Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa chuyên gia!

Thay mặt lãnh đạo TP Đà Nẵng, tôi xin nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu và các chuyên gia, đã đến tham dự Hội thảo Chuyên gia góp ý Đề án Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng hôm nay. Chúc quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng

Thưa quý vị đại biểu!

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra một cách mạnh mẽ và Việt Nam có lợi thế tiếp cận sớm hơn các cuộc cách mạng trước đây, mở ra cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của đất nước. Năm bắt xu thế, nhận diện cơ hội đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; cùng với đó, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là “chìa khóa” để nước ta tham gia nhanh hơn và đảm bảo thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Vì vậy, chúng tôi nhận thức rằng, các địa phương phải có trách nhiệm, chủ động triển khai chuyển đổi số trên địa bàn để góp phần chuyển đổi số quốc gia thành công.

Thưa quý vị đại biểu!

Đối với thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính Trị trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 05 lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có 01 lĩnh vực gắn với triển khai chuyển đổi số, đó là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; 04 lĩnh vực còn lại gồm phát triển dịch vụ logistics, du lịch; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp cũng đều cần đến nền tảng chuyển đổi số.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đã xác định 01 trong 03 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Như vậy, triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng không chỉ góp phần cho chuyển đổi số của quốc gia, mà là một trong các “giải pháp chính” để xây dựng, phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính Trị trị (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Chuyển đổi số là “động lực” để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN” và tầm nhìn “thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”.

Thưa quý vị đại biểu!

Triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng cần nhận diện đúng và đủ các thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức. Về thuận lợi, đó là: Triển khai chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị, Chính phủ giao phó và đang được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Đó là kế thừa kinh nghiệm và kết quả khá cơ bản từ 10 năm triển khai Chính quyền điện tử và 02 năm triển khai Đề án thành phố thông minh; nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành, hiện nay đã đóng góp vào 7,5% GRDP thành phố, có 02 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (gấp 4 lần trung bình cả nước...); người dân thành phố có dân trí cao, bước đầu hình thành thói quen tiếp cận, sử dụng dịch vụ trực tuyến (tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng gần 92%, số điện thoại di động thông minh hơn 91%...)

Thành phố cũng nhận thức được, chuyển đổi số không phải là tập hợp các ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất kinh doanh, kết hợp với ứng dụng công nghệ số, từ đó tạo ra các dịch vụ mới, đem lại giá trị mới; đặc biệt dữ liệu số là tài nguyên để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động, quản lý kinh tế, xã hội.

Với sự quyết tâm chính trị cao nhất của toàn hệ thống chính trị; truyền thống năng động, sáng tạo, tiên phong và có nhiều cách làm mới của Đảng bộ và chính quyền thành phố; sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện... sẽ là nền tảng thuận lợi để giải quyết những thách thức lớn trong chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, nhất là thách thức: Cần điều chỉnh cơ chế, thiết kế lại mô hình hoạt động và cần sự tham gia của toàn dân trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố còn có nhiều khó khăn, thách thức cần xử lý, cần sự định hướng, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, sự tư vấn của các chuyên gia.

Thưa quý vị đại biểu!

Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và “dẫn dắt” phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và có khả năng thực thi cao. Vì vậy, vai trò của các chuyên gia trong góp ý, phản biện Đề án chuyển đổi số thành phố, cũng như tham gia trong suốt quá trình triển khai là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của Đề án.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã nhận lời tham gia Hội đồng tư vấn chuyển đổi số thành phố, cũng như tham dự Hội thảo ngày hôm nay, Thành phố mong muốn nhận được những ý kiến góp ý, phản biện thẳng thắn, cởi mở, tâm huyết của quý vị cho Đề án Chuyển đổi số tại Đà Nẵng. Mọi góp ý, phản biện đối với Đề án hôm nay và trong thời gian đến sẽ được thành phố tiếp thu, xem xét kỹ lưỡng trong quá trình triển khai; đồng thời, thành phố cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của Hội đồng tư vấn và quá trình triển khai Đề án chuyển đổi số của thành phố.

Tôi đề nghị UBND thành phố chỉ đạo ban soạn thảo Đề án, với tinh thần hết sức nghiêm túc và cầu thị, tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện để hoàn thiện Đề án rất quan trọng và có ý nghĩa này, sớm báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để cho ý kiến trước khi ban hành và triển khai Đề án.

Một lần nữa xin cảm ơn quý vị.

Chúc hội thảo thành công!

VietNamNet