- Chưa đầy một tháng nữa thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 50%, nhiều người đang kỳ vọng sẽ được mua xe giá rẻ. Liệu xe nhập khẩu có thực sự giảm như mong đợi?

Theo cam kết khi gia nhập AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á về Việt Nam sẽ giảm 10 điểm phần trăm từ 1/1/2014 . Đây là một khoản không nhỏ vì sau khi tính thuế nhập khẩu mới tính thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Ví dụ, một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc có giá tính thuế là 10.000 USD sẽ giảm tới 1.650 USD, xe có giá trị lớn càng được giảm nhiều.

Đến năm 2016, thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 40%, năm 2017 còn 30% và năm 2018 còn 0%. Theo lý thuyết, xe nhập khẩu từ khu vực này sẽ ngày càng rẻ, thậm chí, theo tính toán còn rẻ hơn xe sản xuất lắp ráp trong nước tới 20%.

{keywords}
Giá xe nhập khẩu chưa chắc đã rẻ từ năm 2014 vì các rào cản đặt ra để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa (ảnh Vneconomy)

Nhưng liệu điều đó có xảy ra?

Để hạn chế xe nhập khẩu nguyên chiếc tràn vào Việt Nam, mới đây, cơ quan chức năng đưa ra một số đề xuất quản chặt hơn với xe nhập khẩu.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2013, vừa diễn ra ở Hà Nội, Nhóm công tác về ô tô xe máy đã đề xuất các chính sách nhằm ưu đãi cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, trong đó đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo đề xuất này thì cần kiểm tra giá ô tô nhập khẩu khai hải quan. Có lẽ hàm ý của đề xuất này là muốn các cơ quan chức năng - trực tiếp là hải quan - đẩy mạnh công tác tham vấn, bổ sung dữ liệu về gía các loại xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Mục đích chính là tránh hiện tượng các nhà nhập khẩu khai giá xe nhập khẩu thấp để trốn thuế và gian lận. Tuy nhiên, đề xuất này cũng cho thấy hàm ý nữa là có thể nâng giá tính thuế các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Từ trước đến nay, chuyện Hải quan Việt Nam nâng giá tính thuế với mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn diễn ra. Mỗi khi giá tính thuế tăng, nhiều mẫu xe nhập khẩu sau khi hoàn tất thủ tục đã phải tăng giá bán từ vài trăm đến cả chục nghìn USD/chiếc tùy loại. Tức là, khi giá tính thuế tối thiểu được nâng lên thì sau khi cộng các loại thuế, giá xe nhập khảu nguyên chiếc cũng sẽ cao hơn trước nhiều.

{keywords}

Việc đưa ra các quy định ngặt nghèo với đại lý sẽ làm cho chi phí tăng thêm và đương nhiên sẽ bị tính vào giá bán.

Ngoài xe mới là thắt chặt kiểm soát với xe cũ nhập khẩu. Ô tô cũ thời gian qua cũng nhiều lần bị cơ quan hải quan nâng giá tính thuế, khiến xe cũ có giá khá cao, không còn hấp dẫn với người tiêu dùng.

Bộ Công Thương, trong bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trình Chính phủ, cũng có những đề xuất quản lý chặt với xe nhập khẩu.

Theo đó, để hỗ trợ các nhà sản xuất, cần tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế sự cạnh tranh của xe nhập khẩu đối với dòng xe chiến lược sản xuất trong nước. Các rào cản đó có thể là: quy định tiểu chuẩn ngặt nghèo đối với các đại lý nhập khẩu về năng lực tài chính, kho bãi... từ đó cấp quota nhập khẩu trên cơ sở năng lực của đại lý nhập khẩu. Yêu cầu bắt buộc các đại lý nhập khẩu phải có hệ thống bảo hành, bảo trì xe nhập khẩu đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với lượng quota nhập khẩu đã được cấp. Thực hiện thủ tục đăng kiểm khắt khe đối với xe nhập khẩu... Không chỉ vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải đề xuất thêm các rào cản phù hợp.

Tất nhiên, việc đưa ra các quy định ngặt nghèo cho đại lý như buộc phải có hệ thống bảo hành, bảo trì xe nhập khẩu đủ tiêu chuẩn kỹ thuật cùng các thủ tục đăng kiểm khắt khe, từ đó làm cho chi phí tăng thêm và đương nhiên sẽ bị tính vào giá bán.

Điều này có vẻ mâu thuẫn với những kiến nghị trong “Sách Trắng 2014” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) công bố sáng 12/11/2013. Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu than phiền về thủ tục hành chính đối với nhập khẩu khá nặng nề, số giấy tờ hành chính ngày càng nhiều, tạo ra một quá trình phức tạp đối với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu kiến nghị nên cho phép đăng ký nhập khẩu xe trong thời hạn vài năm (hoặc mỗi năm một lần), xác nhận một lần, cùng thời hạn, sử dụng cùng loại giấy tờ với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đồng thời, bỏ quy định đăng kiểm với xe nhập khẩu đã có chứng chỉ Euro 2 và cao hơn để giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho DN, người tiêu dùng.

Nếu chính sách quản lý chặt xe nhập khẩu được thực thi thì có lẽ, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc chưa chắc đã rẻ như tính toán, cho dù thuế suất thuế nhập khẩu giảm.

Trần Thủy