Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và CNTT thuộc Bộ Công Thương vừa phối hợp cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday năm 2016.

Đây là năm thứ ba chương trình được tổ chức với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động TMĐT thông qua việc tạo cơ hội cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tham gia một cách thiết thực vào các hoạt động mua bán hàng hóa trên môi trường điện tử; đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh, tiếp cận khách hàng, nâng cao doanh số bán hàng thông qua kênh bán hàng trực tuyến.

Online Friday 2016 gồm một chuỗi sự kiện với nhiều hoạt động hấp dẫn, kết hợp các hoạt động online và offline: “Ngày mua sắm trực tuyến mùa Thu 2016” vào ngày 30/9/2016); “Diễn đàn phát triển TMĐT Việt Nam” vào tháng 11/2016 và sự kiện quan trọng nhất là “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam” sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 2/12/2016 trên website www.onlinefriday.vn cùng sự kiện Big-Off trong 3 ngày liên tiếp 1, 2 và 3/12/2016.

Đại diện Ban tổ chức (BTC) khẳng định, với Online Friday 2016, người tiêu dùng có thể mua sắm, tương tác với các doanh nghiệp này thông qua các chương trình online cũng như trực tiếp tại các sự kiện offline với nhiều khuyến mãi độc đáo chỉ có tại chương trình.

Tại đây, các doanh nghiệp đăng ký các sản phẩm khuyến mại, người tiêu dùng mua trực tiếp quan website hoặc qua ứng dụng di  động cho Online Friday trên 3 nền tảng iOS, Window Phone và Android. Bên cạnh việc website và ứng dụng di động cho Online Friday được nâng cấp và đầu tư tốt hơn trong năm nay, các “deal” khuyến mãi cũng sẽ được chia thành nhiều khung giờ theo từng ngành hàng để tránh sự cố quá tải truy cập. Ngoài ra, ứng dụng năm nay còn cho phép người dùng tìm kiếm khuyến mại theo định vị vị trí cùng với các bộ lọc đa dạng hỗ trợ tối đa cho người mua hàng.

Các ngành hàng chính sẽ  góp mặt tại Online Friday 2016 là điện tử, đồ gia dụng, thời trang, du lịch…với nhiều gói khuyến mại hấp dẫn. Góp mặt vào sự kiện lớn nhất năm của ngành TMĐT có các tên tuổi lớn tham gia vào các khâu khác nhau của ngành như Adayroi, Tiki, Lazada, Sendo, DKT,Hotdeal (trang TMĐT), ViettelPost, VNPost (logistic), Nguyễn Kim, Thế  giới di động (kênh phân phối, bán lẻ), Samsung, OPPO (doanh nghiệp sản xuất), Napas (thanh toán)...

Online Friday 2016 hướng tới các mục tiêu: hơn 50.000 sản phẩm khuyến mãi được đảm bảo bởi Ban tổ chức cả về chất lượng cũng như mức giá khuyến mại; trên 3.000 doanh nghiệp tham gia chương trình, với hơn 200.000 sản phẩm/dịch vụ được các doanh nghiệp đăng ký; trên 5.000.000 lượt truy cập website Online Friday; và tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia trong 1 ngày sự kiện chính (2/12/2016) trên cả website và ứng dụng bán hàng di động của chương trình đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt năm 2016, BTC Ngày mua sắp trực tuyến sẽ tập trung nguồn lực tối đa để xây dựng và triển khai các quy trình đăng ký chặt chẽ, áp dụng các quy chế về báo xấu và xử phạt, để đảm bảo các khuyến mãi chất lượng, hấp dẫn đến được với người tiêu dùng.

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu chương trình, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục TMĐT và CNTT, Trưởng Ban tổ chức Online Friday 2016 cho biết, điểm khác biệt lớn của Online Friday 2016 so với các năm trước là quy trình đăng ký sản phẩm sẽ có sự cải tiến so với những năm trước.

Theo đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình, BTC sẽ không áp dụng cơ chế duyệt sản phẩm/ dịch vụ như các năm trước. BTC sẽ chỉ duyệt thông tin của doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo tham gia chương trình  ở mức giá trung thực nhất và chất lượng cao nhất.

Song đại diện Cục TMĐT và CNTT của Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: “Một trong những mục tiêu của chương trình mà BTC hướng tới là tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, tin cậy nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, kích thích cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp tham gia. Đây cũng chính là nền tảng cơ bản để phát triển tốt ngành  TMĐT tại Việt Nam. Để hướng tới mục tiêu đó, chất lượng của các khuyến mại tham gia vào chương trình cũng là một vấn đề mà BTC đặt rất nhiều “tâm tư” và mong muốn sẽ nâng cao được chất lượng các khuyến mại, ưu đãi của những sản phẩm tham gia chương trình. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ áp dụng rất mạnh cơ chế “hậu kiểm” để kiểm duyệt các khuyến mãi chặt chẽ hơn nhiều so với các năm trước”.

Năm 2016 cũng sẽ là năm đầu tiên Bộ Công Thương mạnh mẽ đưa ra ra cơ chế minh bạch về sản phẩm và “deal” khuyến mại của các doanh nghiệp tham gia Online Friday nhằm kiểm soát chất lượng cảu toàn bộ giao dịch trong ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất năm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. “Chúng tôi cam kết BTC sẽ làm nghiêm túc việc xử lý những doanh nghiệp tham gia vào chương trình có dấu hiệu vi phạm. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất, quyết định thành công Online Friday 2016”, bà Lại Việt Anh khẳng định.

Đại diện BTC cho biết thêm, cơ chế này yêu cầu sản phẩm tham gia tại Online Friday phải đưa đúng giá gốc, sản phẩm không cận “date”, có chứng nhận xuất xứ sản phẩm, chính sách đổi trả rõ ràng và quan trọng nhất là là phải thực hiện đúng mức giá khuyến mại, giảm giá như đăng ký. “Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị tước quyền tham gia Online Friday 2016 ngay lập tức (có thể là vĩnh viễn), thực hiện bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng”, đại diện BTC nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Lại Việt Anh, BTC chương trình Online Friday 2016 cũng kỳ vọng sẽ có được sự tham gia tích cực của cộng đồng người dùng trên các mạng xã hội, diễn đàn CNTT và TMĐT vào cơ chế “hậu kiểm”, sát cánh cùng BTC trong việc rà soát, kiểm soát những thông tin hàng hóa, khuyến mại được đăng trên website cũng như ứng dụng di động của chương trình để phát hiện ra những thông tin, những khuyến mại không đúng, khuyến mại “ảo” hoặc những hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ví dụ như hàng giả, hàng nhái tham gia vào chương trình.

“Chúng tôi sẽ đưa ra “nút báo xấu” trên website cũng như ứng dụng di động của chương trình Online Friday 2016 nhằm tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có thể sử dụng nút này để báo với BTC về những sản phẩm, dịch vụ khuyến mại có vấn đề”, bà Lại Việt Anh nói.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong Ngày mua sắm trực tuyến 2015 diễn ra vào 4/12, có 392 phản ánh của người tiêu dùng với sản phẩm của 105 doanh nghiệp. Trong đó, tỷ lệ phản ánh sản phẩm có giá gốc không đúng với giá thị trường chiếm đến 48%. Hai nhóm phản ánh về liên kết sản phẩm không đúng và nhãn hiệu, nguồn gốc không rõ ràng đều có tỷ lệ 18%. Các phản ánh khác như giá khuyến mãi không đạt chuẩn của Ban tổ chức hay một sản phẩm xuất hiện quá nhiều chiếm dưới 16%. Xét trên tổng số sản phẩm đăng ký tham gia Ngày mua sắm trực tuyến 2015 của 105 doanh nghiệp bị người tiêu dùng phản ánh, số lượng sản phẩm bị phản ánh chiếm trung bình 2% tổng số sản phẩm.