Hiện nay bán hàng qua kênh online chiếm gần 10% doanh thu tại Thế Giới Di Động, tức người mua hàng trên website này đã trả tổng cộng khoảng 200 triệu USD, xấp xỉ 4.400 tỷ đồng, vào năm 2016 (Thế Giới Di Động đạt doanh thu tổng khoảng 2 tỷ USD vào năm 2016). Doanh thu này lớn hơn bất kỳ đối thủ nào trong ngành.

Thế Giới Di Động cũng được xem là công ty chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam năm 2015 với 10% thị phần, vượt qua các trang bán trực tuyến như Lazada, Sendo…, theo báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam do Euromonitor International phát hành.

Song song đó, website Thegioididong.com đứng thứ 33 trong những website được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, và thứ 22 trên thế giới trong nhóm trang buôn bán hàng điện tử tiêu dùng, theo số liệu từ Similarweb. Trang web này có khoảng 14,7 triệu lượt visit mỗi tháng, giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực bán hàng của mình tại Việt Nam và chỉ đứng sau Lazada, Chợ Tốt ở nhóm thương mại điện tử.

Để trở thành anh cả trong lĩnh vực của mình và một “tay to” trong thương mại điện tử, Thế Giới Di Động đã làm nhiều thứ để cải thiện kênh bán hàng qua mạng.

Trong sự kiện Vietnam Mobile Day tổ chức tại TP.HCM cách đây 2 ngày, Tùng Jacob – Trưởng phòng phát triển sản phẩm, phụ trách các website Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh – đã chia sẻ những bí quyết giúp hệ thống này lôi kéo khách mua hàng trên kênh online.

Ông Tùng cho biết người tích cực nhất trong việc chỉ ra lỗi của hệ thống bán hàng online của Thế Giới Di Động chính là… ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT và người đồng sáng lập Thế Giới Di Động. Ông Tùng nói vui rằng vị chủ tịch, linh hồn của Thế Giới Di Động, có… nhiều thời gian và tiền bạc nên thường xuyên mua sắm trên hai website Thegioididong.com và Dienmayxanh.com, do đó là người phản hồi nhiều nhất đến nhóm phát triển website để khắc phục những điểm yếu.

Ngoài ông Tài, còn hàng chục ngàn con người của Thế Giới Di Động cũng sẵn sàng phát hiện lỗi và báo lên nhóm vận hành website để cải thiện chất lượng và dịch vụ. “Quan trọng nhất là người báo lỗi cảm thấy rằng mình được lắng nghe và chúng tôi đều phản hồi các phản ánh này”, ông Tùng nói.

Chẳng hạn, có một nhân viên của Thế Giới Di Động mua hàng trên Điện máy Xanh. Người này sau khi lướt trang web đã phản hồi cho nhóm làm video rằng trong clip giới thiệu về sản phẩm, cú pháp nhắn tin chỉ thi thoảng hiện ra chứ không hiện ra xuyên suốt, do đó muốn xem lại cú pháp phải tua tới tua lui video rất mất thời gian. Nhân viên này cũng góp ý rằng người giao hàng của Điện máy Xanh không mặc đồng phục, do đó gây khó khăn cho người mua hàng.

Những góp ý như trên là rất quý giá và cần khuyến khích mọi người cùng đóng góp, vì nếu chỉ nhóm làm website vỏn vẹn mười mấy người thì không thể phát hiện hết lỗi, ông Tùng nêu ý kiến.

Để thử dịch vụ và xem cách vận hành hệ thống, ông Tùng cho rằng những chủ cửa hàng, chủ website cần “giả dạng” làm người mua hàng, tự mình mua các món hàng trên website của mình xem mọi thứ tốt chưa. Tại Thế Giới Di Động, ông Tùng cho biết có những người không chỉ làm như trên mà còn mua hàng từ các đối thủ, thậm chí mua hàng từ các website ở nước ngoài để đánh giá chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, tốc độ tải trang web cũng là yếu tố phải xem xét. Ông Tùng dẫn số liệu cho biết có 40% người nếu vào một website mà phải chờ lâu hơn 3 giây sẽ bỏ qua ngay, không cố truy cập nữa. Do đó Thế Giới Di Động đang duy trì mức dưới 3 giây, và mục tiêu là dưới 2,5 giây. Để đạt con số này, rất nhiều bên đã phải phối hợp để góp phần cho website chạy nhanh.

Chẳng hạn, hiện nay trên website Thế Giới Di Động người dùng chỉ thấy hiện 3 cột trưng bày sản phẩm so với 3-5 cột như trước đây. Việc này nhằm bảo đảm nội dung trang web được tinh gọn, giúp tải trang nhanh hơn. Khi người dùng click vào nội dung nào, những thông tin thiết yếu nhất sẽ hiện ra trước để đáp ứng nhu cầu người xem, các nội dung không quan trọng hiện ra sau. Những người xây dựng website này cũng cố gắng đoán trước các thứ người dùng sẽ thao tác sau đó để xây dựng các nút bấm, các nội dung đón đầu.

Mỗi lần cần thay đổi giao diện, ông Tùng cho biết không phải đội ngũ quản lý hay những người làm website quyết định sẽ chọn giao diện nào, mà chính khách hàng sẽ làm việc này thông qua các thống kê. Các phiên bản khác nhau sẽ được xây dựng lên, người truy cập khi sử dụng giao diện nào, click vào nút chức năng nào nhiều hơn đều thể hiện các con số, từ đó nhóm làm web sẽ thay đổi theo hướng đó.

Người chịu trách nhiệm cho website của Thế Giới Di Động cho biết nhóm luôn “lúa hóa” website, tức làm sao để trang web đơn giản nhất, dễ dùng nhất để ngay cả một người lớn tuổi khi vào web vẫn thấy dễ dùng.

“Một website thương mại điện tử có trải nghiệm người dùng tốt cần đến 4 yếu tố: Thiết kế tốt, nội dung sắc sảo, chăm sóc khách hàng chu đáo, vận hành ổn”, ông Tùng kết luận về 4 bí quyết để hút khách khi mua hàng online tại Thế Giới Di Động.

Về thiết kế, làm sao để... bà ngoại của bạn cũng có thể dùng website, làm sao để người dùng cảm thấy mua hàng online tiết kiệm thời gian hơn so với khi ra cửa hàng. Về nội dung, làm sao để nội dung giản dị ai đọc cũng hiểu, không dùng từ ngữ đao to búa lớn, để người dùng nhìn là có thể quyết định mua hàng.

Về chăm sóc khách hàng, Thế Giới Di Động hiện có 3 kênh: chat trực tiếp, gọi điện lên tổng đài, các bình luận trên website. Ông Tùng cho biết không để người dùng chờ quá 2 phút khi chat trực tiếp, một bình luận phải được trả lời trong 15 phút. Nếu người dùng gọi lên tổng đài thì không phải bấm số 1, 2 để nghe hướng dẫn, mà được kết nối thẳng với tổng đài. Giả sử nhân viên tổng đài hứa giải quyết vấn đề của khách trong 10 phút thì có giải quyết đúng trong 10 phút hay không, hoặc hứa gọi lại cho khách có gọi lại hay không, mỗi tháng có 4-5 chương trình cùng chạy thì nhân viên tổng đài có nhớ hết nội dung để trả lời cho khách hay không,... đó chính là những vấn đề cần giải quyết.

Về vận hành, làm sao để quản lý hàng tồn kho cho hơn một ngàn siêu thị ở tất cả tỉnh thành, làm sao để giao hàng tối đa 30 phút với Thế Giới Di Động hay 2 giờ ở Điện máy Xanh? Còn ở trang thương mại điện tử mới là Vui Vui, Thế Giới Di Động cam kết giao hàng tận cửa, lên tận các tòa nhà cao tầng và chịu phí giữ xe, thay vì gọi người nhận xuống để lấy hàng,... đó chính là những bài toán về vận thành mà hệ thống này đang giải quyết để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.