Online Friday 2016 chống “khuyến mại ảo” bằng cách nào?

Hiện nay, điều mà nhiều người tiêu dùng băn khoăn khi mua hàng trực tuyến vẫn chủ yếu là về giá cả và chất lượng hàng hóa. Những vụ việc liên quan đến hàng trực tuyến sai giá, chất lượng mẫu mã khác xa với giới thiệu trên website bán hàng đã làm cho không ít khách hàng mất niềm tin và nhu cầu mua hàng trực tuyến. Kết quả khảo sát người tiêu dùng trực tuyến được Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam thực hiện năm 2014 cho thấy, có tới 81% khách hàng lo ngại chất lượng sản phẩm mua trực tuyến thấp hơn so với quảng cáo; và 46% khách hàng lo ngại về giá cả của hàng được bán online. Với năm 2015, kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng trực tuyến cũng chỉ rõ, 2 trở ngại lớn đối với hình thức TMĐT loại hình B2C ở Việt Nam vẫn là giá cả và chất lượng sản phẩm mua online thấp hơn quảng cáo, với tỷ lệ lần lượt  là 61% và 73% người tham gia khảo sát lựa chọn.

Trên thực tế, ngay trong các ngày hội mua sắm trực tuyến - Online Friday 2014 và 2015 cũng không nhận được phản hồi tích cực do vẫn có nhiều sản phẩm, hàng hóa được các doanh nghiệp tham gia chương trình bán ra cao hơn giá thực và chất lượng hàng không đảm bảo. Những điều này gây mất lòng tin cho Online Friday nói riêng và hàng thương mại điện tử nói chung.

Rút kinh nghiệm từ các chương trình Online Friday trong 2 năm trước và cũng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, trong năm 2016, Ban tổ chức Online Friday đã hợp tác với các bên hệ thống kiểm định giá cả và chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng.

Cụ thể, hướng tới mục tiêu cung cấp một thị trường mua sắm trực tuyến đảm bảo về chất lượng và có giá cả hàng hóa phù hợp, theo thông điệp “Chất từng sản phẩm - chuẩn từng giá bán”, Ban tổ chức Online Friday 2016 đã huy động sự hỗ trợ của các website kiểm định giá cả chất lượng, nhằm loại bỏ “khuyến mại ảo”, “chất lượng ảo” và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, trong đó điển hình là ứng dụng iCheck - app kiểm tra thông tin sản phẩm hiện được nhiều người tin dùng.

Tham gia hỗ trợ Online Friday năm nay, app iCheck sẽ có hệ thống quét giá QR code vào ngày 2/12/2016 (ngày sự kiện chính của Ngày mua sắm trực tuyến năm nay – PV) giúp minh bạch về thông tin sản phẩm. Hệ thống sẽ báo link sản phẩm này đang được bán tại Online Friday với giá giảm bao nhiêu. Hơn thế nữa, iCheck còn tích hợp tính năng giải trí và săn quà, khách hàng có thể vào app iCheck, chơi game trong tap minigame để có cơ hội nhận được nhiều phần quà giá trị.

Online Friday 2016 chống “khuyến mại ảo” bằng cách nào?

Để sử dụng app kiểm tra thông tin sản phẩm iCheck, sau khi tài và cài đặt app iCheck, người tiêu dùng chỉ cần mở app lên, vào phần quét mã vạch và hướng ống kính camera vào mã vạch sản phẩm, hoặc nếu không thể quét được mã vạch, chỉ cần nhập mã vạch sản phẩm (barcode) vào thanh tìm kiếm trên đầu màn hình và nhấn tìm. Khi đó, tất cả các thông tin về sản phẩm như hình ảnh, giá cả, công ty đăng ký, nguồn gốc sản phẩm sẽ hiện ra cho người tiêu dùng.

Trường hợp hình ảnh hiển thị không đúng với thông tin được cung cấp thì sản phẩm đó là giả, người tiêu dùng có thể liên hệ nhà sản xuất hoặc tố cáo sản phẩm nếu nghi ngờ đó là sản phẩm giả.

Bên cạnh đó, các thông tin về các sản phẩm giá giá sâu các mặt hàng khuyến mại của Online Friday 2016 cũng được đưa lên app iCheck nhằm kiểm chứng thông tin khuyến mãi. iCheck cũng phối hợp với các cơ quan chức năng chống hàng giả, hàng nhái để trực tiếp xử lý các trường hợp phát hiện hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Anh Vũ Thế Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần iCheck chia sẻ: “App iCheck mong muốn hỗ trợ người tiêu dùng minh bạch từ A đến Z trên từng sản phẩm: các chứng chỉ, nguồn gốc, giá cả để giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm”.

Cũng theo Ban tổ chức Online Friday 2016, cùng với việc hợp tác với iCheck, Ngày mua sắm trực tuyến năm nay còn có sự hỗ trợ của các web so sánh giá như: Top Mốt, Websosanh, Chongiadung…  giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá sản phẩm của từng nhà cung cấp với nhau và với giá trung bình thị trường, từ đó có thể đưa ra quyết định mua nhanh chóng, tiện lợi nhất, loại bỏ tình trạng “nâng giá”, “khuyến mãi ảo”.

Thông tin ngày 28/11/2016 từ phía Ban tổ chức Online Friday 2016 đã cho hay, trong tổng số 280.000 sản phẩm đã được các doanh nghiệp tham gia chương trình đưa lên hệ thống tính đến chiều ngày 27/11, đã có tới hơn 60.000 sản phẩm bị gỡ bỏ, do có giá chênh lệch cao so với giá thị trường.

Trước đó, trong sự kiện Online Friday Mua sắm mùa thu 2016 diễn ra ngày 30/9, trong số gần 60 doanh nghiệp bị người tiêu dùng phản ánh/ báo xấu, trong đó 15 doanh nghiệp có số lượng phản ánh nhiều nhất và vượt mức điểm uy tín cho phép đã bị gán nhãn cảnh báo. Theo Ban tổ chức, 15 doanh nghiệp này sẽ nhận được công văn cảnh cáo, yêu cầu giải trình về các phản ánh và được đưa vào danh sách các doanh nghiệp bị giám sát trong suốt chương trình Online Friday năm nay.

Đại diện Ban tổ chức Online Friday 2016 cho biết thêm, những khâu chuẩn bị cuối cùng cho Ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm nay đang được các nhóm triển khai gấp rút hoàn thiện. Theo kế hoạch, chiều ngày 1/12/2016, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, sẽ diễn ra lễ khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2016. Khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng là nơi sẽ lần đầu tiên diễn ra sự kiện BigOFF, kéo dài từ ngày 1 - 4/12/2016, có sự tham gia của hơn 25 doanh nghiệp tiêu biểu với nhiều chương trình khuyến mãi và trải nghiệm công nghệ độc đáo. Đặc biệt, trong thời gian từ 0h đến 24h ngày 2/12/2016, trên trang website http://store.onlinefriday.vn, người tiêu dùng trực tuyến trong nước có cơ hội mua được khoảng 250.000 sản phẩm, hàng hóa khuyến mại của khoảng 3.600 doanh nghiệp và shop.