp ước đầu tư song phương.
Trong khi giới chức Ấn Độ quan ngại về cam kết mà Tổng thống Obama đã đưa ra về việc rút hết quân khỏi Afghanistan thì người Mỹ cũng có lo lắng của riêng mình về việc Ấn Độ không muốn thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Bê bối liên quan tới vụ bắt giữ Phó tổng lãnh sự Ấn Độ ở New York hồi tháng 12/2013 càng khiến cho quan hệ song phương thêm lạnh nhạt.
Chuyến thăm của ông Modi tới Mỹ sẽ đánh dấu bước tiến mới, hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự. |
Tuy nhiên, hai nước lớn vẫn chia sẻ rất nhiều lợi ích chung, trong đó có việc đảm bảo một cán cân quyền lực ổn định ở châu Á, nâng cao các quan hệ kinh tế, bảo vệ sự tiếp cận đối với các vấn đề chung của toàn cầu, chống khủng bố, mở rộng sự tiếp cận với các nguồn năng lượng và ủng hộ mở rộng nhân quyền.
Ấn Độ và Mỹ còn có chung quan ngại về những thách thức từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, trong khi vẫn tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc và tích cực thắt chặt quan hệ với các cường quốc trong khu vực.
Chuyến thăm của ông Modi tới Mỹ sẽ đánh dấu bước tiến mới hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự. Một nghị trình đầy tham vọng nhưng thực tế về các mối quan hệ an ninh, kinh tế và chính trị sâu sắc hơn sẽ tác động đến toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn thế.
Và khi lãnh đạo hai nước vạch ra giai đoạn mới của quan hệ Mỹ - Ấn, họ sẽ vẽ ra con đường gắn với một hoạt động mới ở một loạt các lĩnh vực rộng lớn. Thúc đẩy quan hệ kinh tế và quốc phòng, mở rộng hợp tác khu vực sẽ là các vấn đề được ưu tiên trong nghị trình.
Washington và New Delhi sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư song phương, tìm ra giải pháp cho những bất đồng giữa hai bên tại Tổ chức Thương mại Thế giới và sớm bắt đầu bàn thảo về tự do thương mại. Hai bên sẽ hoàn tất việc thực thi thỏa thuận hạt nhân dân sự, đánh giá và mở rộng thỏa thuận khung về quốc phòng.
Chuyến thăm của ông Modi đặt ra một cơ hội quan trọng cho việc hồi sinh các mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Mỹ sau một thời kỳ sóng gió. Và trong một thế giới đầy rẫy thách thức như hiện nay, thì đây là một khoản đầu tư đáng để thực hiện.
Thanh Hảo