LTS: Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan luôn được những người xung quanh kính trọng, yêu mến bởi sự sắc sảo, bình dị. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông Phan Hữu Tích, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Chính trị Nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về những kỷ niệm của ông về cố Phó Thủ tướng.

1.

Tôi có may mắn được làm việc với nguyên Phó thủ tướng một số lần, nhưng đã lưu lại trong ký ức rất sâu sắc về một nhà lãnh đạo, một chính khách thông tuệ nhưng khiêm nhường và bình dị. 

Tháng 11 năm 2007, đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước “Vấn đề chính trị hiện nay trong công tác bảo vệ nội bộ Đảng - Thực trạng và giải pháp” bước vào giai đoạn khảo sát, đánh giá thực trạng. 

Đề tài này do Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương làm luận chứng, được Bộ Khoa học và Công nghệ giao, do đồng chí Phạm Văn Thọ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban làm chủ nhiệm; tôi được phân công làm Phó chủ nhiệm và được Chủ nhiệm ủy quyền tổ chức các hoạt động của đề tài.

Năm 2007, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương sáp nhập vào Ban Tổ chức Trung ương, tôi được giao nhiệm vụ Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì của đề tài. 

Đề tài có nhiệm vụ đánh giá về vấn đề “chính trị hiện nay” trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, xây dựng khái niệm, xác định nội hàm của vấn đề chính trị hiện nay và quan trọng là nhận diện vấn đề “chính trị hiện nay”, đề xuất giải pháp.

Sau khi nghiên cứu, bước đầu xác định khái niệm vấn đề “chính trị hiện nay”, để nhận diện và làm sâu sắc thêm vấn đề nghiên cứu, cùng với nghiên cứu, khảo sát ở các tỉnh ủy, thành ủy, chúng tôi xác định tiếp cận, xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo cấp cao có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hiểu “tổng thể và thực chất của vấn đề”.

Rất may mắn, văn bản đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương đã được nhiều đồng chí nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng đồng ý tiếp và cho ý kiến trực tiếp.

Sau mỗi lần gặp một đồng chí lãnh đạo cấp cao, thông tin, tư liệu được hệ thống, tổng hợp… để cuộc gặp tiếp theo xin ý kiến với các đồng chí lãnh đạo cấp cao sát với yêu cầu của đề tài hơn.

Do tính chất, ý nghĩa của Đề tài nên đã được các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhiệt thành ủng hộ, giúp đỡ. Riêng đồng chí nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu dành cho một buổi sáng đến quá trưa.

Tôi được gặp và làm việc với nguyên Phó thủ tướng, Bí thư Trung ương Đảng Vũ Khoan trong bối cảnh đó.

Ông Vũ Khoan là một chính khách thông tuệ nhưng khiêm nhường và bình dị. 

2.

Để triển khai buổi làm việc với mỗi đồng chí nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Đề tài chuẩn bị rất kỹ càng, gửi đề cương nội dung và xin đặt lịch làm việc trước hàng tuần. Thông thường, các buổi làm việc do đồng chí Phạm Văn Thọ, Trưởng ban - khi hợp nhất vào Ban Tổ chức Trung ương là Phó trưởng ban dẫn đầu. 

Hôm đăng ký lịch với nguyên Phó thủ tướng, Bí thư Trung ương Đảng Vũ Khoan cũng như mọi ngày, được ông rất vui vẻ nhận lời và nói rằng: “hôm ấy thì được đấy, từ mai tôi có việc không ở Hà Nội nhiều ngày đấy”.

Nhưng có tình huống đột xuất xảy ra, đồng chí Chủ nhiệm Phạm Văn Thọ được đồng chí Hồ Đức Việt - Trưởng ban phân công đi họp, nên chỉ đạo xin cáo lỗi nguyên Phó thủ tướng, xin chuyển lịch sang buổi khác.

Khi liên hệ, báo cáo với nguyên Phó thủ tướng, Ông hỏi tôi: đồng chí giữ trách nhiệm gì trong đề tài này? Tôi báo cáo: “Em là Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ, là Phó chủ nhiệm, được Chủ nhiệm ủy quyền tổ chức các hoạt động của đề tài”.

Ông nói: “Vậy thì mời đồng chí sang làm việc, tức là chúng tôi cung cấp và trao đổi thông tin, tư liệu theo yêu cầu của đề tài, đâu cần lễ nghi gì nhiều”. Tôi rất cảm kích và ấn tượng về cách ứng xử này. Tôi báo cáo với đồng chí Phạm Văn Thọ về cuộc làm việc với nguyên Phó thủ tướng.

Đến nhà ông khi ấy sát với cơ quan tôi 59 Phan Đình Phùng. Ông là người rất bình dị, cởi mở, dễ gần. Ông mời nước, ân cần hỏi thăm việc triển khai đề tài, hỏi thăm về các buổi làm việc trước… Ông hỏi “việc xây dựng khái niệm vấn đề “chính trị hiện nay” thế nào rồi. Đây là vấn đề lớn và phức tạp đấy!”

Tôi báo cáo vắn tắt một số công việc của đề tài đã thực hiện và mạnh dạn trình bày khái niệm vấn đề “chính trị hiện nay” đã xây dựng:  Là “những biểu hiện, tình huống thuộc về đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức, hoạt động của Đảng; phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên, đang diễn ra, sẽ diễn ra; làm suy giảm đoàn kết nội bộ, sau giảm uy tín chính trị, sức mạnh của Đảng; đe dọa vị trí, vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, đe doạ sự tồn vong của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi báo cáo thêm là vấn đề “chính trị hiện nay” có hai nhân tố: bên trong - bên ngoài. Những vấn đề thuộc về bên trong, thuộc về nội bộ của Đảng, của Nhà nước, hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên; những vấn đề bên ngoài là hoạt động của các thế lực sự chống đối, phá hoại từ bên ngoài vào nội bộ Đảng. Trong hai nhân tố đó, nhân tố bên trong giữ vai trò quan trọng, quyết định.

Ông lắng nghe rất chăm chú, có lúc gật đầu tán thành.

Ông trầm ngâm như nghĩ ngợi về một điều gì đó. Dường như ông muốn thẩm định thêm về người cán bộ đến làm việc với mình, có sự mạnh dạn “nghiên cứu vấn đề mới và khó” này. Ông giục tôi uống nước và hỏi thêm, đồng chí làm việc ở Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương lâu chưa, mới nhập vào Ban Tổ chức mà?

Tôi báo cáo với phó thủ tướng quá trình công tác, từ lúc đi chiến trường Tây Nguyên đến lúc làm ở Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ). Tôi kể tiếp, khi về Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, tôi đã luận chứng và được Hội đồng khoa học các ban Đảng giao cho Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ nghiên cứu đề tài “Đấu tranh phòng chống cơ hội chính trị trong các tổ chức Đảng”. Tôi cũng tham gia xây dựng Quy định mới thay thế Quy định số 75-QĐ/TW, trình Bộ Chính trị mới ban hành Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03-5-2007 “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.

Ông cười vui và nói: “Thế thì cũng có quá trình đấy, tham gia nghiên cứu đề tài này là đúng rồi”. Tôi rất vui và cảm thấy như ông có thêm sự tin tưởng để nói về những vấn đề khá hệ trọng.

3.

Ông lần lượt trao đổi các vấn đề do đề tài đề nghị. Ông ghi nhận cách tiếp cận vấn đề “chính trị hiện nay” và phân tích thêm nội hàm khái niệm này. Ông khen việc quan tâm đọc, nghiên cứu các cuốn hồi ký của các cựu lãnh đạo Liên Xô và tài liệu về Trung Quốc như vậy là tốt. 

Xin kể thêm một chút về các tư liệu đó như Rưscôps Nhicôlai Ivanôvích: Cải tổ-Lịch sử của những sự phản bội; LigaChốp: Bên trong điện Gremli của M.Goocbachốp; Víchto Aphanxép: Quyền lực thứ tư và bốn đời Tổng bí thư; V.I Bôndin: Sự sụp đổ của thần tượng (những nét chấm phá chân dung M.X.Goocbachốp); V.A. Criuchơcốp: Hồ sơ cá nhân, Thế kỷ XX trước con mắt của những nhân chứng KGB Liên Xô;  A. I VLasov: Bí mật của một đế chế sụp đổ; “Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (lần thứ 6), khóa XI, tháng 6 năm 1981: “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng từ khi dựng nước đến nay”.

Ông phân tích thêm về nguyên nhân sự sụp đổ của Liên xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và cho thêm nhiều ý kiến quan trọng với cách nhìn của người đã sống và làm việc ở Liên Xô nhiều năm.

Ông phân tích rõ thêm nội hàm vấn đề “chính trị hiện nay”: “Những vấn đề thuộc về bên trong, thuộc về nội bộ của Đảng, của Nhà nước, hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên; những vấn đề bên ngoài là hoạt động của các thế lực sự chống đối, phá hoại từ bên ngoài vào nội bộ Đảng. Trong hai nhân tố đó, nhân tố bên trong giữ vai trò quan trọng, quyết định”. Ông nói: “Tiếp cận như vậy là đúng, rõ ràng, bảo vệ Đảng trước hết từ trong nội bộ Đảng”.

Nhiều thông tin, tư liệu, nhận định của ông khá tương đồng với nội dung về xây dựng nội bộ Đảng, về vai trò người đứng đầu của tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu của Ban chấp hành Trung ương của một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trong các cuộc làm việc trước đó.

Ông nhấn mạnh: Vấn đề “chính trị hiện nay” có hai nhân tố: bên trong - bên ngoài. Phải giải quyết vấn đề nội bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề, là yêu cầu, là yếu tố cơ bản nhất để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức và lương tâm của dân tộc như Bác Hồ đã nói.

Ông đã gợi mở nhiều ý kiến như giải quyết vấn đề mất đoàn kết nội bộ và nêu câu hỏi: “Liệu có võ nào khác không hay chỉ mỗi cách điều mỗi anh đi một nơi để không có chỗ mà “chạnh chọe” nhau?”

Tôi xin phép hỏi một số vấn đề trong một số “vụ việc” thuộc về nội bộ Đảng qua các thông tin, tư liệu được tiếp cận mà có một số chỗ chưa rõ. Ông đã trình bày, giải đáp khá rõ ràng, cụ thể về mặt được và khiếm khuyết trong xem xét, xử lý những vụ việc đó.

Ông nói thêm, đó là những vấn đề lịch sử của Đảng đấy, mà lịch sử thì không thể có giả sử!

Buổi làm việc với nguyên đồng chí Vũ Khoan vừa thu nhận được nhiều tư liệu quý, vừa học hỏi được rất nhiều về phương pháp tư duy, giúp tôi rất nhiều trong xây dựng “báo cáo tổng quan kết quả nghiên cứu đề tài” sau này.

4.

Tôi rất hân hạnh có thêm mấy lần được gặp nguyên Phó thủ tướng, Bí thư trung ưng Đảng Vũ Khoan nữa. Đó là lần sau khi Đề tài nghiệm thu cấp Nhà nước đã đánh giá cao, tôi đã đến báo cáo với ông. Khi tôi hoàn thành nhiệm vụ Thường trực Tổ biên tập, tham gia chắp bút Đề án Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tôi đến báo cáo với ông và “khoe” với ông đã được đồng chí Tổng Bí thư cho phép gửi kèm theo Đề án là tóm tắt ngắn gọn kết quả Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước “Vấn đề chính trị hiện nay trong công tác bảo vệ nội bộ Đảng -Thực trạng và giải pháp”.

Đồng chí nguyên Phó thủ tướng tỏ ra rất vui và động viên: như vậy, các đồng chí đã thay đổi nhận thức “nghiên cứu không phải là ngâm cứu”.

Đồng chí còn cho rằng: “kỳ này không nói đến hồi tố trong tự phê bình và phê bình, nhưng tới đây không thể như thế được. Rõ ràng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng như Di chúc của Bác Hồ dặn lại là rất quan trọng và cấp bách đấy. Các đồng chí làm Bảo vệ nội bộ Đảng cần có đóng góp nhiều hơn.”

Tiễn tôi ra về, ông bảo tôi: đồng chí cũng nhiều việc đấy, khi nào rảnh sang chơi nhé. Tôi lễ phép cảm ơn và nhận lời.

5.

Năm 2012, khi hết tuổi quản lý ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi xin không tham gia Tổ công tác giúp Bộ Chính trị đôn đốc thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ tư khóa XI để chuyển về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Mình giảng dạy theo chế độ kéo dài của Phó giáo sư. (Tôi đã là giảng viên kiêm chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành Chính quốc gia trong nhiều năm).

Tôi rất vui khi được gặp lại nguyên Phó thủ tướng đến giảng bài cho lớp nguồn cao cấp của Trung ương tại Học viện, lại được trò chuyện cùng ông ít phút. Ông nhìn tôi trìu mến, và nói với tôi rất gần gũi, thân mật.

Tôi rất bất ngờ khi ông nói: “Anh chịu khó nghiên cứu, có thực tế, có nhiều thông tin, tư liệu, chuyển sang giảng dạy là tốt đấy. Mình cũng được anh em mời tham gia giảng dạy, đây là công việc khó nhưng thú vị đấy!” 
Ông không gọi “đồng chí” như mọi khi và nắm tay tôi rất chặt. Tôi chỉ biết cảm ơn nguyên Phó thủ tướng.

***
Năm tháng qua đi nhanh, vẫn biết quy luật của sự sống: sinh, lão, bệnh, tử, nhưng sự ra đi của ông để lại tiếc thương của bao người, của đồng chí, đồng bào. Với tôi, tôi vẫn cảm giác như hơi ấm nắm tay của ông năm nào vẫn truyền cho tôi những hứng khởi…

Tôi xin viết mấy dòng này như nén tâm nhang nhớ về ông, cố Phó thủ tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Vũ Khoan.

Phan Hữu Tích