Trong thời gian ngắn, tôi xin kiến nghị 5 vấn đề đến Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương.

Một là, đề nghị trong năm 2021 tiếp tục xây dựng thể chế. Theo chúng tôi đánh giá đây là một trong 3 đột phá Trung ương đã chỉ đạo. Lực lượng công an cũng là một trong 3 đột phá để bảo đảm công tác an ninh trật tự rất có ý nghĩa, để cho toàn dân, các ngành các cấp thực hiện kỷ cương, kỷ luật, một cách trật tự, bình đẳng, an toàn.

Năm 2020 đã làm rất tốt công tác này và năm 2021 tiếp tục đưa công tác này vào nhiệm vụ trọng tâm. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ đưa nội dung này vào, nội dung cụ thể thì chúng tôi đã có báo cáo đề xuất rồi.

{keywords}
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: TTXVN

Hai là, về công tác an ninh kinh tế, chúng ta rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế nhưng phát triển phải trên nền tảng bảo đảm an ninh kinh tế, khi chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng thì vấn đề an ninh kinh tế càng trở nên rất quan trọng với đất nước ta, nền kinh tế của ta.

Vấn đề này Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 12 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với an ninh kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ cũng đã có kế hoạch cụ thể để triển khai vấn đề này. Để làm sao công tác an ninh kinh tế và việc phát triển kinh tế phát triển theo đúng định hướng, không chệch hướng. Chệch hướng trong phát triển kinh tế là một trong 4 nguy cơ Đảng ta đã chỉ ra từ nhiều năm - đây là nội dung rất quan trọng.

Trong năm 2020 chúng ta đã làm rất tốt, Chính phủ chỉ đạo rất nhiều công việc liên quan đến an ninh kinh tế, từ cổ phần hoá, tập trung phát huy nguồn lực trong dân, tập trung phát triển kinh tế nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, xây dựng nền công nghiệp chống gian lận thương mại, phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt.

Nhưng bên cạnh đó chúng tôi thấy vẫn còn rất nhiều nội dung cần tăng cường về an ninh kinh tế. Đó là những vấn đề chúng ta còn khó khăn trong quản lý kinh tế, còn nhiều hoạt động chuyển giá, quản lý tài chính tiền tệ, chứng khoán, quản lý dòng tiền, quản lý về phát triển DN, đánh giá sức mạnh của DN chống gian lận thương mại, quản lý về đất đai, cổ phiếu, trái phiếu DN… cần tập trung làm lành mạnh, bình đẳng, tự do, đúng pháp luật, tạo sự ổn định và phát triển đúng hướng theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Ba là, tập trung công tác phòng chống tội phạm, làm sao giảm phạm pháp hình sự. Trong nhiều năm gần đây Bộ Công an kiến nghị giảm tội phạm và trên thực tế năm 2019 – 2020 chúng ta đã giảm rất tốt, năm 2020 chúng tôi tổng kết chúng ta đã giảm so với năm 2019 khoảng 6,8%. Hiện nay chúng ta có khoảng 50.000 vụ phạm pháp hình sự mỗi năm, mỗi năm giảm được từ 5-8%, năm vừa rồi giảm được 6,8%, đây là kết quả rất đáng mừng. Trên thực tế nhiều ngày, nhiều địa phương, nhiều tỉnh cả ngày không có vụ phạm pháp hình sự. Huyện nào, tỉnh nào làm được việc đó rất mừng, cuộc sống chăm lo ấm no, hạnh phúc, an lành của người dân thì sẽ rất tốt.

Chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế một số địa phương, ví dụ như Cao Bằng, năm 2019 tổng số Cao Bằng có khoảng 360 vụ phạm pháp hình sự, năm 2020 còn 300 vụ, giảm 60 vụ. Nếu Cao Bằng năm 2019 có 360 vụ thì tức trung bình mỗi ngày tỉnh có 1 vụ phạm pháp hình sự. Năm 2020 còn 300 vụ, tức 2 tháng trung bình là Cao Bằng không có phạm pháp hình sự. Đó là rất tốt, người dân sống trong an lành, yên bình, trật tự, trong yên ổn.

Số lượng phạm pháp hình sự ở TP.HCM năm 2020 khoảng 4.500 vụ, chiếm 10% cả nước, tức mỗi ngày ở TP.HCM có 15 vụ phạm pháp hình sự. TP.HCM có 24 quận huyện, trung bình có 9 quận huyện trong 1 ngày không có vụ phạm pháp hình sự. Đấy là những con số rất ý nghĩa trong việc giảm phạm pháp hình sự.

Năm 2021 chúng tôi tiếp tục đăng ký với Quốc hội, Chính phủ sẽ giảm ít nhất 5% tội phạm. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp huy động được toàn dân, các cấp các ngành vào cuộc. Công an sẽ tích cực tham gia quản lý đối tượng, quản lý nghiện hút, quản lý và xử lý tốt các băng ổ nhóm tội phạm; quản lý vũ khí vật liệu nổ và công an sẽ xuống xã để gần dân hơn. Giải quyết an ninh trật tự và không phạm pháp hình sự ngay tại cơ sở, từng thôn xã một. Tất cả các xã làm tốt thì huyện sẽ tốt.

Thứ tư, tôi muốn đề xuất là cần quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống cho nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa, đây là những vùng chiến lược của chúng ta, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Hiện chúng ta có 62 huyện nghèo chủ yếu tập trung ở các vùng chiến lược, nếu để đời sống nhân dân khó khăn thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy cần tạo sự bình đẳng trong xã hội, tạo vành đai an ninh trật tự, củng cố an ninh quốc phòng vững chắc từ vùng chiến lược. Đây là việc rất có ý nghĩa. Phát triển trong xã hội không đồng đều, vùng này vùng khác thì tạo sự chênh lệch, áp lực rất lớn cần giải quyết. Chúng ta có 62 huyện nghèo, chúng ta có 63 tỉnh, mỗi tỉnh giúp cho 1 huyện thì rất tốt.

Năm là, về phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi suy nghĩ năm 2021 diễn biến Covid-19 còn rất phức tạp trên thế giới. Ngay ở khu vực chúng ta, với tác động đến Việt Nam, rồi biến thể mới, rất cần tập trung quản lý và xử lý tốt, không thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, kinh tế xã hội của đất nước ta. Chúng ta đã làm tốt thì tiếp tục. Trước mắt trong dịp tổ chức Đại hội Đảng và đón Tết này thì nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước rất lớn và ngày càng lớn. Trên thực tế chúng tôi đang xử lý vấn đề này rất vất vả. Nếu không có biện pháp hữu hiệu sẽ tác động rất lớn, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, bảo đảm an ninh an toàn phát triển KT-XH.

Theo thống kê hiện chúng ta đã đưa được khoảng 70.000 người Việt Nam ở nước ngoài về nước theo đường Chính phủ tổ chức đón bà con về nhưng số lượng này hiện nay vẫn còn rất lớn, còn khoảng hàng trăm nghìn người muốn về, đặc biệt số này sẽ tăng lên rất lớn trong dịp cuối năm. Đời sống của người Việt Nam ở nước ngoài rất khó khăn, bệnh dịch không được lo chu đáo. Tâm tư nguyện vọng của người ta trong dịp Tết về quê nhiều.

Hiện nay số lao động xung quanh ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc cũng rất lớn, hàng trăm ngàn người. Hiện có hai điểm sát chúng ta là Trung Quốc và Campuchia số lượng đi về Việt Nam bằng đường bộ cũng rất lớn.

Thực trạng xuất nhập cảnh hiện nay chúng tôi quản lý thì xuất nhập cảnh bất hợp pháp ở Việt Nam trung bình mỗi ngày có hàng trăm người. Từ đầu năm nay khoảng 14.000 người xuất nhập cảnh bất hợp pháp, gây khó khăn rất lớn cho công tác chúng ta.

Chúng tôi xin đề xuất 5 vấn đề như vậy. Xin trân trọng cảm ơn.

Ban Thời sự