Kênh thanh toán điện tử ngày càng trở nên phong phú, số lượng giao dịch trực tuyến, thanh toán online ngày càng gia tăng.

Trong thời đại cách mạnh công nghệ 4.0, xu hướng ngân hàng mở - Open Banking là tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Thay vì khép kín, không chia sẻ tệp khách hàng của mình, cũng không liên kết với ai để bảo vệ data khách hàng như trước đây, hiện nay, các ngân hàng đang cố gắng thay đổi, cởi mở tới mức tối đa. Đây là xu hướng toàn cầu quan trọng nhất trong hệ sinh thái ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

tien mat fb.jpg
Kênh thanh toán điện tử ngày càng trở nên phong phú 

Khi thực hiện ngân hàng mở sẽ mở ra nhiều cổng kết nối, có thêm các đối tác thứ 3, mang lại nhiều tiện lợi, giá trị.

Công nghệ này đã được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo.

Đại diện một ngân hàng cho biết, áp dụng Open Banking ngân hàng sẽ thiết lập hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác tệp khách hành mới; bên thứ 3 tạo ra các mô hình kinh doanh mới, cung cấp dịch vụ thu hút khách hàng sử dụng. Đặc biệt, trải nghiệm giao dịch tài chính của khách hàng được nâng cao, tiết kiệm chi phí giao dịch qua trung gian, quản lý tài chính tốt hơn.

Khi đề cập đến câu chuyện ngân hàng mở hiện nay, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng chuyển đổi số của ngành ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kĩ thuật, chuyển đổi số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Ông Dũng dẫn ví dụ thực tế, đó là ông nhận được một hoá đơn thanh toán khi sống tại chưng cư. Cùng một hoá đơn nhưng người dùng có 2 lựa chọn thanh toán. Thứ nhất, vào app của khu căn hộ để trả tiền. Thứ hai, chuyển tiền vào số tài khoản với nội dung ABC theo mail thông báo.

Từ đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh đến ứng dụng mở (Open API). Đây là ứng dụng cho phép kết nối các tài khoản của khách hàng, truy cập truy xuất, đối chiếu các giao dịch nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin. 

Ông Dũng cho rằng nếu chúng ta làm mà không có Open API, không có tích hợp thì mỗi người một nẻo. Hiện một người dùng có thể phải cài rất nhiều ứng dụng khác nhau của ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ. Nếu có thiết kế Open API và Open Banking thì giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện liền mạch. Khoản thanh toán sẽ được hiển thị trên một nền tảng, sau khi tôi thanh toán thì sẽ có thông báo là không còn hoá đơn nào.

Thừa nhận về vai trò và sự tất yếu của ngân hàng mở nhưng ông Dũng cũng nhận thấy để phát triển Open API còn rất nhiều thách thức. Chẳng hạn, để làm được câu chuyện thanh toán hoá đơn liền mạch như hiện nay, ngành điện lực phải mất khoảng 5 năm để tổng hợp số liệu và cho phép các ngân hàng tích hợp vào dữ liệu đó.

Thực tế, hiện nay, việc phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Dũng cho rằng, thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API, khiến các fintech phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào 1 chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng.

tacgia1