Trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc đại diện Uber Việt Nam cho biết không bình luận về những tin đồn và không thể xác thực độ chính xác của những thông tin trên. Ông cũng khẳng định, Uber luôn tuân thủ các quy định về thuế và chi trả đầy đủ các khoản thuế tại mọi thị trường mà đơn vị này có mặt.

“Các đối tác vận tải và tài xế đối tác của chúng tôi tại Việt Nam đóng vai trò như nhà cung cấp dịch vụ vận tải trong hành trình. Còn nền tảng công nghệ của Uber đóng vai trò như nhà cung cấp các dịch vụ về kết nối và xử lý thanh toán cho các đối tác vận tải như thu hộ phí vận tải và dịch vụ chuyển tiền”, ông Dũng cho hay.

Đại diện này giải thích, đối tác sẽ nhận về 100% các khoản thu dịch vụ vận tải từ những chuyến đi mà họ đã thực hiện với ứng dụng Uber. Đây chính là phần thu nhập của đối tác vận tải.

Đối tác vận tải có trách nhiệm đóng cho Uber 20% chi phí dịch vụ cho việc cung cấp công nghệ giúp kết nối xe và hành khách. Khoản chi phí dịch vụ này là một phần chi phí kinh doanh của các đối tác vận tải.

Ông Dũng cũng cho biết, phần lớn lợi nhuận thu được đều chuyển về cho đối tác tại Việt Nam, là những người dùng công nghệ của Uber để kinh doanh.

“Khác với ngành vận tải truyền thống với nguồn thu chủ yếu đến từ tiền mặt và thông tin dòng tiền chưa đủ minh bạch, nền tảng công nghệ của chúng tôi đảm bảo rằng mọi thông tin từ khách hàng, chuyến đi, doanh thu đều được lưu trữ điện tử, minh bạch và dễ theo dõi. Nhờ đó, việc thu thuế trở nên dễ dàng, thuận tiện và công bằng hơn rất nhiều so với ngành vận tải truyền thống”, ông Dũng cho hay.

Song, theo khảo sát của Zing.vn, phần lớn ý kiến các đối tác là những tài xế Uber cũng không biết họ nộp thuế hộ doanh nghiệp này như thế nào. Do đó, thông tin đại diện Uber phát ngôn khiến họ khá mơ hồ.

Anh Bùi Văn Hùng (Hà Đông, Hà Nội), chạy xe Uber được gần 1 năm cho biết, theo quy định, mỗi tài xế sẽ phải đóng 20% trên mỗi cước phí khách trả. Anh được biết, khoản này chính là chi phí dịch vụ cung cấp công nghệ.

Theo đó, tùy thuộc vào lựa chọn của tài xế mà khoản đóng này sẽ thanh toán qua thẻ ngân hàng hoặc đóng trực tiếp. "Ví dụ, phí đi xe của khách là 100.000 đồng, thì chủ xe phải đóng cho Uber 20.000 đồng. Số tiền trên sẽ tự động bị trừ trong tài khoản của tài xế hoặc đóng trực tiếp cho văn phòng đại diện Uber. Chúng tôi chỉ chạy xe và đóng tiền theo quy định, còn không biết 20% đó đi đâu", anh Hùng cho hay.

6 câu hỏi của Hiệp hội Taxi Hà Nội

Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết đã nhận được thông tin mỗi ngày Uber chuyển 1 tỷ đồng lợi nhuận về công ty quản lý tại Hà Lan. Ông cho rằng, mấu chốt vấn đề ở chỗ Uber chỉ có văn phòng đại diện, không phải công ty Uber Việt Nam. Do đó, việc làm rõ các khoản chi, thu thuế VAT là câu hỏi lớn cần đặt ra cho các bên liên quan.

Lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội đặt ra 6 câu hỏi: Uber đang hoạt động ở Việt Nam là đúng phép hay sai? Trong trường hợp kinh doanh đúng thì số tiền 20% mà các đối tác phải đóng cho chi phí dịch vụ cung cấp công nghệ nộp về đâu? Nghĩa vụ đóng thuế của họ như thế nào, có hợp pháp không? Nếu chạy taxi những xe hoàn toàn nhàn rỗi thì ai ai cũng có thể làm vận tải. Như vậy có được không?

Ngoài ra, trên nguyên tắc, khi thu, các bên phải viết phiếu thu. Vậy trong trường hợp này, Uber có viết hóa đơn VAT không? Nhưng khi viết hóa đơn VAT thì ai là người viết bởi Uber không phải là công ty ở Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện? Đây là những câu hỏi mà ngay cơ quan Nhà nước cũng còn lúng túng về dịch vụ chạy xe này.

Ông Bình chỉ ra, hiện nay, nhiều công ty liên quan đến thương mại điện tử trên thế giới đã có mẹo để lách luật. Thông thường, họ sẽ thành lập văn phòng đại diện chứ không thành lập công ty ở Việt Nam. Sau đó họ sẽ ký trực tiếp với một công ty ở nước khác có mức đánh thuế rất thấp như Hà Lan hoặc một hòn đảo nào đó trực thuộc - hay còn gọi là thiên đường trốn thuế.

Theo đó, mức thuế đóng thay vì 10-11% như quy định thì chỉ còn 0,5-1%. Cách làm này chắc chắn nhằm qua mặt Việt Nam để trốn thuế. Vì thế, cơ quan chức năng có biết cũng không làm gì được.

Hiện tại, có một số nước không chấp nhận việc làm này. Họ buộc đơn vị kinh doanh phải thành lập công ty, không chấp nhận mở văn phòng đại diện. Cái này thuộc về vấn đề quản lý, của Nhà nước! Đây cũng là bài toán khó về việc quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam.

Thông tin mỗi ngày Uber chuyển về Hà Lan 1 tỷ đồng xuất phát từ tuyên bố của Sở Giao thông Vận tải TP HCM. Với khoảng 4.000 taxi hoạt động tại TP HCM, số tiền trên trích từ 20% doanh thu của Uber.

Cục Thuế TP HCM cũng cho biết công ty này ở Việt Nam chỉ mới kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp về phần chi phí quản lý mà bên Uber Hà Lan trả để làm công việc quản lý khách hàng, giao dịch giải đáp thắc mắc của các khách hàng của Uber và thuế thu nhập cá nhân phát sinh. Đại diện cơ quan này cho biết sẽ có xử lý nghiêm với hành vi này.