Thưa Bà Zắc-xin-đa A-đần, Thủ tướng Niu Di-lân, Chủ nhà APEC 2021,
Thưa quý vị,
Tôi đánh giá cao sáng kiến của Bà Thủ tướng Niu Di-lân tổ chức Hội nghị quan trọng hôm nay. Thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt với những thay đổi căn bản, toàn diện đến đời sống, kinh tế, xã hội do tác động tàn phá của đại dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đây là lúc chúng ta cần phải vượt qua khác biệt, đoàn kết cùng nhau vượt qua khủng hoảng và ổn định đời sống người dân, đưa nền kinh tế thế giới phục hồi, hướng vào quỹ đạo phát triển bền vững, bao trùm.
Thực tế ứng phó với những tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: (i) trước hết là phải giúp cho người dân nhận thức đúng về dịch, được sự đồng tình chung tay hành động của người dân, đồng thời có các biện pháp kiểm soát dịch một cách tổng thể, khoa học, bao trùm luôn là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi vì, dù chỉ còn một nền kinh tế/một người chưa an toàn về dịch thì chúng ta sẽ không thể hoàn toàn an toàn; (ii) Hiện nay, triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và thực hiện tiêm chủng hiệu quả nguồn vắc-xin có chất lượng. (iii) Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số là những nền tảng quan trọng cho kiểm soát dịch hiệu quả và góp phần vào phát triển bền vững.
Thưa Quý vị,
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, kéo dài trong khi sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đang cạn dần, nghèo đói lan rộng, thất nghiệp gia tăng, bất bình đẳng xã hội trầm trọng hơn… Chạy đua với thời gian, chúng ta phải hành động quyết liệt hơn, hợp tác thực chất, hiệu quả hơn.
Tôi đề xuất 3 nội dung hợp tác:
- Trước hết, APEC là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vắc-xin hàng đầu thế giới, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vắc-xin. Cần nghiên cứu khả năng xây dựng Thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19.
- Thứ hai là xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo dòng chuyển động của các nền kinh tế, không để đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu như vừa qua.
- Thứ ba là, thực hiện phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, APEC cần triển khai nhanh các chương trình hợp tác, phối hợp chính sách về: (i) hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; (ii) nâng cao tính tự cường và năng lực thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập; (iii) đào tạo, chuyển đổi kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị, nông thôn và người dân.
Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của các thành viên APEC về phòng chống dịch và hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, thể thao… Trong đó hoan nghênh và chúc thành công cho các sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội Ô-lim-pích, Pa-ra-lim-píc Tô-ki-ô 2020, Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022…
Thưa quý vị,
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch COVID-19, vừa duy trì phát triển kinh tế, chủ trương này đã được người dân ủng hộ, cùng hành động, nên vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, ổn định xã hội và đời sống người dân. Nhân dịp này, chúng tôi trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của nhiều thành viên APEC trong thời gian qua.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chúng tôi hiểu rất rõ giá trị của đoàn kết và hợp tác. Việt Nam luôn trân trọng hợp tác APEC và sẽ cùng các thành viên thúc đẩy hợp tác trên tinh thần cùng phòng ngừa dịch bệnh, “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng” và cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.
Tôi nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Cuộc họp.
Xin gửi lời chào trân trọng đến các Nhà Lãnh đạo APEC.
Xin cảm ơn./.