Các ông thầy nên học làm quen với những phê phán của xã hội vì chúng ta đâu muốn làm thần thánh. Mặt khác, xã hội đừng bắt ông thầy làm tấm gương duy nhất sáng, mà cha mẹ, đời sống xã hội mới luôn là tấm gương lớn nhất để trẻ noi theo.

Mới đây chưa lâu, một bộ phim ngắn phát sóng vào ngày Nhà giáo VN gây phản cảm. Tuy đơn vị phát sóng đã bị xử lý phạt hành chính song dư vị để lại không mấy dễ chịu, đặc biệt với những người ưa đầu tư vào chuyện xây dựng hình tượng.

"Ông thầy" trong xã hội ta lâu nay luôn có vị trí trang trọng: Quân – Sư – Phụ, thậm chí còn hơn cả cha. Vậy nên suy nghĩ nào không đẹp về "ông thầy", làm hoen ố hình ảnh viên ngọc không tì vết sẽ bị coi là bất bình thường.

Phàm là người có đủ hay - dở

Truyện tiếu lâm và dân gian đã từng khai thác mặt trái của hình ảnh ông thầy (đồ) và những thói hư tật xấu của phần người, từ ăn vụng đến tham ăn, dốt nát đến sĩ diện hão, trong khi vẫn không quên tôn trọng cái phần thầy ở họ. Phàm đã là người thì cũng có đủ hay lần dở. Điều quan trọng là cái dở ấy ở góc nào của con người – đạo đức, nhân cách hay chỉ là những "tội đáng yêu" đời thường.

Xin kể cho các bạn một câu chuyện có thật, mà tôi định nghĩa là “chối bỏ cội nguồn”. Điều trớ trêu là chuyện này xảy ra cũng với một ông thầy. Ấn tượng đó chưa nhạt.

Lần ấy, tôi được chứng kiến và phải đóng một vai gần như bất đắc dĩ trong một sự kiện đời tư của một đồng nghiệp cùng trường, mà vai đó đáng lẽ phải thuộc về cha mẹ anh.  

Số là anh bạn trẻ sắp lấy vợ và theo thông lệ là bắt đầu bằng màn “ăn hỏi”. Tôi nghĩ mình tham dự cùng đoàn của gia đình cho thêm đông vui nên đã nhận lời.

Thời đó ai làm “cán bộ nhà nước” là tự hào lắm, cho dù có thể chỉ là một viên chức quèn và họ coi đó là một nghề. Vì thế, khi khai lý lịch hàng năm, ở mục nghề nghiệp, họ khai là “cán bộ”. Anh là "cán bộ giảng dạy".

Tôi cùng một đồng nghiệp khác được mời tham gia “phái đoàn” đại diện nhà trai. Khi có mặt đầy đủ tại nhà cô dâu tương lai, anh bạn này giới thiệu thành phần đại diện với gia đình nhà bạn gái. Tới khi anh giới thiệu xong chúng tôi mới vỡ lẽ, chúng tôi là vai chính trong màn diễn này và anh giải thích với nhà gái rằng cha mẹ anh ở xa, già yếu không đến được.

Hôm lễ cưới diễn ra, người đại diện cho anh vẫn không phải là cha mẹ anh. Mọi người vẫn nghĩ vì họ già yếu và đường xa. Thời đó, nơi cách Hà Nội 100 cây số quả thật là rất xa. Dù vậy, tôi biết đó không phải là lí do chính để họ vắng mặt.

{keywords}
Ảnh: Văn Chung

Mọi chuyện êm ả trôi đi, gia đình nhỏ của anh vẫn hạnh phúc. Mỗi khi đi ra ngoài, anh thường chở cô vợ trẻ trên chiếc xe máy cá vàng mới toanh khá đắt tiền thời đó, mua lại của người quen từ Pháp về. So với những người cùng cơ quan, theo ngôn ngữ lúc bấy giờ, anh là một “tay chơi”. Mọi người không tò mò hỏi anh lấy đâu ra tiền mua những đồ đắt tiền ấy.

Rồi đến một hôm,  một người lạ trông rất nhanh nhẹn hỏi thăm đến nhà anh. Ông toát lên vẻ mộc mạc thôn dã, vai đeo xà cột, dấu vết của một cán bộ tỉnh xa. Người ấy chính là cha đẻ anh cán bộ kia. Không biết cha con gặp nhau có mừng vui không, chỉ biết rằng hôm sau ông bố khoác túi ra đi từ sáng sớm và không thấy bao giờ quay lại thăm vợ chồng người con.

Thời gian trôi đi, thật trớ trêu và khôi hài, hiện giờ anh đã là Phó GS của một trường “mô phạm".

Anh sẽ truyền lại gì cho SV của anh, những thầy cô giáo tương lai, về đạo làm con và về lòng biết ơn? Chỉ biết, đứa con con trai duy nhất của anh đã đối xử với anh hệt như anh đã làm với cha mẹ mình.

Không rõ con trai anh, từ khi còn nhỏ đã lần nào được cha mẹ đưa về thăm ông bà chưa. Nếu chưa thì đó là sự mất mát lớn. Nay cậu ta đã có gia đình riêng, nó càng không biết đến nơi quê hương nghèo khó của cha. Không biết anh có đủ can đảm để trách con không?

Nên làm quen với những phê phán của xã hội

“Quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con hát trên đồng.”  Câu thơ ấy đã làm không ít người Việt xa xứ bùi ngùi nhớ về cố hương nơi họ phải rời xa bởi muôn vàn lý do.

Song, vẫn có những người tìm cách chối bỏ cội nguồn. Họ chối bỏ bằng nhiều hình thức, từ cố tình giấu giọng địa phương, không dám nhắc gốc gác quê hương nghèo khó, đến rũ áo ra đi không một lần trở lại.

Thiện cảm hay ác cảm, thái độ ngưỡng mộ hay kì thị, ở đâu cũng có. Trên thế giới, khi nghe đến xứ nọ, người ta hay liên tưởng đến trộm cắp, lường gạt. Ngược lại, khi nghe đến xứ kia, người nghe suýt xoa vì thán phục, ngưỡng mộ. Những ấn tượng hay cảm nghĩ đó không phải hoàn toàn vô cớ. Có thể, chính những người con của xứ này, bằng thói bon chen hay những hành vi không đẹp của mình đã vô tình gây ác cảm với thiên hạ, đôi khi đến mức một số nơi không nhận người có quê tỉnh X, tỉnh Y.

Những thói xấu ấy cũng chẳng khác gì hành vi chối bỏ quê hương.

Sống trong nước, quê là một tỉnh, thành cụ thể, sống ở nước ngoài, quê hương là cả Việt Nam...  Mỗi người biết tự trọng trong hành vi của mình là góp phần khiến người khác tôn trọng quê hương. Thử xem, còn cách nào làm xấu mặt quê hương hơn hành vi ăn cắp vặt, ứng xử lỗ mãng, thô bỉ khi ra nước ngoài? Âu, như thế cũng là cách chối bỏ quê hương.

Song, tất cả những sự chối bỏ ấy vẫn chưa tệ hại bằng sự chối bỏ cha mẹ mình.

Để kết thúc bài viết, tôi muốn mượn mấy vần thơ của nhà thơ Nguyễn Huy Lư để nhắc nhở những ai vô tình hay cố ý chối bỏ cội nguồn:

“Hỏi tôi thương nhớ những gì

Tôi thương nhớ những dầm dề trời mưa

Tôi thương nhớ những ngày xưa

Bát sành mâm gỗ thơm tho gạo mùa”   

Vậy đó, quê hương là những quan hệ thân tình, là cái chất liệu đầu tiên làm nên mỗi người? Quê hương, cội nguồn không hẳn là những gì quá trừu tượng, cũng không phải những gì bóng bảy trên những tấm áp-phích hay những khẩu hiệu được viết bằng những mỹ từ.

Người viết bài này từng là một thầy giáo. Hay, hoặc dở, được yêu hay được ghét hãy để cho những người từng là học trò, từng là đồng nghiệp phán xét. Hãy cứ làm những gì mình cho là tốt và đừng nên quá bận tâm về đánh giá của người khác.

Theo tôi, ông thầy nên học làm quen với những phê phán của xã hội vì chúng ta đâu muốn làm thần thánh. Mặt khác, xã hội đừng bắt ông thầy làm tấm gương duy nhất sáng, mà cha mẹ, đời sống xã hội luôn là tấm gương lớn nhất để trẻ noi theo.

  • Nguyễn Phương