- Sau vụ việc cháy nổ cây xăng số 2B ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), ĐBQH Bùi Thị An nói chính quyền thành phố buộc phải có biện pháp rắn giải quyết thực trạng hàng trăm cây xăng bán lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư.

>> Toàn cảnh vụ cháy cây xăng ở Hà Nội

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng nay, ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị An nhận định:

{keywords}
ĐB Bùi Thị An: Dân vãng lai đổ về Hà Nội ngày càng đông, quy hoạch thì chưa thể cải tạo được

Thực sự Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng quy hoạch cũ không thể thay đổi được. Mật độ dân cư ngày càng đông, dân vãng lai ngày càng đổ về TP nhiều. Trong khi đó, việc quy hoạch thì chưa thể cải tạo được, chính vì thế có rất nhiều bất cập.

Qua theo dõi xử lý vụ cháy hôm qua tôi nhận thấy cơ quan được giao trách nhiệm đã rất nỗ lực, có mặt ở hiện trường rất nhanh. Người dân cũng tham gia chữa cháy rất tích cực. Nhưng có điều phải nói, nó chưa được trọng tâm vì trang thiết bị để xử lý cháy, đặc biệt là cháy xăng phải hiện đại hơn, tốt hơn, nhanh hơn nữa.

Việc xử lý hôm qua phải nói là có cố gắng nhưng chính vì bất cập của mình, đầu tư hệ thống PCCC có hạn nên giải quyết mới kéo dài như vậy. Tôi nghĩ tới đây không chỉ riêng Hà Nội mà tất cả các thành phố lớn đều phải tập trung cho chuyện này vì Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, độ ẩm ít, khô nóng nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao.

Trách nhiệm của chính quyền sở tại trong việc ngăn ngừa các vụ hỏa hoạn và tai nạn xảy ra khi các trạm xăng đó bị lấn chiếm, thậm chí gần các khu vực dễ xảy ra cháy nổ?

Thực ra, đây đúng là có trách nhiệm trong quản lý của chính quyền sở tại trong chuyện giám sát, kiểm soát thường xuyên để nhắc nhở những đơn vị kinh doanh.

Ở đây, có vấn đề là người trực tiếp làm rất sơ suất vì phải tuân thủ tất cả các quy chuẩn về trạm xăng như phải như thế nào, hầm ngầm thế nào, chống lửa thế nào, khoảng cách phải xa khu dân cư bao nhiêu.

Chính vì thực trạng Hà Nội như vậy, trước mắt chưa thể giải quyết ngay được nên phải tăng cường việc giám sát thường xuyên, giáo dục ý thức cho những người trực tiếp kinh doanh xăng dầu cũng như những người quản lý.

Cứng rắn

Hà Nội có trên 500 cây xăng bán lẻ, nhiều trong số đó nằm ở khu vực đông dân cư. Theo bà, phải xử lý những điểm này như thế nào?

Đây là một bài toán khó giải vì mật độ dân cư trong nội thành rất đông nên nhu cầu xăng dầu là rất cần thiết. Nếu theo đúng quy hoạch phải đưa các cây xăng ra ngoài thì lại không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giải bài toán ấy như thế nào là cả một vấn đề đặt ra cho chính quyền TP và người dân. Phải có sự chia sẻ, nếu đưa cây xăng ra ngoài TP, người dân cũng phải chấp nhận chứ bây giờ yêu cầu vừa tiện lợi vừa an toàn thì rất khó.

Tôi nghĩ là chắc chắn tới đây TP sẽ có những biện pháp cứng rắn để giải quyết chuyện này.

Nhiều thành phố lớn khác đều có tình trạng tương tự đối diện với nguy cơ cháy nổ, thậm chí có số người thương vong lớn. Vậy, Ủy ban KH-CN-MT của QH có đặt ra một chuyên đề giám sát không, thưa bà?

Hiện Ủy ban cũng chưa đặt ra nhưng tôi nghĩ nếu thấy bức xúc thì Ủy ban sẽ vào cuộc vì đây không chỉ liên quan đến tài sản mà còn liên quan đến vấn đề tính mạng con người và tài sản của dân. Nếu tới đây bức xúc quá thì chắc chắn Ủy ban sẽ đưa ra và đề nghị báo cáo QH đi giám sát.

Vụ cháy cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo xảy ra ở khu vực không phải có địa bàn khó khăn, tuy nhiên công tác đối phó vẫn xảy ra sự cố khi 9 chiến sĩ PCCC phải nhập viện. Bà có lo ngại về năng lực, kinh nghiệm, trình độ của đội ngũ phòng cháy chữa cháy hiện nay không?

Cháy xăng lớn như hôm qua cũng ít xảy ra, nên việc ứng phó với cháy xăng, bỏng xăng ta chưa có kinh nghiệm lắm, qua chuyện này đặt ra yêu cầu phải luôn luôn nâng cao trình độ của đội ngũ phòng cháy chữa cháy.

Tá Lâm (ghi)