-Bạn bè, cộng sự của ông Hoàng Bích Sơn, nhiều người cũng đã nói về thói quen đào sâu suy nghĩ, khuyến khích những cách nghĩ mới, tư duy mới.
Nhà ngoại giao mềm mỏng, kiên định
Kiên định, mềm mỏng, linh hoạt... những cụm từ mà bạn bè, đồng chí cũng như các thế hệ kế cận dùng để miêu tả về phong thái và tính cách của ông Hoàng Bích Sơn (Hồ Liên), một nhà ngoại giao có nhiều đóng góp.
Ông Sơn là một nhà hoạt động chính trị điển hình, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, tham gia cách mạng từ lúc còn rất trẻ, trưởng thành trong cách mạng, để rồi sau đó nắm giữ những trọng trách lớn và có mặt trong những "khúc quanh" lịch sử rất quan trọng của dân tộc. Và một điều hi hữu, là cả ba anh em nhà ông đều được đặt tên đường tại Đà Nẵng... Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên.
Đoàn Chính phủ CM lâm thời Cộng hòa miền Nam VN tại Hội nghị quốc tế VN (Trung tâm hội nghị quốc tế Pari) ngày 26/2/2073. Hàng đầu từ trái sang: Ông Hoàng Bích Sơn, bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Văn Tiến. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp |
Giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khi mới ngoài 20 tuổi, sau khi tập kết ra Bắc một thời gian, ông Sơn trở thành Ủy viên Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từ ngày 26/02 – 02/3/1973, ông được cử làm Phó Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại Pa-ri.
Sau Đổi mới (1986), ông Sơn giữ vai trò trưởng ban Đối ngoại Trung ương và sau này chuyển sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho đến khi về nghỉ hưu. Dấu ấn ngoại giao của ông Sơn trong thời kỳ đất nước bắt đầu mở cửa đã được ghi nhận.
... Đất nước khi đó bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, bối cảnh quốc tế không mấy thuận lợi. Một mặt, vẫn bị bao vây, cấm vận từ phía các nước đế quốc. Mặt khác, diễn biến phức tạp của công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô và ở các nước XHCN Đông Âu cũng tác động không nhỏ.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người đã từng là "cộng sự" với ông Sơn trong nhiều hoạt động đối ngoại, chia sẻ: "Anh Hoàng Bích Sơn làm trưởng ban Đối ngoại trung ương trong hoàn cảnh công tác đối ngoại có nhiều khó khăn. Mỹ tiếp tục cấm vận VN, tình hình Campuchia.... Nhưng ban đối ngoại đã hết sức tích cực. Hồi đó, tôi là phó ban. Và chúng tôi đã là một tập thể rất mạnh và đoàn kết, cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ của đất nước trong thời điểm khó khăn sau năm 1975".
Phong thái ngoại giao của ông Sơn được bạn bè, đồng chí miêu tả bằng các cụm từ "kiên định, mềm mỏng, linh hoạt". Mềm mỏng trong ứng xử, nhưng không nhún mình trong các vấn đề thuộc về nguyên tắc.
Nhà báo kỳ cựu Hữu Thọ viết trong cuốn tư liệu "Hoàng Bích Sơn, nhà ngoại giao đất Việt": người ta hay nói người đất Quảng thường rất kiên định nhưng cố chấp và thái độ trao đổi thường gay gắt... Nhưng với anh Hoàng Bích Sơn thì khác hẳn. Kiên định là rõ rồi, nhưng lại rất mềm mỏng, trao đổi ý kiến ôn hòa và đặc biệt tư duy thông thoáng, linh hoạt, không cố chấp...
Như đúc kết của nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ông Nghiêm Vũ Khải, thì ông Hoàng Bích Sơn là sự chọn lọc tinh tế những phẩm chất tốt đẹp của một thế hệ đã được sự nghiệp cách mạng, kháng chiến và kiến quốc rèn luyện, kết hợp với những phẩm chất cá nhân và truyền thống gia đình. Ông đã thuộc về một thế hệ ngoại giao Hồ Chí Minh...
Từng có thời gian làm việc với ông Hoàng Bích Sơn trong giai đoạn hoạt động ở Quốc hội, ông Khải cho rằng, bài học quan trọng nhất, đó là, muốn làm đối ngoại tốt thì đối nội phải tốt, tốt từ trong tâm. Kỹ năng, nghệ thuật ngoại giao phải trên cái nền văn hóa tinh hoa của dân tộc và tri thức cơ bản.
Tư duy thông thoáng, linh hoạt
Cả đời hoạt động cách mạng, làm đối ngoại nhưng không bao giờ quên sách vở, viếc lách. Nên, khi đã về nghỉ hưu, ông Sơn dành thời gian nghiên cứu, biên soạn nhiều tài liệu về kinh tế. Nhiều quan điểm, ý kiến của ông hồi đó đã mang tính dự báo.
Đại diện thường trực VN tại Liên hợp quốc Hoàng Bích Sơn, trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thư ký LHQ ngày 13/8/1982. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp |
Chẳng hạn, từ trước năm 2000, trong bài viết phân tích, cảnh báo mặt trái của toàn cầu hóa, ông Sơn đã nói về sự lệ thuộc vào các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, khu vực.
Theo tư liệu trích từ cuốn sách "Hoàng Bích Sơn, nhà ngoại giao đất Việt", ngay từ trước thời điểm Việt Nam hào hứng đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, ông Sơn đã cảnh báo: "Tranh thủ đầu tư trực tiếp, vay vốn của nước ngoài là cần thiết và tất nhiên, nhưng điều đó đòi hỏi phải cân nhắc kỹ để có hiệu quả cao nhất và tránh hậu quả bất lợi. Vay nợ phải tính đến khả năng trả nợ, tránh nguy cơ vay nợ tràn lan dẫn đến lúc không có khả năng trả nợ và đứng trước nguy cơ phá sản lại phải vay nợ với những điều kiện nghiệt ngã hơn làm cho độc lập chủ quyền bị mất đi như không ít nước đã vấp phải".
Bạn bè, cộng sự... nhiều người cũng đã nói về thói quen đào sâu suy nghĩ, khuyến khích những cách nghĩ mới, tư duy mới.
Trong buổi kỷ niệm 90 năm ngày sinh được tổ chức mới đây, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Trọng Phiến chia sẻ một ấn tượng khó phai. Đó là, vào thời điểm trước năm 1986, khi những câu chuyện về đổi mới, về mở cửa... chưa được đón nhận hồ hởi như bây giờ, thì ông Sơn đã rất lưu tâm đến các ý kiến, quan điểm nghe có vẻ khác lạ và trái chiều...
Mới đây thôi, những bạn bè, đồng chí một thời... đã cùng ngồi lại bên gia đình bà quả phụ Vũ Thị Kim Hoàng, trong một buổi tưởng niệm ấm cúng và thân mật, để cùng nhắc lại những ký ức về ông.
Hoàng Bích Sơn (1924 - 2000), tên thật là Hồ Liên, quê ở xã Duy Trinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là UV Ban chấp hành TƯ Đảng khóa VI. Ông từng giữ các trọng trách Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội... |
- Lê Nhung