Tài chính toàn diện là việc mọi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tại Việt Nam, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030. 

Chiến lược có mục tiêu tổng quát là: Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm, bền vững;

taichinh.png

Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu cụ thể: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng;

Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm; ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%.

Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức to lớn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nổi bật là vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính nhằm tăng thêm thu nhập người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, người nghèo, người thu nhập thấp, góp phần xóa đói giảm nghèo tạo sự phát triển hài hòa bền vững trên khắp các vùng miền trong cả nước.

PV

Quyết Thắng và nhóm PV, BTV