25 năm chung thủy 1 định hướng

Phần mềm kế toán như một cái duyên đến với Công ty Cổ phần MISA. Cách đây 25 năm, hai chàng trai trẻ Lữ Thành Long và Nguyễn Xuân Hoàng ấp ủ khát vọng tạo ra phần mềm “tin học hóa”,  và MISA đã chính thức ra đời từ đó.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đa dạng phần mềm kế toán đã “trăm hoa đua nở”, nội có, ngoại có, giá cực đắt có, mà miễn phí cũng có. Thế nhưng, MISA vẫn chiếm được 50% thị phần doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều người thắc mắc, đâu là bí quyết thành công của doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MISA nói: “MISA luôn kiên trì, kiên định với một định hướng sản phẩm mình có thế mạnh cốt lõi. Từ lúc thành lập đến nay đã 25 năm rồi, MISA vẫn chỉ làm phần mềm kế toán và những sản phẩm xoay quanh mảng tài chính – kế toán như quản lý tài sản, quản lý công cụ... Rất nhiều doanh nghiệp cũng làm phần mềm kế  toán với MISA từ thời đầu, sau sao nhãng, thấy nhiều mảng khác hay lại nhảy ra làm, trong khi mảng chính lại chưa vững mạnh, dẫn đến không tập trung được nguồn lực, sản phẩm kém cạnh tranh, sau này mất thị phần”.

Đến nay, MISA đã có gần 250.000 khách hàng là các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp, hộ cá thể và khoảng 1,5 triệu khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của MISA cũng như nhiều doanh nghiệp khác, không phải trải toàn hoa hồng. Trước khi trở thành doanh nghiệp gần ngàn tỷ, tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2018 gần 70 tỷ đồng, MISA cũng từng có những lúc khó khăn tột bậc.

“Khi công ty còn nhỏ chỉ khoảng 30 – 40 người, cũng có những lúc MISA làm ăn không thuận lợi, cuối năm không có tiền trả lương, nhiều anh em không chịu được đã xin nghỉ. Có thời điểm một loạt anh em chủ chốt cả về kinh doanh và kỹ thuật rủ nhau nghỉ việc hết. Cùng quyết định gây dựng lại toàn bộ đội ngũ lãnh đạo MISA phải tự biên soạn giáo trình, tuyển sinh viên mới về đào tạo từ đầu. Những năm 2004 – 2005, cả công ty hoạt động kinh doanh cầm chừng, dồn lực đào tạo đội ngũ mới. Đội ngũ đấy giờ đều đã trưởng thành, nắm giữ những vị trí quan trọng của công ty”, ông Nguyễn Xuân Hoàng nhớ lại những kỷ niệm về một thời gian khó.

Sản phẩm trí tuệ Việt cạnh tranh sòng phẳng tại thị trường ngoại

Sản phẩm CUKCUK của MISA được sử dụng tại một nhà hàng nổi tiếng ở Đức.

Tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập MISA diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá rất cao MISA: “Ngay từ ngày đầu, MISA đã đi theo hướng phát triển sản phẩm, đã là tinh thần “Make in Vietnam”, đã là mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, và chưa bao giờ là gia công cho nước ngoài. Các bạn đã thành công và tạo nên sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam.

Tại sao Hàn Quốc đi sau Đài Loan khá lâu, nhưng đã vượt lên trên? Đó là do, Đài Loan chỉ tập trung vào gia công thuê, không chú trọng tạo ra sản phẩm và thương hiệu quốc gia. Còn Hàn Quốc ngay từ đầu đã vừa tập trung vào sản xuất vừa tập trung vào phát triển sản phẩm, thương hiệu và thị trường, đã tạo ra các tên tuổi như Samsung, Huyndai. Việt Nam chúng ta đã đến lúc phải tập trung nhiều hơn vào sản phẩm Việt Nam, làm chủ thiết kế, tích hợp thành sản phẩm cuối cùng, làm chủ công nghệ cốt lõi, phát triển thị trường, tạo thương hiệu Việt Nam. Nhất là trong lĩnh vực ICT".

“Quả thực, sản phẩm MISA 100% “Make in Vietnam”: làm tại Việt Nam, từ ý tưởng đến phân tích, thiết kế, làm ra sản phẩm rồi chuyển giao cho khách hàng đều do người Việt. Hoàn toàn hàm lượng trí tuệ 100% là của người Việt", Phó Chủ tịch MISA tự hào bày tỏ, đồng thời cũng chia sẻ áp lực về việc “phải phấn đấu làm nhiều sản phẩm khác, ra được thị trường nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn, phổ biến được cả ở thị trường nước ngoài giống như thị trường trong nước, bởi đấy mới là minh chứng về việc hàm lượng trí tuệ Việt Nam cạnh tranh được với sản phẩm ngoại”.

Bắt đầu triển khai định hướng “Go Global” cách đây khoảng 5 năm, cái khó nhất đối với MISA là chọn sản phẩm gì để “chinh chiến tốt”. Nếu cứ chọn sản phẩm mạnh nhất trong nước thì chưa chắc đã đúng.

Doanh nghiệp Việt này đã “biết người biết ta”, chọn phần mềm quản lý nhà hàng CUKCUK.VN vì quản lý nhà hàng ở mọi nơi trên thế giới đều có điểm giống nhau gần 90%, đều là phục vụ ăn uống, đặt bàn, tính tiền... chỉ khác đôi chút ở quy định về thuế, tiền tệ...

Sản phẩm CUKCUK của MISA được sử dụng tại một nhà hàng nổi tiếng ở Đức.

Và rồi sự “biết người biết ta’ đó đã giúp MISA bước đầu hái quả ngọt. CUKCUK.VN hiện đã có mặt tại hơn 15 nước, trong đó có cả những thị trường rất khó tính như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Đức, Úc..., và nhiều thị trường ở Đông Nam Á.

“Gần 100 khách hàng là những nhà hàng lớn ở Berlin trước đấy đã dùng nhiều phần mềm nổi tiếng khác, nhưng sau đã bỏ để dùng phần mềm MISA. Điều đấy khiến mình rất tự hào. Dù rằng thành công bước đầu còn nho nhỏ, nhưng cũng tạo cho mình niềm tin có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm hàng đầu khác trên thế giới. Sản phẩm tốt, biết cách bán hàng thì có thể chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài, kể cả những thị trường khó tính nhất”, ông Nguyễn Xuân Hoàng bộc bạch.

Không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới, MISA lại vừa khởi tạo tham vọng: “Trở thành nền tảng tài chính, kế toán và quản trị doanh nghiệp số 1 Đông Nam Á”.

“Với kinh nghiệm đã thành công tại Việt Nam kết hợp cùng những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI, blockchain...), có cơ sở để tin rằng MISA có thể triển khai thành công sản phẩm “Make in Vietnam” trong khu vực. Tất nhiên, bước đầu đưa sản phẩm ra nước ngoài, chúng tôi vẫn xác định phải vừa làm vừa học thì mới nhuần nhuyễn được. Mong muốn lớn nhất hiện giờ của chúng tôi là sản phẩm của MISA sẽ thành số 1 ở khu vực, trở thành sản phẩm yêu thích ở nhiều thị trường khác trên toàn thế giới”, lãnh đạo MISA kết thúc câu chuyện bằng một niềm tin lớn, một khát khao cháy bỏng về sự hiện diện của các sản phẩm 100% hàm lượng trí tuệ Việt trên toàn cầu.